Duyên Dáng Việt Nam

NASA phóng nhà vệ sinh 'cứu tinh' lên vũ trụ

Hòa Bảo • 30-11-2020 • Lượt xem: 1142
NASA phóng nhà vệ sinh 'cứu tinh' lên vũ trụ

Hệ thống nhà vệ sinh mới của NASA hứa hẹn sẽ cải thiện chất lượng sinh hoạt của các phi hành gia, cũng như hỗ trợ cho các sứ mệnh không gian đến Sao Hỏa và Mặt Trăng sắp tới.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang mạnh tay cải thiện chất lượng vệ sinh trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), cụ thể là qua việc phóng một hệ thống toilet lên không gian vào ngày 29-9, theo Space.

Từ trước đến nay, việc “giải quyết nỗi buồn” trong không gian luôn là vấn đề đòi hỏi nhiều chất xám nghiên cứu. Hồi đầu tháng 6, NASA đã tổ chức sự kiện kêu gọi đóng góp từ cộng đồng để có nguồn kinh phí thiết kế nhà vệ sinh không gian mới này.

Hệ thống toilet mới trị giá 23 triệu USD mang tên Universal Waste Management System (UWMS) nhỏ hơn 65% và nhẹ hơn 40% so với toilet đang dùng trên trạm ISS, và có thể phục vụ phi hành đoàn đông hơn. Chiếc toilet được phóng lên ISS trong khoang hàng của tàu Northrop Grumman Cygnus hôm 29-9 trong nhiệm vụ chở vật tư định kỳ.

Ngoài mức tiền cao ngất ngưởng, bộ toilet với tên gọi Hệ thống Quản lý Chất thải Vũ trụ (UWMS) còn có các đặc điểm gây chú ý khác. Nhà vệ sinh được làm từ titanium, nhỏ hơn 65% và nhẹ hơn 40% so với các toilet hiện tại trên trạm ISS. Đây là các chi tiết vô cùng quan trọng, bởi đặc thù của trạm vũ trụ là không có nhiều không gian cho phi hành gia. Công nghệ của toilet này cũng được đánh giá là vượt trội so với hệ thống có sẵn hiện tại.

Thiết kế toilet mới của NASA. Ảnh: SPACE

Sau khi thiết bị ở trên trạm, các phi hành gia kiểm tra toilet mới hoạt động như thế nào trong môi trường vi trọng lượng. Phát biểu tại buổi họp báo hôm 24-9, bà Melissa McKinley - quản lý của dự án hậu cần cho Hệ thống Khám phá Nâng cao của NASA - cho biết hệ thống sẽ được lắp cạnh toilet hiện nay ở nút số 3 của trạm.

Phi hành đoàn Expedition 63 sẽ sử dụng cánh tay robot Canadarm2 của trạm ISS để bắt tàu vũ trụ Cygnus.

Bà Melissa McKinley cho biết: "Toilet này được xây dựng phù hợp với các sứ mệnh thám hiểm không gian và cải tiến dựa trên mô hình nhà vệ sinh trên tàu vũ trụ trước đây. Điểm trọng yếu trong thiết kế lần này đó là nỗ lực tối ưu khối lượng và năng lượng. Đây vốn là yếu tố cực kỳ quan trọng khi thiết kế các thiết bị cho tàu vũ trụ".

Thiết kế của toilet vũ trụ bao gồm ống dẫn chất thải và chỗ ngồi phù hợp hơn với phi hành gia nữ. Thiết bị cũng bao gồm bộ lọc tách cánh quạt kép bằng titan in 3D do công ty hàng không vũ trụ Collins Aerospace phát triển, tạo ra luồng khí mạnh giúp đẩy nước tiểu và chất thải vào toilet. Thiết kế titan cũng được cải tiến dựa trên hệ thống xử lý thô hiện nay dùng để thu thập nước tiểu trước khi tái chế.

Hệ thống toilet mới cao 71 cm, tương đương toilet cỡ nhỏ sử dụng ở khu cắm trại. Mẫu toilet này cũng có hệ thống khởi động tự động thay cho công tắc bật tắt như mẫu toilet hiện nay trên trạm ISS. Phi hành đoàn ISS sẽ sử dụng hệ toilet mới thường xuyên và thử nghiệm trong ba năm tới để đảm bảo mọi thứ hoạt động đúng như kế hoạch. Trước khi phóng, NASA đã kiểm tra UWMS trong môi trường mô phỏng trạm ISS.

Ở thời điểm hiện tại, toilet mới sẽ được thử nghiệm trong 3 năm, hoạt động song song với hệ thống đã có mặt trên trạm ISS. Sau đó, thiết kế mới này sẽ được cân nhắc để bổ sung nguồn lực cho các nhiệm vụ không gian đến Sao Hỏa hay Mặt Trăng trong tương lai.

“Nỗi buồn khó nói” trên vũ trụ

Bà Peggy Whitson là phi hành gia Mỹ giữ kỷ lục về số ngày làm việc dài nhất tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Hồi năm 2018, bà đã từng chia sẻ với Business Insider những trải nghiệm trong 665 ngày làm việc của bà trên vũ trụ.

Trong chia sẻ, bà Whitson nói bà rất yêu công việc du hành vũ trụ, ngoại trừ việc phải đi đại tiện ở đó.

Nữ phi hành gia Peggy Whitson. Ảnh: TWITTER / PEGGY WHITSON

Trên ISS, phi hành gia phải sử dụng bồn cầu có nắp rộng chỉ khoảng 10cm (bồn cầu mà chúng ta hay dùng rộng khoảng 30-45cm). Ngoài ra họ phải dùng các dây ràng để buộc chặt mình vào chỗ ngồi. Điều này cũng giúp đảm bảo chất thải không bị thoát ra ngoài khi họ đang “giải quyết nỗi buồn”.

Chất thải sau khi đại tiện sẽ được gói kỹ trong một túi nhựa và tống đi trong một đợt dọn dẹp rác thải kế tiếp. Khi chất thải quá đầy, các phi hành gia phải "đeo găng tay cao su vào và nén nó xuống".

Theo bà Peggy, đó là khi toilet của ISS hoạt động bình thường. Còn khi nó trục trặc, thi thoảng các phi hành gia còn phải xử lý cả với những cục phân trôi nổi.

Toilet dùng trên trạm ISS trước đây. Ảnh: NASA

Trước đó, đài Al Jazeera năm 2015 từng phát một video phỏng vấn phi hành gia người Ý Samantha Cristoforetti giải thích về hoạt động của toilet trên ISS.

Toilet này được mang lên trạm ISS năm 2008, do Nga chế tạo với chi phí khoảng 19.000 USD. Nó có khả năng biến nước tiểu của các phi hành gia thành nước uống được.

Theo đó toilet này sử dụng một thiết bị có ống dẫn sử dụng lực hút để kéo đi phần nước tiểu và phân sau mỗi lần phi hành gia sử dụng nhà vệ sinh.