VĂN HÓA

Nguyễn Ngọc Hạnh ‘phơi lòng chưa cạn cơn mưa’

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 24-07-2019 • Lượt xem: 1693
Nguyễn Ngọc Hạnh ‘phơi lòng chưa cạn cơn mưa’

Hôm trước có một tiệc rượu nhỏ đón Lê Thiết Cương từ Hà Nội vào ở nhà điêu khắc gia Phan Phương Đông. Tiệc đang vui với đủ chuyện nhớ đâu kể đấy, tôi buột miệng kể mới nhận được sách của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh từ Đà Nẵng mới gửi vào: “Lòng chưa cạn đêm sâu" và tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều".

Tin, bài liên quan:

Trần Vũ - phép lạ của văn chương (Kỳ 1)

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm

Giữa hai thi sĩ Tế Hanh và Louis Borger

Tôi khen chiếc bìa của Lê Thiết Cương vẽ đẹp và khéo lắm. Cương cười phớ lớ: - “Ừ, tay Hạnh ấy thế mà vui! Y làm nhiều câu thơ hay mà chính y cũng không biết câu nào hay câu nào dở. Cứ để nhòa lẫn vào một mớ như vậy! Đến khi Hạnh nhờ tôi đọc lại để làm bìa thì tôi mới nhặt ra cho. Ví dụ như câu “Phơi cơn mưa lên chiều” là tôi nhặt ra cho Hạnh. Tôi nói sao ông có thể làm được một câu thơ hay như vậy, tài hoa như vậy mà không “phơi” nó ra, khoe nó ra ngay lập tức. Và nhờ như thế Hạnh mới có tên tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” phơi phới như thế!”…

Lê Thiết Cương còn kể nhiều chuyện vui về Nguyễn Ngọc Hạnh nữa và tôi cũng không nhớ. Văn nghệ lan man bao đồng, đôi khi vui miệng mà buột ra trà dư tửu hậu cho vui mà thôi. Chỉ nhớ là câu thơ của Hạnh đã khiến Cương mê và hình như Cương đã vẽ, đã phơi lên một tác phẩm gốm của anh. Gốm Phù lãng nhưng không quên lãng. Ai làm thơ, làm nghệ thuật cũng từng mơ một giấc mơ phù lãng vậy!

Tôi đã từng viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trên báo Một Thế Giới rằng hiếm ai làm được những câu thơ viết về làng đẹp và dễ thương như Hạnh. 

Cái làng ấy ra đi cùng tôi
Mà tôi nào hay biết
Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết
Con sông quê bóng núi cứ chập chờn
”. 

Đặc biệt là hai câu kết tưởng khép lại nhưng không, lại phá tung ra, quẫy tươi, vang động:

 “Xưa tôi sống trong làng 
Giờ làng sống trong tôi
”. 

Tôi gọi đây là thơ mệnh đề. Đề thì nhà thơ có thể dẫn, có thể biến dịch ra, ghi lên. Nhưng mệnh thì chịu! Nó là dấu khắc tiền kiếp, kiếp nông phu, phiêu bạt bên bờ biển Đông. Là dấu chân Giao Chỉ. Là ngón cái tõe ra bấm chặt vào bùn máu đất đai quê hương như móng của những con gà mái mà thi sĩ Nguyễn Quang Thiều đã thủ ấn họa trên châu thổ. Và kiếp nạn mong manh, hoang mang, đầy phiêu lưu nước mắt trong câu văn hoang hoải hay hoang dại của Nguyễn Huy Thiệp: “Cha mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra từ nông thôn”. Từ cái nông thôn, kiếp nông dân ấy, Nguyễn Ngọc Hạnh đã đi với cuộc đời và những câu thơ hiện ra như vầng trăng mọc hồn nhiên…   

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ký tặng sách độc giả

Tiếp sau tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” là tập phê bình chân dung nghệ sĩ “Lòng chưa cạn đêm sâu” của anh. Người đọc lại tiếp tục bất ngờ với những ký ức, nặng nợ văn chương mà Nguyễn Ngọc Hạnh trang trải. "Lòng chưa cạn đêm sâu" do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành đầu quý II năm 2019, gồm hai phần. Phần một là 30 bài bút ký, tản văn viết về quê hương, bạn bè và đồng nghiệp; phần hai là những bài viết về thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh với nhiều góc nhìn, cung bậc cảm xúc. Nếu như thơ là sự chắt lọc, thâu nén đến tận cùng thì chân dung, phê bình là sự phơi phóng, thoáng đạt như rơm rạ phơi thơm thảo trên đồng quê. Và hương tỏa theo những ngọn gió ký ức.

Tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Tôi rất xúc động khi chính mình trở thành một nhân vật của Nguyễn Ngọc Hạnh. Anh viết lại một cách tinh tế, sâu lắng về đêm nhạc giới thiệu 17 tình khúc mang chủ đề “Chiều rỗng hồn em” của tôi tổ chức tại Đà Nẵng trung tuần tháng 6/2016. Rung động và chân thực, anh đã tái hiện lại những dư vang trong lòng mình sau những triều cảm mà âm nhạc mang lại. Không chỉ đánh giá cao đêm nhạc đó mà anh còn phác vẽ một con đường đi tới cho một tình yêu sâu bền và lớn lao với nghệ thuật. Rất nhiều chân dung bạn bè đã được Nguyễn Ngọc Hạnh phác họa sâu sắc như thế! Điều quan trọng nhất đã được nhân cách hóa, để trở thành nền móng cốt lõi cho cuốn sách: Tình yêu chính là sự xuất phát,  khởi đầu mà từ đây về sau tất cả những hoa trái của nghệ thuật thâu gặt đều phải do tình yêu ngộ chứng và mang lại. 

 

Nhiều bài thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc

Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha nhận xét về cuốn sách của Nguyễn Ngọc Hạnh: "Người viết về mình cũng hết lòng. Mình viết về người cũng hết lòng. Bởi vậy, "Lòng chưa cạn đêm sâu" đã để lại một phức cảm của hai chiều cảm xúc khiến người đọc cảm thấy quý mến, gần gũi tác giả hơn khi cầm trên tay cuốn sách này".

Vì vậy với Nguyễn Ngọc Hạnh, lòng phơi chưa cạn cơn mưa…