Khám phá

Mua sắm theo cảm xúc là gì và làm sao để từ bỏ?

Quyên Hà • 23-10-2020 • Lượt xem: 2471
Mua sắm theo cảm xúc là gì và làm sao để từ bỏ?

Tự thưởng cho bản thân một cuộc mua sắm thoải mái sau một ngày làm việc vất vả hay sau khi vượt qua khó khăn là một cách chăm sóc bản thân khá xa xỉ. Nếu bạn thấy mình đang tiêu xài quá mức mỗi khi có những cảm xúc tiêu cực, thì bạn cần nhận biết được rằng đó chính là mua sắm theo cảm xúc.

Khi tiêu tiền vào bản thân, bạn cảm thấy trạng thái hưng phấn nhất thời. Bạn cảm thấy thật tuyệt vời vì mua sắm khiến bạn giảm lo lắng, căng thẳng và nâng cao tâm trạng.

Việc mua sắm theo cảm xúc giờ đây còn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với tất cả các loại thiết bị di dộng kết nối internet và các thương hiệu liên tục mời gọi bạn trên mạng xã hội. Chỉ một cú click chuột, thứ bạn muốn sẽ xuất hiện tại cửa nhà bạn ngay ngày mai.

Trên thực tế, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng 62% người tiêu dùng đã mua thứ gì đó chỉ để tâm trạng đi lên (theo Psychology Today). Hành vi mua sắm kiểu này được gọi là “liệu pháp mua sắm” vì khi đó, mua sắm giúp tâm trạng của chúng ta khá hơn nhiều, đặc biệt là khi bạn đang cảm thấy chán nản hay căng thẳng.

Nhà tâm lý học từ San Francisco, Peggy Wynne từng nói: tất cả chúng ta đều đã có lúc yêu thích liệu pháp mua sắm. Ở một mức độ hợp lý, thi thoảng mua một vài món đồ trong khả năng chi trả của bạn chắc chắn sẽ xoa dịu tâm hồn.

Bản thân hành vi mua sắm không có hại, nếu nó được thực hiện ở một mức độ hợp lý, cũng như sự điều độ trong mọi việc khác.

Vấn đề nghiêm trọng nhất là, nó gây hại cho ví tiền và tài khoản ngân hàng của bạn, có khả năng đưa bạn vào hoàn cảnh túng thiếu hoặc nợ nần, khiến bạn phải nói dối hoặc cảm thấy tội lỗi và xấu hổ với những người thân của mình.

Thói quen này có thể đã hoặc sẽ trở thành một hội chứng gây nghiện điều khiển cảm xúc của bạn và sẽ gây ra cho bất cứ ai bị nhiễm nó những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống cá nhân và cả các mối quan hệ.

Sau đây là cách xác định những dấu hiệu và những hệ quả của thói quen độc hại này.

Những dấu hiệu cho thấy bạn là một người mua sắm theo cảm xúc

  1. Áp lực tài chính: ngay cả khi đang phải đối mặt với những khoản nợ, bạn cảm thấy thật khó khăn để tự điều chính hay ngăn bản thân mua sắm những thứ bạn không cần.

  1. Làm tê liệt cảm xúc: bạn đi mua sắm như một cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực như nỗi buồn, tức giận, nhàm chán hay cô đơn.

  2. Lên kế hoạch tỉ mỉ: bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ và liệt kê chi tiết những gì mình muốn mua hết ngày này qua ngày khác.

  3. Giấu giếm: bạn thường đi mua sắm trong bí mật để che đậy thói quen mua sắm quá độ của mình, cũng như thường giấu giếm gia đình và bạn bè những gì mình mua.

  4. Trộm cắp: bạn thấy mình thường xuyên phải nghĩ đến những cách để có thêm tiền mua sắm, thậm chí là lấy cắp từ gia đình hay bạn bè, hoặc giấu họ bán những đồ vật giá trị hoặc nói dối về chúng.

Phải làm gì nếu bạn là người mua sắm theo cảm xúc?

  1. Nhận biết

Cũng như những hành vi gây nghiện khác, bước đầu tiên là bạn phải thừa nhận hành vi của mình là có hại và đang hủy hoại cuộc sống cũng như các mối quan hệ của bạn.

  1. Các tác nhân

Để điều chỉnh hành vi liệu pháp mua sắm, một trong những việc quan trọng nhất phải làm là xác định các tác nhân gây ra cảm giác phụ thuộc vào mua sắm: có thể là một mối quan hệ, căng thẳng công việc hay thiếu tự tin vào bản thân.

Nếu bạn có thể xác định những tác nhân này, bạn có thể xác lập các chiến lược để đối phó với chúng. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý để hỗ trợ bạn trong quá trình này cũng là một gợi ý.

  1. Chánh niệm

Tập trung vào hiện tại và nhận thức sự có mặt của bản thân trong hiện tại là một cách thức hiệu quả giúp bán vượt qua cơn nghiện mua sắm. Một khi bạn cảm thấy nhu cầu mua sắm dâng lên, hãy cố gắng dừng nó lại và tự nói lớn lên với bản thân:

  • Ngay giây phút này mình đang cảm thấy như thế nào?

