Duyên Dáng Việt Nam

Mùa nắng nóng xuất hiện nhiều ca ngộ độc hải sản

Hải Nam • 09-06-2018 • Lượt xem: 720
Mùa nắng nóng xuất hiện nhiều ca ngộ độc hải sản

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhiều ngày quan liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc thì ngộ độc thực phẩm xuất phát từ 2 nhóm nguy cơ. Nhóm thứ nhất là do vi khuẩn có trong thực phẩm ôi thiu nhất là thực phẩm là động vật hay các loại hải sản bởi lẽ thực phẩm càng giàu đạm thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn càng cao.

Mùa hè nắng nóng, là môi trường lý tưởng dẫn đến nhiều ca ngộ độc thực phẩm

Trong những ngày hè, nhiệt độ cao, độ ẩm cũng cao. Môi trường này là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới ô nhiễm hoặc làm cho thức ăn dễ ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Khi ăn các thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, các biểu hiện thường gặp là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mất nước, tụt huyết áp.

Nhóm thứ hai là do độc tố có trong các loại thực phẩm. Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, nhiều loại hải sản có độc như một số loại ốc, sam so, bạch tuộc vòng xanh hay cá nóc. Người dân thường có sở thích ăn các loại thực phẩm độc, lạ.

Tuy nhiên, những loại hải sản có chứa độc tố phải đặc biệt tránh. Hay, khi xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ thì cần phải tránh ăn hải sản đánh bắt tại khu vực đó.

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo các biện pháp để giúp thực phẩm trở nên an toàn hơn nhằm bảo quản và chế biến thực phẩm được an toàn, đồng thời phòng tránh nghộ độc thực phẩm do thực phẩm bị ô nhiễm, góp phần tránh các bệnh do thực phẩm nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh như sau: Chọn mua, sử dụng các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ địa chỉ rõ ràng. Không dùng các thực phẩm có chất độc như cá nóc, cóc.

Giữ mọi thứ sạch bao gồm rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên phải rửa tay trong quá trình chế biến thực phẩm; rửa và vệ sinh tất cả các dụng cụ, các bề mặt được sử dụng để chế biến thực phẩm…

Để riêng rẽ thực phẩm chín với thực phẩm sống. Đun nấu kỹ. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn. Dùng nguồn nước sạch, lựa chọn các thực phẩm tươi sống an toàn.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý, khi đi biển, người dân cần chú ý tai nạn nhiễm độc do sinh vật biển gây ra. Ví dụ như cá mặt quỷ, nhím cầu gai, bạch tuộc vòng xanh, sứa.

Không ít trường hợp đang bơi bị nhiễm độc do sinh vật biển dẫn đến tê liệt toàn thân, suy hô hấp thậm chí là tử vong. Lấy ví dụ như bị sứa châm, biểu hiện thường gặp là tổn thương tại chỗ, buốt, đau. Còn ấu trùng sứa châm gây cảm giác đau, mụn rải rác.

Tuy nhiên, một số loài sứa độc có thể gây tình trạng co giật, khó thở. Khi bị sứa châm, cần phải dùng dấm, chanh rửa vết thương tại chỗ sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Đặc biệt, trong nước biển và một số loại động vật biển có chứa một loại vi khuẩn có tên khoa học là Vibriovulmficus.

Chất độc từ loại vi khuẩn này giống như chất độc có trong nọc rắn hổ mang. Loại vi khuẩn này có thể gây tổn thương tại chỗ, hoại tử sau đó nếu nhiễm trùng máu có thể gây tử vong. Khi tiếp xúc với nước biển hoặc động vật biển, nếu bị thương thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.