Duyên Dáng Việt Nam

Nguy cơ và cách phòng tránh đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi

T.Ng • 31-05-2018 • Lượt xem: 818
Nguy cơ và cách phòng tránh đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi

Đột tử ở trẻ em là hiện tượng không hiếm gặp khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nhiều trẻ buổi tối trước đó vẫn bình thường, nhưng sau đó được phát hiện là đã tử vong mà không rõ một nguyên nhân nào.

Không nên cho trẻ nằm sấp khi ngủ - Ảnh minh họa

Theo PGS. TS Vũ Đức Định, đột tử ở trẻ em hay còn gọi là hội chứng SIDS (Sudden infant death syndrome) được định nghĩa là những trường hợp đột tử xảy ra ở trẻ dưới một tuổi, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, mà không tìm được bất kỳ nguyên nhân nào về tiền sử bệnh tật, hiện trường tử vong và cả khi mổ tử thi. 

Theo thống kê, SIDS là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong ở trẻ dưới một tuổi. Nguyên nhân của SIDS thì chưa được rõ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ được cho là có khả năng làm tăng đột tử ở trẻ em. Trước hết là các yếu tố nguy cơ ở người mẹ như mẹ có thai ở tuổi vị thành niên; người mẹ không được chăm sóc, theo dõi thai sản chu đáo; người mẹ có tiền sử hút thuốc lá (người ta nhận thấy số trẻ em đột tử tăng cao ở nhóm các bà mẹ hút thuốc lá trong giai đoạn có thai).

Các nguyên nhân sau sinh bao gồm nấm phổi, mà nhiều khi bị chẩn đoán nhầm là viêm phế quản do vi khuẩn hoặc virut hay hen phế quản; trẻ thiếu cân khi sinh. Trẻ sơ sinh non tháng cũng là một yếu tố nguy cơ với tần suất gặp SIDS vào khoảng 2,39/1000 trẻ. Một số yếu tố khác cũng được cho là có thể liên quan đến việc đột tử ở trẻ như tiếp xúc với khói thuốc (ở gia đình có người hút thuốc); nằm úp sấp khi ngủ, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ; nhiệt độ phòng tăng hoặc giảm đột ngột; giường, chăn đệm, thú nhồi bông gây chật chội, ngột ngạt; có tình trạng thiếu máu; giai đoạn 6 tháng đầu sau sinh và trẻ nam thì có nguy cơ cao hơn và đặc biệt là người ta cũng nhận thấy một tỷ lệ bị SIDS cao hơn ở nhóm trẻ ngủ cùng cha mẹ hoặc ngủ với các trẻ khác mà chưa lý giải được nguyên nhân.

Vậy để phòng tránh nguy cơ đột tử cho trẻ, bố mẹ hãy lưu ý. Nên cho trẻ nằm đầu cao; giữ cho phòng thoáng mát, thông khí bằng quạt gió; không nên trùm chăn kín đầu trẻ; đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, tốt nhất là bằng sữa mẹ. Đặc biệt chú ý chăm sóc các trẻ sơ sinh thiếu cân, non tháng; trẻ có mẹ ở tuổi vị thành niên, mẹ nghiện rượu, nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng các chất ma túy khác; trẻ ở gia đình có người mắc các hội chứng gây rối loạn nhịp tim bẩm sinh... Và cuối cùng, tất cả các trẻ em phải được chăm sóc, theo dõi chu đáo, kịp thời phát hiện các bất thường ở trẻ để có thể đưa đến khám và điều trị bởi các thầy thuốc chuyên khoa.