Duyên Dáng Việt Nam

Nghe “Cô gái đến từ hôm qua” trong một ngày mưa

Thoại Vy • 07-05-2018 • Lượt xem: 1198
Nghe “Cô gái đến từ hôm qua” trong một ngày mưa

Những cơn mưa đầu hè ùa về kéo theo là những ký ức trong trẻo, khơi lại những kỷ niệm đã cất giữ bấy lâu trong sâu thẳm tâm hồn. Hình ảnh và giai điệu của bài hát “Cô gái đến từ hôm qua” sẽ như một cầu nối giúp chúng ta tìm về kỷ niệm ngọt ngào xưa cũ. Dưới đây là những kỷ niệm đã được thành viên Thoại Vy chia sẻ với Duyên Dáng Việt Nam.

Sáng cuối tuần dịu mát như sớm mai này, tình cờ nghe “Cô gái đến từ hôm qua”, dường như thoáng gặp lại những cơn mưa hoa rơi của ca từ và giai điệu đẹp trong sáng, tưởng như đã xa cách hàng thế kỉ.

Chuỗi ca từ mở đầu như sự tiếp nối tự nhiên những sự việc đã diễn ra, từ quá khứ kéo về hiện tại. Liên kết từ “Và” đóng vai trò như một trạng từ không hề mở ra những bất chợt bởi được minh định bởi lời “hứa sẽ quay trở lại”. Có bất ngờ chăng là hợp âm rê trưởng (D) xuất hiện liên tiếp ở đây “Và rồi ta [D] hứa sẽ quay trở (Bm) lại /Vào một ngày (D) mai như hai người (G)bạn” khiến ca từ bỗng nhiên được chắp cánh bay lên trong bầu trời tình bạn thơ bé.

Ảnh minh họa

Ta có thể cất giữ kỉ niệm, rồi lãng quên để năm tháng chất chồng phủ bụi lên ngăn kéo kí ức. Nhưng rồi một sáng chớm dịu dàng nào đó, ngăn kéo tuổi hoa niên được mở ra, vẹn nguyên tình cảm ban sơ trong trẻo “Một ngày đã quên tất cả/ lại nhớ về nhau (…)/ Và ngày hôm nay anh như đứa trẻ/ của ngày hôm qua xa xôi tìm về”.

Đến chữ “và” này thì người nghe không còn bất ngờ nữa. Bởi những tha thiết được tìm về ngày hôm qua, dẫu chỉ là trong khoảnh khắc kí ức, bỗng trở thành mầu nhiệm thiết tha. Nếu đời người chỉ là một sat na so với vũ trụ, chỉ là một tia chớp so với thiên hà, chỉ là một mảnh vỡ sao băng so với hằng hà thiên thể … thì cái vô thường của lời thề ấu thơ ấy ít ra là chưa hề bất định, trong gói thời gian ngắn ngủi của mỗi người.

Đôi khi, sự bất thường trở thành điều bình dị. Như hợp âm pha thăng thứ (F#m) và si thứ (Bm) rải ở những câu tiếp theo: “Lời (F#m) thề tựa như ánh lửa / Sưởi ấm lòng (Bm) anh/ Như chính (Em) em cô (F#m) gái đến từ hôm (Bm) qua”. Ngay cả ba vua cũng cần ngôi sao dẫn đường đến lều cỏ của Chúa hài đồng, vậy thì “anh” cũng cần vịn vào lời thề trở lại, như ánh lửa sưởi ấm, để đi qua những mùa đông giá lạnh của đời mình.

Nếu nghịch lý trở thành hữu tình, thì quá khứ và hiện tại không còn ranh giới “Như chính em, cô gái đến từ hôm qua”. Trong bài hát, tác giả Trần Lê Quỳnh để những cặp phạm trù đối sánh nhau, như thể đó là sự minh định cho mâu thuẫn khó tránh khỏi của đời sống.

“Tình yêu giờ trôi (D) xa dư âm để lại” và “ Mãi mãi là như (G) thế anh không trẻ lại”. Còn và mất, xa và gần, xưa và nay, có và không, quá khứ và hiện tại cùng ùa về trong hơi thở nhẹ tiếc nuối “anh không trẻ lại”. Làm sao có phép lạ để quay ngược thời gian ?. Biết rằng sự cưỡng cầu đó cũng trái khoáy như hai hợp âm trưởng: rê (D) và sol (G) ở ca từ trên, mà vẫn muốn níu giữ bình minh thơ trẻ, mà vẫn ưa níu lấy những trong veo thơ dại !

Xếp qua bên những cung bậc hẫng hụt mất mát, “anh” mong được sống cho mình, dù chỉ là cái chớp mắt mong manh của hạnh phúc, để có đủ nghị lực vượt qua những tháng năm còn lại:

“Nhiều năm xa hạnh (Em) phúc anh muốn bên (A) em. Cuộc đời nay dù (F#) ngắn nỗi nhớ quá (Bm) dài. Và cũng đã đủ (Em) lớn để mong bé (A) lại …”

Dư âm khép lại trong khắc khoải dịu êm “… như ngày hôm (D) qua”. Người nghe không ngạc nhiên ở sự đồng nhất hôm qua và hôm nay. Đến từ quá khứ mà ở lại đến vị lai hay đến từ hiện tại mà lùi về dĩ vãng, có thể là lựa chọn mang màu sắc cảm tính cá nhân. Tuy thế, sự trùng lặp giữa hợp âm rê trưởng (D) mở đầu và kết thúc bài hát là một chủ ý mang tính phổ quát của phận người. Bởi ra đi cũng chính là trở về. Trưởng thành là để nhìn thấu những giá trị nguyên khởi. Những gì đến từ hôm qua sẽ ở lại với hôm qua. Để hôm nay được viên thành.

* Vĩ thanh: Bạn có thể nghe Mỹ Tâm hay Thu Phương thủ thỉ “Cô gái đến từ hôm qua”. Giọng Mỹ Tâm tròn vành rõ chữ, làn hơi ấm và đầy đặn. Thu Phương lại tình tự chậm rãi mà tha thiết, ấm lòng.