Duyên Dáng Việt Nam

Nắng nóng, chỉ số tia UV ở Hà Nội, TP.HCM rất cao, nguy cơ gây hại cơ thể

Theo Một Thế Giới • 06-05-2020 • Lượt xem: 694
Nắng nóng, chỉ số tia UV ở Hà Nội, TP.HCM rất cao, nguy cơ gây hại cơ thể

Trong ngày 6.5, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 9-10, còn TP.HCM có giá trị từ 8-9. Đây là mức gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Ngày 6.5, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam kết hợp với hiệu ứng phơn (hay gió khô nóng) nên hôm nay ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C.

Vùng núi Bắc Bộ có nơi trên 39 độ C, vùng núi Bắc Trung Bộ có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày từ 39 - 41 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 - 17 giờ.

Không những vậy, từ hôm nay đến 10.5, nắng nóng xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ ở Nam Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 - 16 giờ.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt trong những ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Hiện tại, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 9-10, TP.HCM có giá trị từ 8-9, tương ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số tia UV an toàn khi nằm trong ngưỡng 0-2 (mức gây hại thấp) tới mức 3 đã bắt đầu gây tổn thương cho da. Khi chỉ số tia UV đạt mức 8-10, nếu để da tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời khoảng 25 phút sẽ có thể làm bỏng da.

Đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là mức độ cực kỳ cao, là chỉ số tia UV đạt mức báo động vô cùng nguy hiểm, tổn hại nhiều đến da, đặc biệt là trẻ em. Tia UV ở mức độ này có thể gây bỏng mắt thậm chí làm tăng nguy cơ bị ung thư da nếu tiếp xúc với trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong vòng 10-15 phút mà không được che chắn bảo vệ cẩn thận.

Ngoài ra, bức xạ tia cực tím và các tia bức xạ khác trong ánh nắng mặt trời ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, có thể gây nhiều tổn thương và các bệnh lý về da như sạm nám, tàn nhang, lão hóa.

Tia UV cũng có thể gây ảnh hướng cho mắt khi không đeo kính bảo hộ. Tác hại cấp tính của tia UV có thể xảy ra trong chỉ một lúc khi ra ngoài trời đang nắng gắt. Tia UV có khả năng gây ra các tổn thương cho giác mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng khi tiếp xúc lâu dài, nặng có thể dẫn đến mù lòa.

Vì vậy, người dân khi di chuyển dưới trời nắng cần bảo vệ da tối đa bằng cách bôi kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng chuyên dụng có chỉ số UPF40 trở lên, đeo kính râm, đội mũ rộng vành, che kín toàn thân. Đối với trẻ em cần được chú ý bảo vệ khỏi những tác hại của tia UV hơn người trưởng thành, nếu không sẽ rất dễ tích lũy các nguy cơ phơi nhiễm UV.

Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người dân cũng cần chủ động uống nhiều nước hơn để bù lượng nước mất đi qua mồ hôi và đường hô hấp. Song song đó là tăng cường đề kháng cho cơ thể bằng các loại vitamin C và tập luyện thể dục thể thao.