Duyên Dáng Việt Nam

Nấm độc: Nhận biết như thế nào?

Lan Phương • 28-06-2019 • Lượt xem: 1053
Nấm độc: Nhận biết như thế nào?

Có nhiều người không biết cách phân biệt các loại nấm, ăn nhầm phải nấm độc, nguy cơ tử vong cao. Ở các khu vực miền núi, nhiều ca ăn phải nấm độc dẫn tới nguy kịch và ngộ độc. Làm sao để phân biệt được đâu là nấm độc?

Hầu hết các ca ngộ độc nấm đều xảy ra ở các tỉnh vùng núi, nơi có nhiều nấm dại mọc nhưng người dân chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc. Đáng lưu ý, rất nhiều người lầm tưởng nấm độc phải là nấm có màu sắc sặc sỡ nên thấy nấm trắng đã hái về ăn.

Ngoài ra cách phân biệt nấm độc bằng cách dùng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc để thử, nếu thay đổi màu xám đen là nấm độc cũng không đúng vì độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.

Với các loại nấm độc, tác động trên cơ thể người từ 12-24 giờ sau ăn. Với động vật còn chậm nữa, thường sau 4-5 ngày nên người dân không thể dựa vào quan niệm cho rằng động vật ăn được thì người ăn được.

Nấm tán trắng 

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, nếu không may ăn phải nấm độc, khi còn tỉnh táo, cố gắng móc họng gây nôn rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Với các loại nấm tươi lành tính, để tránh ngộ độc, các gia đình cũng nên chế biến càng sớm càng tốt, nếu để nấm bị dập nát, thối rữa sẽ hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna, thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác... Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao, chỉ cần ăn một cây nấm cũng có thể tử vong.

Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ.