Duyên Dáng Việt Nam

Ngoài cứu nạn, còn phải lo cứu đói cho đồng bào gặp nạn ở Phước Sơn

DDVN • 30-10-2020 • Lượt xem: 372
Ngoài cứu nạn, còn phải lo cứu đói cho đồng bào gặp nạn ở Phước Sơn

Xã Phước Lộc chỉ còn 4 tấn gạo dự trữ do lương thực của người dân đã bị lũ cuốn trôi. Xã Phước Thành chỉ còn 700 kg gạo do chính quyền xã đang quản lý.

Khu dân cư thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn nằm dưới chân một ngọn núi. Chiều 28.10, một vụ sạt lở xảy ra khiến 11 người cùng gia đình bị vùi lấp, nhiều nhà đổ sập. Do khu vực này không có sóng điện thoại nên đến sáng hôm sau, người dân trong xã mới chạy ra đến huyện để báo tin.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo tiền phương tìm kiếm cứu nạn, cho biết theo báo cáo hiện trường, Thôn 3 (Thôn 6 cũ, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) nằm ở sườn núi, 2 bên có 2 con suối, khi suối tràn thành lũ quét thì đi thẳng vào làng, nước suối dâng cao tới 3, 4 mét. Công tác cứu hộ tại chỗ gặp nhiều cản trở.

Việc tiếp cận hiện trường của lực lượng cứu hộ từ bên ngoài đến xã Phước Lộc cũng gặp khó khăn, nguy hiểm do trên hành trình di chuyển có nhiều điểm sạt lở, nước suối chảy xiết.

Trong ngày 29.10, lực lượng chức năng đã rất cố gắng nhưng vẫn cách hiện trường khoảng 45km.

Xã Phước Lộc chỉ còn 4 tấn gạo dự trữ do lương thực của người dân đã bị lũ cuốn trôi.

Cách đó 8 cây số là khu dân cư xã Phước Thành cũng xảy ra lũ quét và sạt lở núi. Theo chính quyền địa phương, lũ quét và lở núi tại đây san bằng khu đất, cuốn trôi toàn bộ 13 căn nhà cùng tài sản, rất may các hộ dân đều đã được di dời trước bão nên không thiệt hại về người. Hiện xã Phước Thành chỉ còn 700 kg gạo do chính quyền xã đang quản lý.

Chính quyền huyện đang có phương án tập kết lương thực về xã Phước Kim để cứu đói cho 2 xã trên khi điều kiện thời tiết cho phép.

Theo ông Hà, tất cả các tuyến đường vùng cao ở huyện Phước Sơn đều bị sạt lở ở nhiều điểm, nếu tình trạng này kéo dài thì người dân ở các khu vực bị cô lập sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Ông Hà cho rằng do khó tiếp cận hiện trường bằng đường bộ nên ông đề nghị quân đội điều máy bay tham gia công tác cứu nạn.

Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn cho biết, 217 công nhân bị mắc kẹt tại Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 do cầu bắc qua sông Đăk Mi bị gãy, đã được cung cấp lương thực- thực phẩm bằng cáp treo.

Lực lượng chức năng đang tính đến phương án đưa công nhân thoát ra ngoài cũng bằng cáp treo.

Theo MTG

"Mưa, lũ, bão liên tục trong những ngày qua đi qua các tỉnh thành của miền Trung khiến con số thương vong, thiệt hại người và của là không thể bù đắp nổi. Khắp các tỉnh, đặc biệt sau cơn bão số 9, nhiều ngôi nhà đã tốc mái, nhiều nơi bị sạt lở, đường xá đi lại chưa lưu thông... và vô vàn những khó khăn khác. Sự hồi phục và trở lại cuộc sống ban đầu đòi hỏi hỗ trợ cần thiết và chung tay hết lòng của các mạnh thường quân, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân trong cả nước.”

Đồng hành cùng với các cơ quan đoàn thể, chúng tôi (Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên - báo Một Thế Giới và MXH Duyên Dáng Việt Nam) luôn dõi theo từng phút, từng giờ khi thiên tai đi qua miền Trung với sự đồng cảm sâu sắc. Không chỉ thế, chúng tôi đứng ra tổ chức quyên góp với mong muốn chung tay chung lòng vì miền Trung ruột thịt - giúp miền Trung một phần nhỏ bé của mình qua cơn hoạn nạn.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ xin quý bạn đọc gởi về:

Tên tài khoản: Tạp chí Một Thế Giới

Số tài khoản: 0921000715674 Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Phú Nhuận, TP.HCM