Duyên Dáng Việt Nam

Muốn bán ve chai tải VECA là được

Hương Trà • 05-05-2021 • Lượt xem: 520
Muốn bán ve chai tải VECA là được

“Ứng dụng VECA giúp kết nối những người thu mua ve chai muốn tăng thêm thu nhập với người bán và vựa, từ đó tạo ra lợi ích cho các bên, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề phân loại rác tại Việt Nam” – đó là lời giới thiệu được đăng trên trang facebook của ứng dụng VECA.

VECA, ứng dụng thu gom và mua bán phế liệu, hiện đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Không còn đóng khung những người thu mua ve chai là những người mặc đồ che kín từ đầu đến chân, đẩy chiếc xe đẩy đi khắp các con hẻm tìm người có nhu cầu bán ve chai; với VECA, công cụ đắc lực của họ là chiếc điện thoại thông minh.

Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện “ve chai công nghệ”, được sáng lập và vận hành bởi hai người trẻ 8X.

“Ứng dụng VECA giúp kết nối những người thu mua ve chai muốn tăng thêm thu nhập với người bán và vựa, từ đó tạo ra lợi ích cho các bên, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề phân loại rác tại Việt Nam” – đó là lời giới thiệu được đăng trên trang facebook của ứng dụng VECA.

Những ngày gần đây, VECA (tên viết tắt của “ve chai”) nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Ứng dụng này do hai người trẻ anh Bùi Thế Bảo và chị Đỗ Thị Minh Trang đồng sáng lập. Cùng sinh năm 1982, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, anh Bùi Thế Bảo từng làm tại nhà máy tái chế giấy, cũng như đảm nhận chức vụ trưởng phòng giám sát và điều phối các hoạt động liên quan đến sức khoẻ, an toàn và môi trường (HSE Manager) của một số công ty về nhôm, giấy. Trong khi đó, chị Đỗ Thị Minh Trang tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, hiện đang có công ty chuyên về thiết kế thương hiệu. Làm việc trong hai lĩnh vực khác nhau, nhưng mối quan tâm về môi trường đã giúp cả hai sáng tạo ra VECA.

Theo chị Minh Trang, ý tưởng ban đầu để tạo ra ứng dụng VECA là “một công cụ có thể giải quyết được việc phân loại rác đang rất yếu kém do hình thức thu gom hiện tại. Ở cấp độ sản xuất, ngành nhựa và ngành giấy rất cần nguyên liệu, trong khi việc tái chế tại Việt Nam lại chưa đáp ứng được”. Vì thế, VECA ra đời giúp giải quyết vấn đề rác thải của xã hội.

Bắt đầu từ cuối năm 2019, cả hai mất gần một năm rưỡi từ lúc hình thành ý tưởng đến xây dựng ứng dụng (app). Người có nhu cầu bán sẽ dùng app VECA để xác định địa chỉ và đặt lịch thu gom. Giá cả các loại phế liệu phổ biến sẽ được hiển thị trên app rõ ràng. App sẽ kết nối người bán đến người mua ve chai.

Ngoài ra, VECA có nền tảng riêng để kết nối người mua ve chai và vựa. App cũng sẽ có thuật toán giúp người thu mua tối ưu hóa được quãng đường thu gom. VECA hoàn toàn miễn phí với tất cả người dùng, cũng không hưởng phí chênh lệch trong giao dịch.

Mục đích của VECA là mang lại lợi ích thuận tiện cho người bán, tăng được khối lượng thu mua dẫn đến tăng thu nhập cho các những thu mua ve chai và vựa. Xa hơn, VECA sẽ góp phần làm giảm áp lực cho việc xử lý rác và bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn kế tiếp, khi qua app, VECA đã thu hút được khối lượng phế liệu đủ lớn, VECA sẽ tiến hành thu mua lại từ các vựa trong hệ thống của mình và bán đến các nhà máy tái chế. Đây sẽ là nguồn tài chính để dự án phát triển bền vững.

“Với nguồn vốn cá nhân, chúng tôi không có kinh phí cho các hoạt động lớn. Hiện app đang được giới thiệu qua các kênh truyền thông xã hội và may mắn được rất nhiều ủng hộ. Về lâu dài, chúng tôi rất mong được kết nối với các tổ chức, trường học để dự án phát huy hiệu quả”, người đồng sáng lập VECA chị Minh Trang chia sẻ.

Việc thuyết phục chuyển đổi mô hình từ truyền thống qua công nghệ theo VECA là khó nhất, đặc biệt ở một ngành nghề vốn được cho là công việc chân tay như thu mua ve chai.

Ở giai đoạn đầu, VECA sẽ thuyết phục và hướng dẫn các cô chú thu mua ve chai bằng cách đi cùng với họ từ nhận đơn đến thu mua, tính tiền trên app để họ làm quen với mô hình mới, chị Trang chia sẻ.

Hiện tại, dự án VECA đã khởi động từ ngày 10-4-2021 tại quận Phú Nhuận, dự kiến sẽ phủ rộng toàn TPHCM trong năm nay và sẽ tiếp tục tiếp cận đến các thành phố lớn từ năm thứ hai. Theo số liệu của VECA, sau gần 20 ngày kể từ khi ra mắt, app đã đạt 15.000 lượt cài đặt với 15 người thu mua ve chai tại quận Phú Nhuận.

Trong tương lai, VECA sẽ tiến hành cải thiện app ngày càng dễ sử dụng hơn để tiếp cận với mọi đối tượng. VECA mong muốn kết nối nhiều hơn các thành phần trong hệ sinh thái tái chế, thúc đẩy tốt hơn nữa tỷ lệ tái chế vật liệu. Bên cạnh đó, việc thanh lý đồ gỗ, quần áo, đồ dùng… có thể sẽ là ngách mở rộng các dịch vụ trong tương lai, chị Trang chia sẻ.

Theo chị Minh Trang, nghề thu mua ve chai là tuyến đầu của công nghiệp tái chế nhưng lại chưa được đánh giá đúng và chưa có dữ liệu số hóa. Cũng như các ngành nghề khác, nếu có công cụ và sự hỗ trợ, chị tin chắc hiệu quả hoàn toàn có thể được cải thiện.

Theo SGTTO