Duyên Dáng Việt Nam

“Người đẹp”

Thoại Vy • 17-05-2018 • Lượt xem: 1488
“Người đẹp”

Từ xưa, đề tài về “Người đẹp” – “Mỹ nhân” luôn là những câu chuyện bất tận, chân thật có, thêu dệt có... tuy nhiên, vẫn tồn tại sức hấp dẫn vô biên. Duyên Dáng Việt Nam mời bạn cùng đọc bài viết của thành viên Thoại Vy, để một lần nữa hiểu hơn về sức hút đặc biệt của các mỹ nhân xa xưa khiến người đời sau khó lòng lý giải được.

 “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” 
(Tạm dịch: Người đẹp từ xưa như tướng tài/ Không cho ai thấy mình bạc đầu).

Từ xưa sắc đẹp đã mặc nhiên được đặt ngang hàng với tài hoa xuất chúng. Điều này có lý do hẳn hoi. Thậm chí viên tướng bách chiến bách thắng như Thành Cát Tư Hãn cũng đắm chìm vì nhan sắc người đẹp. Ngoài tuấn mã và rượu ngon, Thành Cát Tư Hãn – Khả hãn Mông Cổ vẫn dành rất nhiều tình cảm và sự tôn trọng cho nàng Bật Tê - chính hậu của mình. Thậm chí nụ cười của người đẹp còn có sức mạnh hơn vạn hùng binh, tài thao lược của một dũng tướng hay đường gươm sắc bén của một tráng sĩ. 

Ảnh minh họa từ Internet

1. Sắc đẹp khuynh thành

Bắc phương hữu giai nhân

Tuyệt thế nhi độc lập

Nhất cố khuynh nhân thành

Tái cố khuynh nhân quốc

(Tạm dịch: Phương Bắc có người đẹp/ Đẹp tuyệt thế mà còn đơn chiếc? Quay nhìn một lần làm nghiêng thành/ Quay nhìn lần nữa nghiêng nước).

Mấy câu trên trở thành mẫu mực điển cố khi nói đến người đẹp “khuynh thành, khuynh quốc” Lý phu nhân – một sủng phi của Hán Vũ Đế. Tiếc là Lý Nghiên qua đời khi tóc hãy còn xanh (theo Sử kí và Hán thư). Còn trường ca “Iliad” của Homer lại cho rằng thành Troy bị hủy diệt khởi nguyên từ dung mạo tuyệt mỹ của nàng Helen. Một người đẹp khác của phương Tây là hoàng hậu Anna nước Pháp.

Trong tiểu thuyết “Ba người lính ngự lâm” nức tiếng của Alexandre Dumas, quận công Buckingham của nước Anh si mê nhan sắc nàng đến nỗi gầy cả một cuộc chiến chỉ để được hẹn hò với người đẹp. Thua trận ở Xích Bích, gian hùng Tào Tháo chắc không xót hàng chục/ hàng trăm vạn lính lác bỏ mạng bằng đau vì giấc mộng “Đồng Tước tỏa nhị Kiều” tan vỡ. Đài Đồng Tước không thể khóa xuân Đại Kiều và Tiểu Kiều (Đông Ngô) nhưng vĩnh viễn cài then giấc mộng mưu bá đồ vương của Tào A Man. Dấu vết ô nhục của Trụ Vương có tên là Đắc Kỷ (Đát Kỷ). Và, ai bảo Trần Hậu Chủ khiến quốc phá gia vong không phải vì tửu sắc ?

Đương thời, Vua Ðường Huyền Tông ngự thưởng hoa mẫu đơn trong nội điện, hỏi thị thần: thơ vịnh hoa mẫu đơn của ai hay nhất?. Thị thần tâu:

- Lý Chính Phong có câu thơ rằng

Quốc sắc triều hàm tửu

Thiên hương dạ nhiễm y

(Tạm dịch: Người quốc sắc ban mai hay say rượu (ý nói hoa đỏ)
Mùi thiên hương đêm nhuốm áo khăn (nói về hương thơm)
Có phải vì yêu vẻ đẹp mơn mởn và ngát hương của hoa mẫu đơn mà Đường Minh Hoàng suýt mất nước vì dung nhan “hoa nhường” của Dương Ngọc Hoàn !?. Lữ Bố và Đổng Trác vì ai mà đổi tình nghĩa phụ - nghĩa tử sang mối thâm thù. Để rồi tham vọng săn hươu (“Trục lộc Trung Nguyên” – chỉ hoạt động tranh đoạt thiên hạ/ mưu bá đồ vương) tan thành mây khói? Thành Cát Tư Hãn ra sức hạ thành trì từ Á sang Âu vì lẽ gì, nếu không ngoài mưu cầu chiến lợi phẩm là người đẹp, bên cạnh tham vọng bành trướng của mình?

Ảnh minh họa từ Internet

2. Cống phẩm mỹ nhân
Trong số những cống phẩm của nước thua trận dâng lên kẻ chiến thắng thường có “món” tuyệt hảo là mỹ nhân ! Hoặc dùng cống vật - người đẹp để thắt chặt quan hệ lân bang, kết tình hòa hiếu. Bên cạnh “Khổ nhục kế” thì “mỹ nhân kế” thường đắc dụng không kém. Ví như mũi Cleopatra có ngắn hơn thì sắc đẹp và sự thông thái của nữ hoàng này cũng không vì thế mà kém mê hoặc.

Tuy nhiên, lịch sử Ai Cập có thể đã không sang trang. Bà quả là một tặng phẩm tuyệt vời của Ai Cập dành cho Đế Chế La Mã dưới thời Julius Caesar. Trong số những cống phẩm quý hiếm Câu Tiễn chọn dâng lên Ngô Phù Sai, thì người đẹp” trầm ngư“ Tây Thi thừa sức làm khuynh đảo đài Cô Tô và Ngô quốc hơn bất cứ đội hùng binh nào của nước Việt.

Giả dụ Vương Chiêu Quân cũng như những mỹ nữ khác trong cung vua Hán, đút lót nịnh bợ Mao Diên Thọ, thì liệu dung nhan “lạc nhạn” của nàng có trở thành cống phẩm tiến cung cho Hung Nô ?! Và ngón đàn tỳ bà tuyệt kĩ của Chiêu Quân có khiến ải Nhạn Môn tê tái đến thế?

Đời Trần, công chúa An Tư sang trại giặc không phải với tư cách theo chồng mà là cống vật. Kể từ tháng tư năm 1285, khi An Tư chung sống bên cạnh Thoát Hoan, thì những bí mật quân sự của giặc đã được tiết lộ qua An Tư. Tướng nhà Nguyên đắm say nhan sắc của nàng, nên đã lơi lỏng, để quân đội nhà Trần bắt đầu phản công hầu khắp các mặt trận, khiến giặc Nguyên đại bại. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn qua bên kia biên giới. Số phận An Tư công chúa kết thúc thế nào còn là điều bí ẩn ?

Một nàng công chúa khác của nhà Trần là Huyền Trân cũng vì nước quên thân. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), Chế Mân xin dâng châu Ô, châu Lý làm sính lễ cầu hôn em gái vua Anh Tông là công chúa Huyền Trân. Khi về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong Hoàng hậu. Sang năm sau (1307), vua Trần Anh Tông nhận châu Ô và châu Lý, đổi tên lại thành Thuận Châu, Hóa Châu. Nhờ người đẹp mà vui tôi nhà Trần mở mang thêm bờ cõi. 

(còn tiếp)