Duyên Dáng Việt Nam

Ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu cao gấp 3 lần lúa gạo

Ngọc Hùng • 27-01-2021 • Lượt xem: 1102
Ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu cao gấp 3 lần lúa gạo

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới với giá trị thu về mỗi năm từ 8-10 tỷ USD.

Giá trị vượt qua nhiều lần mặt hàng gạo

Với mục tiêu nói trên, đây là một con số rất lớn, tính ra, cao gấp 3 lần so với mặt hàng lúa gạo xuất khẩu. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng thực tế giá trị thu về mỗi năm từ bán gạo chỉ ở mức trên dưới 3 tỷ USD. Trong khi, mặt hàng gạo ít nhiều gặp khó khăn về việc mở rộng thị trường, thì mặt hàng rau quả xuất xuất luôn gặp thuận lợi. Bằng chứng, năm 2018, Việt Nam ghi tên mình vào bản đồ những cường quốc xuất khẩu với giá trị thu về lên đến 3,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 7 thế giới.

Trong 2 năm gần đây, trước những rào cản kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu rau quả có xu hướng giảm nhẹ, năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD và năm 2020 đạt gần 3,35 tỷ USD. Dù giá trị xuất khẩu có giảm nhưng so ra vẫn cao hơn mặt hàng gạo xuất khẩu mấy trăm triệu USD. Và ở một khía cạnh nào đó, đây là một con số ấn tượng vì tính ra, giá trị xuất khẩu rau quả chỉ xếp sau mặt hàng tôm xuất khẩu mà thôi.

Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trong Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả thu về 8-10 tỷ USD, tức là cao gấp khoảng 3 lần so với mặt hàng gạo xuất khẩu hiện nay ít nhiều có cơ sở để tin tưởng. 

Có tiềm năng tăng trưởng mạnh

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong những năm tới, nhu cầu tiêu thụ rau quả của thế giới tiếp tục tăng từ 3 - 3,5%, trong khi sản lượng rau quả sản xuất ra chỉ tăng khoảng 2,8%. Nghĩa là, trong khi nhu cầu tăng nhưng cung lại có dấu hiệu thiếu hụt. Và chính nhờ sự thiếu hụt nguồn cung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tăng nguồn cung để xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hiện rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý là trong những thị trường này, rau quả Việt Nam đã có mặt ở những thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia... 

Đến nay, Việt Nam đã mở cửa được 16 thị trường cho 10 loại rau quả như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, dưa hấu, mít, chuối, cà phê, trong đó, đã có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều dư địa cho rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Song theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT, giá trị giao dịch rau quả toàn thế giới hàng năm là 317 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới chỉ chiếm trên 1%. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, Việt Nam chưa tận dụng hết lợi thế của ngành là do đang yếu trong khâu chế biến, tiếp theo là những chiến lược để mở rộng thị trường.

Vì thế, để giá trị xuất khẩu rau quả tăng trưởng nhanh trong những năm tới và đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2030 thì không còn cách nào khác là Việt Nam phải tăng tường chế biến sâu đi để mở rộng thị trường. Điều này cũng hoàn toàn đúng đắn khi Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các quốc gia khác nhau, do đó, nhiều dòng thuế, trong đó, có nông sản sẽ dần về 0% trong những năm tới. Nghĩa là ngành rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội để tận dụng tối đa những ưu đãi này để mang về ngoại tệ cho doanh nghiệp.