Duyên Dáng Việt Nam

Nghị lực của “cô gái vàng” điền kinh

Thành • 20-10-2018 • Lượt xem: 640
Nghị lực của “cô gái vàng” điền kinh

Câu chuyện về nghị lực và ý chí đến từ “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam - Bùi Thu Thảo, luôn khiến nhiều người xúc động. 

Giành tấm HCV cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 18, Bùi Thu Thảo đã trở thành ngôi sao số 1 của thể thao Việt Nam. Đây không chỉ là tấm HCV quý giá đối với riêng Thảo mà còn đối với đội tuyển điền kinh cũng như thể thao Việt Nam. Bởi đây là tấm HCV lịch sử của điền kinh Việt Nam sau 36 năm tham dự ASIAD.

Với Thảo, phía sau vinh quang choáng ngợp, có những điều chẳng hề thay đổi. Điều đó cũng giống như tổ nhảy của Thảo đã lập kỳ tích trên đỉnh châu lục, trong điều kiện quanh năm suốt tháng rèn chân bên hố nhảy tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Tại ASIAD 18 trên đất Indonesia, ngay cả khi đã giành tấm HCV lịch sử, Thảo vẫn giữ được sự bình tĩnh đến khó tin. Khuôn mặt của Thảo vẫn không có vẻ của một người vừa bước lên đỉnh cao vinh quang. Thậm chí, Thảo còn bày tỏ sự nuối tiếc vì đã không phá được kỷ lục của bản thân. Điều này thể hiện đúng với sự chân chất, hồn nhiên, thẳng thắn vốn có.

Ở ASIAD 17, giải đấu mà Thảo chỉ được bố sung vào phút chót, nữ tuyển thủ có chiều cao 1m65 này đã gây chấn động châu lục khi đoạt ngay một tấm HCB. Trở về sau ASIAD 17, Thảo kiên trì và miệt mài tập luyện và được đền đáp xứng đáng khi đánh bại Londa(vận động viên đã giành HCV môn điền kinh tại ASIAD 17) tại tất cả các giải đấu trong năm 2017.

Sinh ra và lớn lên tại xã Đồng Thái, huyện Ba Vì – một vùng quê thuần nông, Thảo đã sớm làm quen với những công việc vất vả. Nhà Thảo thuộc diện nghèo khó nhất xóm vì vậy ngay từ khi còn bé, Thảo đã sớm có ý thức thoát nghèo. Thảo luôn ước mơ đạt thành tích cao để có tiền thưởng giúp bố mẹ. Từ nhỏ, Thảo đã sớm bộc lộ năng khiếu thể thao. Năm 13 tuổi, Thảo đã giành giải Nhất 3 môn đá cầu, điền kinh, bơi lội của huyện.

Thương bố mẹ, Thảo quyết định ra ngoài làm phụ hồ tại một công trường xây dựng. Những tưởng sự nghiệp thể thao đã khép hẳn lại với cô gái nhỏ Bùi Thu Thảo, nhưng may mắn đã mỉm cười với Thảo khi Thảo được HLV Nguyễn Trọng Hổ, khi đó là HLV trưởng đội tuyển điền kinh Hà Tây, đánh giá đúng sở trường. Chính thầy Hổ đã chuyển Thảo sang tập nhảy xa, đó chính là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất để có Thảo như hiện tại. Dù không có chiều cao lý tưởng và đôi chân đạt chuẩn – vốn lợi thế của dân nhảy xa, tuy nhiên, ở Thảo có sức bật đáng nể, khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là trong những điều kiện gian khó.Thấy Thảo có tố chất thể thao, gia đình đã quyết định đưa em đi thi thể thao cấp tỉnh. Con đường đến với thể thao của Thảo là như thế. Tuy nhiên, do không quen với cường độ tập luyện và nhớ nhà nên Thảo đã bỏ về sau chỉ vài ngày tập. Sau đó, được cha mẹ động viên, Thảo quyết tâm quay lại với điền kinh. Lương cho những vận động viên thời đó thấp. Thảo được xếp luyện tập vào tổ cự ly chạy dài vốn là ‘‘sở đoản’’.

Chỉ vài ngày sau khi trở về từ ASIAD 18, Thảo đã lại quay trở lại với hố nhảy xa quen thuộc tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Ở đó, lại là những công việc chuẩn bị, những buổi tập lặng lẽ và miệt mài giống như cả nghìn ngày trước vinh quang. Không phải tấm HCV, chính niềm đam mê và sự gắn bó với hố nhảy mới là điều quan trọng nhất với Thảo.

Về cuộc sống riêng, Thảo đã kết hôn được hơn 3 năm nay. Để có được thành quả như hôm nay, Thảo đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bố mẹ chồng và đặc biệt là người chồng luôn thương yêuvà hỗ trợ hết mức cho công việc và sự nghiệp thi đấu của Thảo. Cũng sau khi trở về, Thảo đã có cuộc trao đổi với chồng cùng gia đình, để nhận được sự ủng hộ tuyệt đối về việc tiếp tục theo nghiệp nhảy xa thêm nhiều nămnữa và tạm gác lại việc sinh con. Cũng nhờ kỳ tích ở ASIAD lần này, lần đầu, Thảo nhận được một số tiền thưởng đáng kể. Việc đầu tiên Thảo nghĩ đến là chăm lo cho cho bố mẹ, còn lại mới tích lũy cho tổ ấm riêng của mình.

Tag: