VĂN HÓA

Mottainai trở thành văn hóa sống mạnh mẽ, ăn sâu vào người Nhật Bản

Hạ Vũ • 11-11-2023 • Lượt xem: 1245
Mottainai trở thành văn hóa sống mạnh mẽ, ăn sâu vào người Nhật Bản

Theo quan niệm của ông bà xưa, khi ai đó vứt bỏ đồ ăn hoặc bất kỳ thứ gì, chúng ta sẽ luôn cho đó là sự phí phạm. Và người Nhật cũng vậy, cụm từ Mottainai của họ đã từ lâu trở thành lối sống văn hóa và ăn sâu vào con người của họ.

Mottainai trở thành triết lý sống của người Nhật

Đối với quan niệm bắt nguồn từ Phật giáo, thì lối sống không phí phạm được áp dụng vào một khía cạnh khác, đó là sẽ không vứt bỏ và tập thói quen sử dụng đúng cách đối với những đồ vật có giá trị lớn.

Nhưng trong văn hóa của người dân Nhật Bản, theo thời gian, cụm từ Mottainai không còn được hiểu theo nghĩa phí phạm, thể hiện sự tiếc nuối thông thường nữa, mà ở nó đã được bao hầm theo một quan niệm sâu sắc hơn, đó là tôn trọng giá trị đối với mọi thứ xung quanh. Từ đó, Mottainai dần trở thành triết lý sống và ăn sâu vào trong tiềm thức của người Nhật Bản. Bên cạnh đó, cụm từ Mottainai còn là một thông điệp quý giá mà người dân xứ sở mặt trời mọc muốn gửi gắm đến thế giới trước hiện trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Trong cuộc sống thường ngày của người dân Nhật Bản, cụm từ Mottainai luôn có mặt ở mọi lúc, mọi nơi và nó đã trở thành một triết lý sống, một cách rèn luyện để tránh lối sống lãng phí của người dân ở đây trong nhiều thế kỷ qua.

Mottainai là cụm từ có mặt ở khắp nơi và trở thành triết lý sống đối với người dân Nhật Bản.

Sự mạnh mẽ của cụm từ Mottainai

Đối với nguồn gốc từ Phật giáo, cụm từ Mottainai có ý nghĩa tương đối phức tạp. Trong đó, từ Mottai được ám chỉ là bản chất của đồ vật trong thế giới vật chất của con người với ý nghĩa rằng các vật thể không tồn tại biệt lập mà được kết nối với nhau.

Mặc khác, chữ nai mang ý phủ định, và khi chữ mottai và nai ghép lại thành một từ biểu hiện nỗi buồn về sự mất đi mối liên kết giữa hai thực thể, một còn tồn tại và một không còn tồn tại.

Trong văn hóa Nhật Bản, họ rất coi trọng sự gắn kết giữa con người và đồ vật và được phản ánh từ nhiều góc nhìn nghệ thuật, như là từ nghệ thuật sửa chữa đồ đạc Kintsugi cho đến phong cách sống dọn dẹp để hạnh phúc Spark joy.

Mottainai thể hiện sức mạnh giữa con người và đồ vật qua nhiều góc nhìn nghệ thuật.

Bên cạnh đó, do nhận thấy nhân loại đang theo đuổi một lối sống phát triển, điều này gây tác động không nhỏ đến sự ô nhiễm môi trường, khiến trái đất lâm vào mối nguy bị phá hủy, nên nhiều người mở ra chiến dịch hướng đến cuộc sống bền vững thông qua việc tìm hướng giải quyết cho vấn đề rất quan trọng với bất kỳ quốc gia nào, đó là giảm thiểu rác thải và năng lượng tiêu thụ.

Từ đó, người dân Nhật Bản đã nhận ra rằng triết lý sống lâu đời Mottainai từng bị lãng quên đã định hướng đúng đắn cho họ có cuộc sống bền vững và góp phần cứu lấy trái đất. Thay vì phải đi tuyên truyền và giảm thiểu mua sắm, xử phạt đối với việc xả rác, ô nhiễm môi trường, thì lối sống Mottainai khiến con người, đặc biệt là người Nhật Bản nhận thức rõ hơn về mọi thứ đều có giá trị và không đáng bị coi là rác thải và vứt đi.

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của nền công nghiệp và sống trong một thế giới với chủ nghĩa tiêu dùng, con người dần mất đi sự kết nối với đồ vật, dễ dàng có mới nới cũ.

Từ đó, gây nhiều hệ lụỵ dẫn đến khoảng cách giữa con người và môi trường ngày càng lớn. Vì vậy, đối với người Nhật, việc học cách trân trọng giá trị của bất kỳ vật gì cực kỳ cần thiết, nhất trong việc tái chế rác thải và bảo vệ môi trường, bởi điều này giúp kết nối giữa con người với thiên nhiên.