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu mình chờ một chút?

  • Mình sẽ lấy đâu ra tiền để trả cho món đồ định mua?

  • Mình sẽ làm gì khi mua nó về?

  • Người thân của mình sẽ đánh giá thế nào về quyết định mua sắm này?

Hãy tự phản chiếu bản thân và thúc đẩy nhận thức của nó về hành vi và tác nhân gây ra quyết định mua sắm của bạn.

  1. Đặt giới hạn

Bằng cách để thẻ ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ ở nhà và chỉ mang đi một lượng tiền mặt nhất định hay đi cùng ai đó có thể kéo bạn ra khỏi cơn cuồng mua sắm. Bạn sẽ đưa ra các quyết định tài chính lành mạnh hơn.

  1. Chi chép cụ thể các khoản chi tiêu.

Cách duy nhất để hiểu rõ tất cả những khoản mua sắm nào bạn đã mua theo cảm xúc là ghi chép lại những chi tiêu hàng ngày của bạn.

Bạn có thể dễ dàng theo dõi các khoản này bằng việc giữ lại tất cả hóa đơn. Một cách khác là tải các app quản lý chi tiêu trên điện thoại.

Từ đó, bạn sẽ có thể xác định được những khoảng thời gian nào trong ngày hay những ngày nào trong tuần mà bạn có xu hướng mua những món bạn không cần. Và bạn cũng sẽ xác định được những món lặt vặt bạn không thực sự cần (thậm chí có thể trả lại).

  1. Sử dụng quy tắc 48 giờ

Một cách để tiết giảm mua sắm theo cảm xúc là sử dụng quy tắc 48 giờ. Đây là một quy tắc đơn giản nhưng khá hiệu quả để đối phó với những cơn mua sắm bốc đồng.

Thay vì thả tất cả những món mình muốn vào giỏ khi đi mua đồ, hãy viết tên của chúng và giá vào một ghi chú trên điện thoại.

Cho bản thân 48 giờ để thực sự suy nghĩ về từng món đồ và giá cả của chúng, xem khoản chi tiêu sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngân sách hàng tháng của bạn.

Trong khoảng thời gian 48 giờ, hỏi bản thân xem bạn có thực sự cần món đồ này hay không và nó có thực sự có giá trị với bạn hay không. Quy tắc này sẽ giúp bạn xem xét một cách khách quan quyết định mua sắm của chính mình.

  1. Lên kế hoạch cụ thể và theo sát kế hoạch chi tiêu của bản thân

Một kế hoạch chi tiêu cụ thể đã giúp rất nhiều người cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Bạn có thể dùng phương pháp “phong bì” để đặt giới hạn cho việc chi tiêu, theo từng khoản: ăn uống, bảo hiểm, điện nước, giải trí. Hoặc bạn có thể theo dõi chi tiêu, đảm bảo nó theo đúng ngân sách bạn đặt ra.

Một cách khác là đặt ra giới hạn chi tiêu sao cho cuối cùng bạn còn lại một khoản tiết kiệm và đầu từ nhất định từ thu nhập hàng tháng của mình. Tất nhiên là với cách này bạn vẫn phải chi tiêu đủ cho những nhu cầu căn bản và trả nợ trước đã.

Lên ngân sách là một chìa khóa quan trọng trong nỗ lực cắt giảm liệu pháp mua sắm.

  1. Window shopping – chỉ nhìn chứ không mua

Window shopping hay mua sắm qua cửa sổ là cụm từ chỉ hành động đi dạo qua cửa sổ các cửa hàng thời trang để nhìn ngắm các món đồ nhưng không mua chúng.

Hành vi mua sắm “giả tưởng” cũng là một cách hữu hiệu để cải thiện tâm trạng. Nhưng hãy đảm bảo bạn để thẻ ngân hàng hay thẻ ghi nợ ở nhà để cơn mua sắm không dâng lên khiến bạn mất kiểm soát và cuối cùng mang về một núi đồ đạc bạn không cần.

  1. Cho phép bản thân mua những món đồ khiến bạn vui trong giới hạn cho phép

Khi lên kế hoạch chi tiêu, hãy cho mình một khoản để “mua cho vui”, một khoản mà bạn nghĩ có thể để bản thân mua sắm tự do mà không ảnh hưởng đến tài chính cá nhân.

Không có gì sai với hành vi mua sắm theo cảm xúc nếu bạn đã tự xác định được một khoản hợp lý cho nó và vẫn đảm bảo được các mục tiêu tài chính đã đề ra.

Mua sắm theo cảm xúc chỉ khiến bạn gặp rắc rối nếu lâm vào cảnh nợ nần và mất kiểm soát.

Hi vọng những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn phần nào trong việc kiểm soát kế hoạch chi tiêu của mình. Và hãy nhớ, đừng để vật chất kiểm soát bạn. Bạn không làm việc vất vả để phục vụ cho vật chất, mà bạn phải là người kiểm soát, là người ra quyết định khôn ngoan sao cho những món đồ ấy phục vụ cho cuộc sống của bạn.

Theo Healthy Mommy & Experian