Duyên Dáng Việt Nam

Nghệ nhân Việt Nam tìm thị trường đại chúng cho Lụa Vạn Phúc

Quyên Hà • 11-08-2020 • Lượt xem: 1216
Nghệ nhân Việt Nam tìm thị trường đại chúng cho Lụa Vạn Phúc

Tác giả Hùng Nguyễn và Marcos Marros, trong một bài bình luận về lụa Việt Nam trên báo Channel News Asia đã so sánh và tìm hiểu lý do tại sao một nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm độc đáo như lụa Vạn Phúc, Hà Đông chưa có được một vị thế xứng đáng như những thương hiệu đồ thủ công lớn trên thế giới.

Nếu như nhìn vào những thương hiệu xa xỉ, có thể thấy chúng đều là sản phẩm của sự sáng tạo và điêu luyện của đôi bàn tay nghệ nhân. Chẳng hạn như Hermes, những thợ thủ công lànhnghề nhất dành hàng năm trời làm việc bằng tay để tạo ra những sản phẩm xa xỉ từ da và lụa. Cách tiếp cận này cho phép các thương hiệu xa xỉ tách biệt mình với những sản phẩm đại trà trên thị trường, mang lại sức hấp dẫn và cạnh tranh trong một thị trường tràn ngập sản phẩm giá rẻ nhưng thiếu bản sắc riêng.

Không nên nghĩ rằng hướng đi của Hermes là lãnh địa bất khả xâm phạm của một số ít doanh nghiệp lớn, nó hoàn toàn có thể được áp dụng bởi những doanh nghiệp nhỏ chưa được biết đến rộng rãi đang ở vùng ngoại biên. Một ví dụ gần gũi chính là làng lụa Vạn Phúc, huyện Hà Đông, Hà Nội, nơi nghề dệt lụa có lịch sử lâu đời từ thế kỷ 13.

Tạo dựng bản sắc địa phương mạnh mẽ hay sản phẩm thể hiện sự gắn bó của người địa phương với nơi mình sinh ra, chính là yếu tố tách biệt sản phẩm thủ công truyền thống khỏi số đông.

Truyền thống xưa trong cuộc cạnh tranh ngày nay

Làng Vạn Phúc ngày nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Nằm ở vị trí khoảng 10km từ trung tâm Hà Nội, Vạn Phúc được coi là làng lụa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam.

Nhưng du khách ghé thăm làng lụa Vạn Phúc có thể dễ dàng nhận thấy các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc được bày bán song song với sản phẩm lụa truyền thống ngay tại các cửa hàng lưu niệm tại đây . Tuy nhiên, có thể dễ dàng phân biệt 2 loại hàng này dựa trên sự đa dạng và giá cả, do được dệt thủ công, mức giá của lụa Vạn Phúc cao gấp nhiều lần.

Được phỏng vấn trong một bộ phim tài liệu, một người bán hàng tại đây cho biết, so với lụa Vạn Phúc, các sản phẩm lụa Trung Quốc bán được nhiều hơn gấp nhiều lần, vì giá vừa rẻ mà mẫu mã lại đa dạng. Trong khi đó, một nghệ nhân cho biết, do dệt thủ công, những họa tiết trên lụa Vạn Phúc khá đơn giản, không đa dạng như các sản phẩm Trung Quốc. Đó là điều không thể phủ nhận.

Khách du lịch vẫn là nguồn khách hàng chính của các sản phẩm lụa chính gốc

Theo một nghệ nhân khác và cũng là một chủ cửa hàng lụa, giá lụa tự nhiên khoảng 1.7 triệu/kg trong khi sợi polyester chỉ khoảng 60 ngàn/kg.

Lụa Vạn Phúc không chỉ được làm từ lụa tự nhiên mà còn sở hữu những hoa văn truyền thống độc đáo từ quá trình dệt thủ công công phu. Trong khi đó, các sản phẩm tương tự xuất xứ nước ngoài lại có những hoa văn đa dạng in trên nền vải polyester hoặc lụa polyester. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm lụa Vạn Phúc là một kiệt tác của những kỹ năng dệt thủ công khéo léo, lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ, đảm bảo chất lượng cao cấp.

Vị thế đánh mất

Dù mang trong mình giá trị và vẻ đẹp của một nghề thủ công truyền thống lâu đời, sản phẩm lụa Vạn Phúc rõ ràng không dành cho tất cả mọi người. Không phải bất cứ ai trân trọng giá trị và vẻ đẹp của sản phẩm này đều có thể sở hữu nó. Đó cũng là một trong những lý do lụa Vạn Phúc đang dần đánh mất chỗ đứng của mình trên thị trường.

Tại Vạn Phúc, vải lụa và các sản phẩm từ lụa được bày bán ngay tại xưởng thủ công của các nghệ nhân hoặc các cửa hàng bán lẻ mà mà một vài trong số đó là sở hữu của nghệ nhân. Tuy vậy, do ảnh hưởng của hiện đại hóa thị trường hóa, các nghệ nhân làng nghề ngày càng có ít cơ hội tiếp tục dệt lụa theo cách truyền thống. Các xưởng dệt truyền thống có nguy cơ phải đóng cửa ngày một nhiều khi sản phẩm truyền thống bị thay thế bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, bày bán tràn lan tại các cửa hàng bán lẻ.

Vải lụa tự nhiên có giá cao gấp nhiều lần lụa nhân tạo từ Polyester

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, lụa Vạn Phúc vẫn có một lượng ít ỏi khách hàng ổn định. Đó là những khách du lịch yêu thích sản phẩm truyền thống Việt Nam hoặc người Việt Nam ưu ái hàng Việt chất lượng cao.

Bản sắc địa phương

Câu chuyện nghề thủ công bị đe dọa bởi thị trường hàng hóa đại trà đã không còn là câu chuyện mới, khi nhiều nghề thủ công đã và đang dần biết mất tại rất nhiều nước trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là làm sao để tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

Trong trường hợp của thương hiệu Hermes, Hermes không chỉ là một cái tên, danh tính của nó liên kết chặt chẽ với một địa danh. Không chỉ là Hermes, đó là “Hermes, Paris”. Cái tên đó gợi cho người ta những ký ức về nơi chốn, cảm giác, thái độ, giá trị, sự ưu ái, ý nghĩa và nhận thức về những hành vi và trải nghiệm tại đó.

Những dải lụa truyền thống trưng bày trong một lễ hội tại Làng Nghề

Thực ra, cảm giác sở hữu nét thanh lịch Paris hay sự thanh lịch của người Pháp nói chung chính là yếu tố quan trọng thu hút khách hàng đến với Hermes.

Gần đây, nhiều nghệ nhân lụa Vạn Phúc đã bắt đầu nhận biết được tầm quan trọng của bản sắc địa phương. Các sản phẩm của họ giờ đây đã bắt đầu được gắn mác “Lụa Vạn Phúc” hay “Lụa Hà Đông”. Việc khẳng định bản sắc địa phương giúp nghệ nhân tách biệt sản phẩm của mình với các sản phẩm đại trà, khẳng định chất lượng cao cấp của sản phẩm lụa truyền thống Vạn Phúc và tạo dựng sự tin tưởng nơi khách hàng.

Những bước đi tiên phong này đã góp phần soi sáng con đường phát triển cho các sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam. Nếu cái tên Lụa Vạn Phúc có thể gây dựng nên danh tiếng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, thì chắc chắn sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam sẽ tìm lại được vị thế xứng đáng của mình.