Duyên Dáng Việt Nam

Nam Phi hủy 2 triệu liều vắc xin COVID-19, Ấn Độ nới lỏng phòng dịch

Đan Thuỳ • 14-06-2021 • Lượt xem: 474
Nam Phi hủy 2 triệu liều vắc xin COVID-19, Ấn Độ nới lỏng phòng dịch

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thừa nhận nước này sẽ phải hủy bỏ 2 triệu vắc xin Johnson & Johnson sau sự cố nhiễm bẩn tại một nhà máy ở Mỹ.

Quyết định này được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết hàng triệu liều vắc xin sản xuất tại cơ sở Emergent BioSolutions của Johnson & Johnson ở thành phố Baltimore không phù hợp để sử dụng.

"Chúng tôi sẽ không phát hành vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng lô dược phẩm không phù hợp", Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế Nam Phi cho hay hôm 13.6.

Nhà máy của Johnson & Johnson ở Baltimore phải tạm ngừng sản xuất hồi tháng 4 sau khi công nhân tại cơ sở này nhầm lẫn thành phần vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson với vắc xin của AstraZeneca.


Vắc xin của Johnson & Johnson - Ảnh: Internet

Theo The New York Times, Johnson & Johnson đã được yêu cầu tiêu hủy khoảng 60 triệu liều vắc xin do sự cố nói trên. Tuy nhiên, hai nguồn tin của Reuters cho biết 10 triệu liều khác đã được cho phép sử dụng.

Chương trình tiêm chủng vốn đang rất chậm chạp ở Nam Phi khi mới chỉ có hơn 1% dân số được chủng ngừa. Đất nước này phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin Johnson & Johnson để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 trong tổng số 60 triệu dân trong năm nay.


Chương trình tiêm chủng tại Nam Phi đang diễn ra chậm chạp - Ảnh: Internet

Nam Phi là một trong những quốc gia đang vận động từ bỏ bằng sáng chế đối với vắc xin COVID-19 để cho phép tất cả quốc gia sản xuất các phiên bản chung với chi phí thấp.

“Nếu muốn cứu người và chấm dứt đại dịch, chúng ta cần mở rộng và đa dạng hóa sản xuất, đưa các sản phẩm y tế vào điều trị, chống lại và ngăn chặn đại dịch cho càng nhiều người càng tốt”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói tại cuộc họp với các nước G7 ở Anh hôm 13.6.

Tại Ấn Độ, số ca mắc COVID-19 đang giảm dần, thủ đô New Delhi bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Các trung cửa hàng, trung tâm thương mại và nhà hàng ở New Delhi sẽ được mở cửa trở lại trong suốt 7 ngày trong tuần từ ngày 14.6. Các nhà hàng sẽ được phép hoạt động với 50% công suất, thay vì chỉ giao hàng và bán mang đi như trước đây. Các khu chợ cũng được phép mở lại nhưng phải luân phiên theo khu vực một tuần một lần. Các thẩm mỹ viện được mở cửa nhưng spa sẽ vẫn phải đóng.

Các cơ quan của chính phủ, toàn bộ nhân viên đi làm trở lại, các công ty tư nhân thì chỉ có 50% nhân viên văn phòng được đi làm. Hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt hoạt động 50% công suất.

Trường học và các tổ chức giáo dục sẽ vẫn tiếp tục phải đóng cửa. Hồ bơi, công viên giải trí cũng chưa được hoạt động trở lại song các địa điểm tôn giáo có thể mở cửa nhưng không tiếp nhận tín đồ.

Tuy nhiên, Bộ trường Arvind Kejriwal cho biết việc này sẽ được thử nghiệm trong vòng 1 tuần và sẽ lại áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ nếu số ca mắc COVID-19 tăng trở lại.

“Nếu các trường hợp lây nhiễm tiếp tục giảm theo cách ứng phó hiện tại thì cuộc sống của chúng tôi sẽ dần trở lại bình thường”, ông Kejriwal cho biết.


Ông Kejriwal cũng nhấn mạnh cần phải thận trọng trong quá trình nới lỏng hạn chế phòng dịch để bảo toàn những thành quả đã làm được trong thời gian vừa qua tại Ấn Độ.

Trong 24 giờ qua, New Delhi ghi nhận thêm 213 ca mắc COVID-19 và 28 ca tử vong, thấp nhất trong hơn 3 tháng qua.

Hơn 239 triệu liều vắc xin đã được tiêm trên khắp Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đã tăng tốc chương trình tiêm vắc xin COVID-19 trong vài tuần qua.

Theo 1thegioi.vn