Duyên Dáng Việt Nam

Một thoáng Việt Nam: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa

Phạm Trang • 24-07-2020 • Lượt xem: 1809
Một thoáng Việt Nam: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa

Nằm khiêm tốn lặng lẽ phía sau những ồn ào náo nhiệt của ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16, gian hàng của làng nghề Một thoáng Việt Nam đã đem đến cho khách tham quan một không gian thú vị. Với cách sắp xếp, bố trí cùng những sản phẩm mang giá trị văn hóa lớn lao, gian hàng đã thu hút hàng ngàn lượt du khách tới tham quan và tìm hiểu.

Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 với chủ đề: “Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh - Sống động từng trải nghiệm” diễn ra từ ngày 16/07/2020 - 19/07/2020. Nơi này với với quy mô hơn 200 gian hàng của các doanh nghiệp, du lịch, lữ hành, dịch vụ và ẩm thực đến từ 50 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó 150 gian hàng triển khai gian hàng kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu những sản phẩm, những tua du lịch mới với rất nhiều ưu đãi nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước sau đại dịch Covid-19.

Chìm đắm trong các giá trị văn hóa

Tham dự ngày hội năm nay, gian hàng Một thoáng Việt Nam mang đến những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của vùng đất Củ Chi, nơi lưu giữ và khôi phục các giá trị văn hóa. Đây cũng là nơi thể hiện sự tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa đúng quy luật, bảo đảm một môi trường tự nhiên nguyên vẹn. Đồng thời, Một thoáng Việt Nam cũng là nơi nghiên cứu công nghệ để sản xuất ra những thực phẩm sạch phục vụ nhân dân với chi phí hợp lý.


Sau một vòng tham quan quanh khu ẩm thực đầy màu sắc, hương thơm cùng các gian hàng quảng bá du lịch sôi động thì khi đặt chân tới Một thoáng Việt Nam, du khách sẽ được chìm đắm trong không khí của buổi hòa tấu nhạc cụ cùng tiếng hát trong trẻo của các nghệ sĩ dân tộc, đã mang đến cho ngày hội năm nay không khí đậm chất văn hóa Việt. Tới đây, chúng ta cảm nhận được những nét hồn quê, giúp cho những thế hệ trẻ hiểu hơn và được sống lại với những giá trị văn hóa của cha ông để lại.

 
Làng nghề Một thoáng Việt Nam còn mang đến cho du khách không gian của nghề thủ công truyền thống làm giấy dó. Một nghề mà có lẽ rất ít người biết đến. Với đôi bàn tay khéo léo, sự kiên trì bền bỉ, tỉ mỉ trong từng khâu, từng bước, chị Tâm đã tạo ra những tờ giấy dó đẹp, mỏng và có độ dẻo bất ngờ.

Chị Tâm chia sẻ: "Để làm ra được một tờ giấy gió chuẩn thì cần phải trải qua rất nhiều bước. Đầu tiên,  vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, sau đó được nấu cách thủy khoảng 3 ngày 2 đêm cho đến khi ngửi thấy mùi thơm của vỏ cây được nấu chín nhừ hoặc thấy phần thịt của vỏ cây dó trong lại. Tiếp đến dùng dao nhỏ bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày cho đến khi thành một dạng bột nhuyễn rồi cho bột dó vào một cái rá to có đường kính một mét được đan bằng tre để đãi sạch nước vôi, gọi là "đãi bìa". Dùng chất nhầy từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "nhớt gỗ" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Thợ seo chao đi chao lại trong bể bột dó, lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, bóc, can, phơi (sấy), lột giấy. Nhiều du khách cảm thấy rất thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm chao đi chao lại trong bể bột dó và tạo ra tờ giấy gió đầu tiên".


Ngoài ra, các sản phẩm sạch cũng được trưng bày, giới thiệu với du khách tại ngày hội như: Nano phục vụ nông nghiệp, các sản phẩm khoa học môi trường, các loại nấm thực vật bổ dưỡng hay các sản phẩm khoa học phục vụ sức khỏe.


Vùng đất hội tụ những tinh hoa văn hóa

Một thoáng Việt Nam - tên gọi của làng nghề truyền thống (ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM). Nơi đây có một kho tàng hiện vật cổ, tái hiện những di tích lịch sử ấn tượng, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, mang tính giáo dục lịch sử truyền thống sâu sắc cho các thế hệ.

Làng nghề Một thoáng Việt Nam khá bề thế với các khu vực được sắp xếp theo thông điệp gắn kết “không gian đất nước - con người”. Ấn tượng mạnh để lại trong du khách chính là chất lịch sử - văn hóa rất đặc thù, với các khu trưng bày hình ảnh, hiện vật về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đồ đá, đồ đồng, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... cho đến thời hiện đại. Đó là đền thờ Xã tắc (sơn hà xã tắc) với bàn thờ được đắp bằng đất và nước lấy từ các danh thắng, các điểm lịch sử ở 63 tỉnh, thành trên cả nước như: đất ở Lũng Cú, Điện Biên, ở đỉnh Hồng Lĩnh, núi Tản Viên, Cổ Loa, Lam Sơn, thành nhà Mạc, nhà Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ở một đảo nhỏ của vịnh Hạ Long, mũi Cà Mau... Trước đền Xã tắc còn trưng bày ba cây cọc gỗ Bạch Đằng - những cây cọc từng làm đắm bao thuyền giặc trên dòng sông lịch sử này, cọc được làm bằng gỗ lim, nặng và rắn như sắt, cây dày nhất khoảng 3 mét. 

Trong “khu không gian đất nước - con người” còn có một sa bàn bản đồ Việt Nam với chiều dài 55 mét trên nền hoa văn trống đồng được đắp bằng đá ong đan xen cùng những hình ảnh sinh động, những sơ đồ, hiện vật giới thiệu về lịch sử, địa lý Việt Nam. Chưa hết, qua khu văn hóa là khu nhà ở đặc trưng của các vùng miền: Bắc Bộ, Nam Bộ, nhà đất cổ ở Bình Định, nhà rường Huế, nhà rông Tây Nguyên, nhà dài Ede, nhà pơmu của người Mông..., là một cuộc triển lãm lộ thiên giới thiệu nếp ăn, ở, sinh hoạt của người Việt từ đồng bằng đến vùng cao. Nét độc đáo ở đây chính là trình độ kiến trúc đạt độ thẩm mỹ rất cao, các đường nét kiến trúc đã lột tả đúng thực tế, đặc biệt, từ chất liệu đến thợ làm nhà đều từ địa phương. Ở khu làm nghề không chỉ có một số nghề thủ công truyền thống như: Dệt lụa, khắc gỗ, làm gốm, chằm nón, đan mành tre, làm bánh tráng... mà còn có cả những nghề ít người biết đến như nghề làm giấy dó, nghề làm vàng quý, nghề sơn son thiếp vàng.

Một thoáng Việt Nam còn là một “bảo tàng” thực vật Việt Nam thu nhỏ. Hội tụ về đây với trên 500 loại cây, từ cây lúa, chuối, bầu, bí, mướp, cây bông vải... được trồng rải rác khắp làng, cho đến những loài cây đặc biệt hiếm thấy trong khu “hoa thơm cỏ lạ” như cây hoa súng có lá to bằng cái nia; cây súng có hoa đổi màu theo ánh nắng; cây nắp ấm có 20 giống khác nhau và đặc biệt là cây tre có đến 50 giống được sưu tập ở trong và ngoài nước.


Vì vậy, Một thoáng Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn chìm đắm vào không gian yên tĩnh, không khí trong lành, được hòa mình vào thiên nhiên để khám phá những nét văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những giá trị mà làng nghề Một thoáng Việt nam đang cố gắng xây dựng và giữ gìn sẽ góp phần khôi phục những làng nghề truyền thống đã và đang bị mai một theo thời gian đồng thời còn giáo dục thế hệ trẻ sau này nhớ về cội nguồn của dân tộc Việt Nam.