Thể thao

Người nữ trong ca khúc của nhạc sỹ Trần Tiến (tiếp theo và hết)

Thoại Vy - Ảnh internet • 24-03-2018 • Lượt xem: 1569
Người nữ trong ca khúc của nhạc sỹ Trần Tiến (tiếp theo và hết)

     Trần Tiến kể cho ta nghe câu chuyện buồn về người phụ nữ bằng âm nhạc và bằng cả tấm lòng đôn hậu của mình. Họ là những người mẹ (Mẹ tôi), người chị (Chị tôi), người em gái (Tóc gió thôi bay), những nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh “liên miên” (Chuyện năm người). Có lần ông thú nhận là không thích kể như thế, nhưng biết làm sao ! Vì nỗi buồn vẫn hiện hữu trong cuộc đời này. Những người phụ nữ ấy nhân từ đến quên mình, nên lúc nào cũng âm thầm gánh chịu thiệt thòi.

    Bằng giai điệu trữ tình mà trong ngần, nhạc sĩ Trần Tiến đã khắc họa thành công chân dung tuyệt đẹp về người nữ bắt đầu bằng hợp âm thứ. Nếu “Mẹ tôi”, “Chị tôi” bắt đầu và kết thúc bằng cung mi thứ (Em), thì “Tóc gió thôi bay”, “Chuyện năm người” lại khởi xướng và tắt lịm ở cung rê thứ (Dm). Lần thứ hai nghe chính tác giả hát “Chị tôi”, nồi thịt sườn kho tiêu tội vạ suýt khét. Tôi mải mê nghe ông kể câu chuyện người phụ nữ bạc phận bằng ca từ và giai điệu da diết: “Chị thương hai đứa em, thương mẹ già còn đau í a/ Chị tôi chưa lấy chồng (1). Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây/ Chị lại lo các em chuyện chồng con/ Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a/ Chị tôi chưa lấy chồng (2) …/ Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mênh mông/ Chị tôi chưa lấy chồng (3)”. Trong 6 đoản khúc của “Chị tôi” thì có đến 5 lần kết thúc bằng điệp khúc ám gợi day dứt “Chị tôi chưa lấy chồng”. Câu chuyện buồn thương của đời chị khởi đầu ở bến nước quê nhà “Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong”, lo hạnh phúc cho em đến quên mình và chia tay người thân cũng ngay tại bến sông ấy “Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương í a. Ánh sáng tin yêu hy vọng chưa kịp bừng lên đã lụi tàn như nến cặn lại vẫn gắn liền với bến nước cây cầu “Rồi một đêm sáng trong có một người đàn ông qua/ Họ về xây chiếc cầu nối bờ vui/ Gặp chị tôi dễ thương mới xin lời cầu hôn í a…/ Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu/ Ðể chị tôi ngóng chờ mắt lệ nhòa”. Người nghe cũng mờ lệ khi chạm đến những ca từ tha thiết buồn thương dường ấy ! Để nỗi lòng “tôi” như dòng sông quê nhà xuôi mãi không bến đỗ chứng kiến bao thăng trầm của đời người bên bờ tử sinh. Câu chuyện trong “Tóc gió thôi bay” cũng được tác giả hình thành và trao gửi cho người nghe nơi một khúc sông quê nhà “Chiều mưa có một người con gái nhớ quê xa vời vợi/ Dòng sông giấc mơ [Bb] xưa một thời thiếu nữ buồn trôi …/ Tình em đóa hoa hồng lặng lẽ thơ ngây bên vườn/ Tình em như khúc [Bb] sông quê nhà khao khát con thuyền trôi”. Hợp âm si giáng (Bb) lặng lẽ nằm cạnh hình ảnh dòng sông quê trôi êm, đưa ta xuôi về những năm tháng ấu thơ yên ả bên bờ tre, gốc đa, bến nước … Trong một chiều mưa xa ngái, người con gái ấy lại ngóng về quê mẹ thân yêu mà chùng lòng:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

(Ca dao)

Bắt đầu bài hát là một chiều mưa dai dẳng ở cung rê thứ và hợp âm trên làm ướt đẫm bài hát cũng trong cơn mưa chiều hiu hắt “Tóc gió thôi (C) bay (A7) những chiều [Dm] mưa”.

   Làm sao phác họa trọn vẹn hình hài người phụ nữ trong âm nhạc Trần Tiến ? Làm sao vẽ được màu sắc cuộc đời qua những bài hát kia ? Sao tôi có thể phác thảo được nỗi buồn như cánh chim di không mỏi bay suốt bầu trời giai điệu và ca từ trong những nhạc phẩm ấy. Sao tôi có thể vẽ được miên trường sắc – không ám ảnh phận người ?. Tôi không thể ! Như đã từng thử phác họa nỗi buồn xa vắng bằng những cánh hoa đêm không màu!.