Điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến và không thể thiếu được trong cuộc sống con người. Đặc biệt hơn, điện thoại thông minh còn được coi là vật bất li thân, đơn giản vì sự hữu ích của nó. Chúng ta có thể nghe, gọi, nhắn tin, lướt web, xem video, nghe nhạc, học tập, chụp ảnh, lướt facebook...
Chính vì sự hữu ích, tiện dụng, hấp dẫn đó mà độ tuổi nào, lứa tuổi nào cũng muốn sở hữu một chiếc điện thoại thông minh hay còn gọi là smartphone. Thế nhưng, một trong những băn khoăn mà hầu hết các bậc cha mẹ đều gặp phải, đó là khi nào trẻ em nên có một chiếc điện thoại của riêng mình?
Tại sao nên cân nhắc về độ tuổi trẻ được sở hữu smartphone?
Nhắc đến từ “sở hữu” người ta nghĩ ngay đến quyền được chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Tương tự như vậy, việc được sở hữu điện thoại là trẻ có toàn quyền quyết định việc sử dụng chúng ra sao, như thế nào...
Thế nhưng, nếu trẻ không biết cách sử dụng điện thoại mà lạm dụng chúng thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Smartphone sẽ biến chúng thành những đứa trẻ “tầm gửi” – phụ thuộc, lười vận động, lười suy nghĩ, ngại giao tiếp,...
Đặc biệt, gần đây, Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Nếu so với thông tư 12/2011/TT-BGDĐT bị thay thế, thì thông tư mới này đã bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2020. Thông tin này ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên, phụ huynh học sinh.
Nhiều phụ huynh cho rằng việc sử dụng điện thoại trong giờ học là không nên vì giáo viên khó kiểm soát. Liệu các em có sử dụng điện thoại để học tập, tra cứu tài liệu hay chơi game, xem phim, lướt web...
Điện thoại thông minh sẽ khiến nhiều em trở nên lơ đễnh, không chú ý vào bài giảng vì trong thâm tâm các em nghĩ rằng điều đó là không cần thiết. Muốn biết điều gì, muốn hiểu cái gì các em sẽ lên tra google. Thậm chí, trong giờ kiểm tra, học sinh quay cóp bằng cách sử dụng điện thoại để tra cứu đáp án. Việc làm bài tập về nhà lại càng đơn giản với chúng. Chỉ cần có một chiếc điện thoại là chúng có thể hoàn thành bài tập một cách nhanh chóng mà không cần phải động não suy nghĩ, không cần phải hiểu bài.
Việc được sở hữu một chiếc smartphone sẽ khiến trẻ vô cùng hứng thú. Với thế giới sinh động của các trò chơi, mạng xã hội... chúng có thể chơi, có thể lướt cả ngày mà không biết chán. Điều này dẫn tới hiện tượng nghiện thế giới ảo. Trẻ sẽ không có nhu cầu phải giao lưu, tiếp xúc, trò chuyện với bất kỳ ai ở thế giới thực nữa. Đây là một vấn nạn vô cùng nguy hiểm mà bố mẹ nên lưu tâm.
Đặc biệt, con có điện thoại riêng, bố mẹ sẽ khó lòng mà kiểm soát được chúng chơi những gì, xem những trang thông tin, những video nào? Với độ tuổi còn nhỏ, chưa biết lựa chọn thông tin, chưa hiểu hết được sự nguy hiểm tiềm tàng trên thế giới ảo thì việc sở hữu một chiếc smartphone chắc chắn là điều đáng cân nhắc.
Độ tuổi sở hữu smartphone thích hợp?
Theo một nghiên cứu năm 2016 của Hãng nghiên cứu Influence Central, độ tuổi trung bình trẻ được mua smartphone đầu tiên là 10,3 tuổi, thấp hơn mức trung bình 12 tuổi theo nghiên cứu năm 2012 cũng của công ty này.
Trên thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định độ tuổi nhất định nào trẻ nên được có một chiếc điện thoại riêng của mình. Các chuyên gia tâm lý học và phát triển trẻ em trên thế giới cũng đồng thuận với nhau rằng không có một độ tuổi chung để xác định trẻ sẵn sàng sở hữu một smartphone.
Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, tỉ phú Bill Gates trong một cuộc phỏng vấn với báo Mirror (Anh) đã tiết lộ rằng trẻ em không nên sở hữu một chiếc smartphone cho đến khi chúng ít nhất 14 tuổi. Ba người con của tỉ phú lần lượt 20, 17 và 15 tuổi đều phải chờ tới năm 14 tuổi mới bắt đầu được sử dụng smartphone.
Tiến sĩ Kathleen Clarke-Pearson, cựu thành viên của Học viện Hội đồng Nhi khoa trên Truyền thông và Đa phương tiện Mỹ, tin rằng thời điểm trẻ em bước vào trường trung học là thời điểm cuộc sống của chúng trở nên độc lập hơn. Do vậy trang bị smartphone cho trẻ ở độ tuổi này sẽ giúp các bậc phụ huynh gần gũi hơn với trẻ.
Tiến sĩ Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học Truyền thông, Mỹ lưu ý các bậc phụ huynh rằng cho trẻ tiếp cận với công nghệ di động sớm sẽ giúp chúng có nền tảng vững chắc mà chúng cần để hoạt động trong thế giới ngày càng "số hóa". Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng các bậc phụ huynh nên cho trẻ sở hữu smartphone khi trẻ đã trưởng thành một cách hài hòa giữa thể chất và tinh thần.
Bà khuyên mọi người nên chậm lại một chút trong việc để con mình tiếp cận với smartphone và mạng xã hội. Bởi theo bà, với những đứa trẻ chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng đương đầu với cuộc sống, smartphone và mạng xã hội đang làm trầm trọng thêm những khó khăn và cả khủng hoảng mà phần đông người trẻ phải đối mặt trong quá trình trưởng thành.
Xem xét trên nhu cầu thực tế
Tiến sĩ Pamela Rutledge, cũng khuyến cáo rằng các bậc cha mẹ nên xem xét yêu cầu mua smartphone của trẻ dưới quan điểm thực tế: "Nếu đứa trẻ hoạt động thể thao tích cực, tham gia nhiều hoạt động xã hội mà hay phải liên lạc ngay lập tức thì nên trang bị cho trẻ một chiếc smartphone", Rutledge nói.
Không nên trang bị smartphone cho trẻ chỉ vì để bằng bạn bằng bè. Nhiều đứa trẻ khi thấy bạn bè xung quanh có điện thoại di động cũng muốn có một chiếc chỉ để ra oai với bạn. Như vậy, mục đích của việc mua điện thoại ở đây là không cần thiết. Nếu cha mẹ đáp ứng yêu cầu vô lý này, sẽ là nuông chiều và hình thành thói quen xấu cho trẻ.
Ngoài ra, với những phụ huynh bận rộn, không có nhiều thời gian ở bên con cái thì nên trang bị cho con một chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi, nhắn tin hay còn gọi là “dế cục gạch”.
Cha mẹ cần lưu ý rằng trẻ nên có một chiếc smartphone riêng, tức là trẻ được toàn quyền quyết định việc sử dụng nó như thế nào khi mà chúng đã hiểu hết về những mặt lợi, mặt hại của Internet; về cách thức truy cập, chia sẻ tin tức trên mạng; về khả năng bị lừa đảo, bị bắt nạt... trên mạng xã hội.
Smartphone là công cụ học tập hữu ích và nó còn giúp cha mẹ giữ liên lạc với con cái. Thế nhưng việc cho trẻ sở hữu một chiếc smartphone là điều mà cha mẹ nên cân nhắc một cách nghiêm túc và đưa ra bàn bạc với nhau để đưa ra quyết định phù hợp. Không nên cho trẻ mua một chiếc di động quá sớm khi chưa cần thiết, nhưng cũng không nên nhìn vào mặt hại để áp đặt trẻ không được dùng khi trẻ đã đủ trưởng thành và có nhu cầu cần thiết,
Các chuyên gia không phản đối việc cho trẻ sở hữu smartphone và khuyến cáo nên cho trẻ sử dụng smartphone khi bắt đầu vào trường trung học với điều kiện trẻ thể hiện đã trưởng thành về mặt tâm lý.