Duyên Dáng Việt Nam

Muôn vàn phương thức lừa đảo trên mạng xã hội

TL • 16-06-2020 • Lượt xem: 700
Muôn vàn phương thức lừa đảo trên mạng xã hội

Những kẻ lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lừa người khác như thông báo trúng thưởng, mạo danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án)… và yêu cầu phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do chúng lập ra.

Mạng xã hội cung cấp cho chúng ta một khối lượng thông tin hữu ích, kết nối với bạn bè mọi lúc mọi nơi và giúp việc liên lạc trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các hành vi lừa đảo cũng xuất hiện càng nhiều và ngày càng tinh vi, gây thiệt hại không nhỏ cho người mắc phải trò lừa.

Chiêu trò cũ vẫn khiến nhiều người sập bẫy

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hiện nay có nhiều kẻ thường sử dụng các chiêu trò để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác qua mạng xã hội. Nhiều trò cũ rích như thông báo trúng thưởng; nhận quà tặng từ nước ngoài; hoạt động từ thiện, nhân đạo… nhưng vẫn khiến nhiều người “sập bẫy”.

Để dụ được “con mồi”, chúng thường chủ động nhắn tin làm quen qua mạng xã hội; tuy nhiên, qua nhiều vụ án, luật sư chỉ ra rằng bọn lừa đảo thường tập trung vào những đối tượng nhẹ dạ cả tin (phụ nữ trẻ ít hiểu biết, người cao tuổi, người về hưu, người dân tộc thiểu số…). Chỉ cần ai nhẹ dạ cả tin chuyển tiền vào các tài khoản định sẵn, chúng lập tức rút sạch và cắt liên lạc.

Điển hình nhất, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, nhiều kẻ lừa đảo đã bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thông qua việc lừa bán khẩu trang. Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị can là Lê Thị Liên (SN 1992 ở xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) do Phòng cảnh sát hình sự công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố ngày 18.2.2020 là một ví dụ.

Luật sư Cường cho biết phương thức, thủ đoạn của bọn chúng là lập tài khoản Facebook có địa chỉ ở nơi khác và đưa nội dung thông tin “hiện đang có một số lượng lớn khẩu trang y tế cần bán của một nhà máy, ai cần mua bao nhiêu cũng có thể đáp ứng được”. Sau khi đăng tin, chị L.T.M ở TP.Thanh Hóa đã liên lạc với Liên trên tài khoản Facebook để hỏi mua. Sau khi thống nhất giá cả và số lượng mua, chị M. đã 4 lần chuyển tiền vào các tài khoản của Liên với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng để mua 600 thùng khẩu trang y tế. Tiền đã chuyển mà mãi không thấy hàng gửi về, chị M. mới biết mình bị lừa nên đã đến công an trình báo.

Ngoài các thủ đoạn trên, theo uật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM), chúng thường đánh lừa người khác bằng cách mạo danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án) gọi điện cho ai đó, nói rằng người ấy bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu chuyển một số tiền lớn vào tài khoản do chúng cung cấp để điều tra.

Ngoài ra, đánh vào tâm lý sính ngoại của nạn nhân, bọn lừa lừa đảo giả mạo người nước ngoài, sau khi nói chuyện một thời gian sẽ đề nghị được tặng nạn nhân một món quà, nhưng để nhận được quà thì phải chi một khoản tiền để thanh toán phí hải quan và phí vận chuyển...

Cần xác minh kỹ thông tin

Thủ đoạn mới nhất của bọn lừa đảo cũng vừa được Bộ Công an thông báo. Cụ thể, lực lượng công an phát hiện phương thức phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ.

Theo đó, với thủ đoạn đóng giả là người Việt Nam tại nước ngoài mua hàng online với số lượng hàng hóa lớn, giá trị tài sản cao từ những người kinh doanh trong nước, chúng gợi ý chuyển tiền trả trước cho người bán hàng online, thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Để tạo dựng niềm tin, kẻ lừa đảo sẽ giả lập một hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; chụp ảnh hóa đơn, chứng từ này rồi gửi tin nhắn hình ảnh cho bị hại, khiến bị hại tưởng rằng phía bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền.

Bộ Công an cảnh báo người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế cần cảnh giác, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác…

Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: “Những người sử dụng mạng xã hội cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; cẩn thận với các ứng dụng trên mạng xã hội. Đặc biệt, không giao dịch trên mạng xã hội với những nguồn không an toàn”.

Theo Một Thế Giới