GIẢI TRÍ

Nguyễn Văn Chung – 8 năm lập kỷ lục với 300 ca khúc thiếu nhi

Phạm Lữ • 09-06-2020 • Lượt xem: 970
Nguyễn Văn Chung – 8 năm lập kỷ lục với 300 ca khúc thiếu nhi

Gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ngay tại quán cafe vùng ven Thành phố, nghe tin anh vừa được xác nhận kỷ lục Nhạc sĩ trẻ có nhiều ca khúc thiếu nhi nhất. Anh đã dành cho Duyên Dáng Việt Nam cuộc trò chuyện khá thú vị về kỷ lục hy hữu này.

Tin, bài liên quan:

Sáng tác với 300 ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung xác lập kỷ lục

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kêu gọi cảnh giác chuyện bị quỵt cát-xê

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung làm liveshow dành tặng tuổi thơ con gái

Ẩn mình nhiều năm qua, bất ngờ khi được xác nhận là người sáng tác nhạc thiếu nhi nhiều nhất Việt Nam, cảm giác của anh lúc này như thế nào? 
Tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc, vì đã vượt qua được thử thách của bản thân,  được rèn luyện, chấp nhận rủi ro và cả việc hy sinh về danh tiếng, tài chính. Vì làm nhạc thiếu nhi là chỉ đổ tiền vô, một bài phối tầm một triệu đồng, 300 bài là 300 triệu đồng, rồi tiền thu âm 300 bài, rồi vẽ tranh in sách, xem như ngốn một tỷ đồng là chuyện thường. Trong khi đó nếu mình lo sáng tác nhạc trẻ, với ngần ấy năm, mình thu về tiền tỷ cũng là chuyện đương nhiên.

Đây là lý tưởng tôi hướng tới, để mình nhận được sự tôn trọng. Với tôi làm gì cũng phải nghĩ đến đường dài, có thể trước mắt mình đầu tư không lãi, nhưng về 5 năm, 10 năm sau biết đâu sẽ thu được tiền bản quyền đến 20 năm sau. Và chính nhờ niềm tin đó, tôi mới có thể thực hiện được dự án này. 

Anh có thể bật mí quá trình thực hiện của mình, vì sao nó phải kéo dài đến 8 năm để có 300 ca khúc? Điều gì anh thấy nan giải nhất? 
Tôi làm làm việc cuốn chiếu theo từng bài hát, chia theo từng đề tài: Nhà trường thì có thầy cô, bạn bè. Gia đình có ông bà cha mẹ, rồi các thú cưng... Việc sáng tác tôi tự ngầm quy định trung bình mỗi tháng 3 ca khúc, một năm khoảng 30 – 40 ca khúc, cứ thế lần lượt mà làm. 
Kinh phí được xem là điều nan giải nhất, vì muốn có sự tập trung nên tôi tạm gác lại việc sáng tác nhạc trẻ, đồng nghĩa với việc thu nhập cũng thấp theo. Khó khăn không đến từ bên ngoài, khó khăn đến từ trong nội tâm của mình, có nhiều lúc yếu đuối mất phương hướng, không biết đi như vậy có đúng không, nếu không thành công thì kinh tế sẽ ra sao... rất nhiều sự dằn vặt trong nhiều đêm. Nhưng tính tôi thích chinh phục một cái gì đó lạ hơn như một cuộc kiểm tra ngầm năng lực của mình. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và con gái Suri Kim Anh

Thực hiện dự án này, vì tôi muốn có một sân chơi, một môi trường âm nhạc đúng nghĩa cho trẻ em. Các cháu nên được hát những bài hát đúng tuổi của mình, ngây thơ, vô tư, trong sáng! Học được những bài học nhỏ có giá trị, học được cách yêu thương bạn bè, cha mẹ, thầy cô, và yêu thương cả bản thân mình và bây giờ Chung cảm thấy tự hào vì mình đã không uổng phí công sức và thời gian.

Cảm hứng nào để anh có thể sáng tác liên tục trong ngần ấy năm? 
Khi còn trẻ, tôi lấy cảm hứng từ tình yêu để sáng tác nhạc trẻ. Giờ có gia đình, có con, cảm nghĩ của tôi cũng thay đổi theo thời gian. Nguồn cảm hứng chính từ những ngày tháng tôi làm thầy giáo dạy nhạc. Chính các em đã cho tôi được biết rất nhiều điều từ thực tế. Giới trẻ ngày nay đã khác so với thời trước nên buộc mình phải cập nhật liên tục. Có gần gũi các em, mình mới biết được các bé thích gì, cần điều gì... Hình ảnh các em phải trình diễn những bài hát người lớn khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhất là hình ảnh bé trai giả gái hoặc bé gái giả trai hát. Những điều này cũng thôi thúc giúp tôi mạnh mẽ hơn trên con đường sáng tác nhạc thiếu nhi mà mình đã chọn.

Điều gì anh suy nghĩ nhiều nhất khi chuyển sang dòng nhạc thiếu nhi? Theo anh yếu tố quan trọng trong một ca khúc dành cho trẻ nhỏ là gì? 
Thường thì nhạc sĩ chỉ thích sáng tác những điều mình thích, nhưng tôi luôn cân đối thêm phần lợi nhuận thì mới gọi là thành công. May mắn là trước giờ tôi luôn được lọt vào top nhạc sĩ có tiền bản quyền nhiều nhất. Ngay cả thời điểm tạm gác sáng tác nhạc trẻ, nhưng những ca khúc thiếu nhi như: Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Con gái của ba, Vui đến trường... đã là bài hit của thiếu nhi. Hoặc như trong “Nhật ký của mẹ”, chỉ cần đối tác mua 4 câu hát để thực hiện một mẫu quảng cáo, là tôi đã có được 40 triệu đồng rồi, đây là những điều giúp tôi cải thiện đời sống rất nhiều. 
Thường các bé không tưởng tượng được hết những lời trong bài hát đâu, Chung nghĩ giai điệu rất quan trọng, tiết tấu vui tươi, lời nhạc nhẹ nhàng gần gũi gắn liền với những bài học, tình cha mẹ, tình anh em.. sẽ giúp các em có được một bài học nhỏ cho mình. Trẻ con thường thích nghe trước rồi mới chịu hiểu lời bài hát. 

Có kỷ niệm nào thú vị trong quá trình sáng tác, anh có thể chia sẻ? 
Bài “Nhật ký của mẹ”, Chung phải đợi Hiền Thục đến 2 năm sau cô ấy mới nhận, vì lúc đó quản lý cứ bảo Hiền Thục rất bận. Nhưng khi Hiền Thục vừa thu xong, lập tức nó “dậy sóng” trở thành bài hit ưng ý nhất của Chung. Hoặc như bài “Con gái của cha”, khi Phan Đinh Tùng hát thử trong phòng sanh của vợ, phòng có bốn bà bầu thì cả bốn đều sinh con… gái. Đây quả thật là điều tôi chưa từng nghĩ đến, nó hiệu nghiệm đến như vậy. 

Thông thường tâm lý của một nhạc sĩ khi sáng tác một bài hát, hay thực hiện một dự án thì anh nghĩ điều gì trước?
Nghề nhạc sĩ đôi lúc tôi thấy mạo hiểm như... đánh bạc, không đoán trước được điều gì xảy ra. Ai cũng thích ôm trước một cục tiền cho chắc ăn, chứ ai mạo hiểm đi vào con đường mới rất dễ xảy ra rủi ro. Còn tôi, lần này luôn tin vào chính mình, nên nếu có sự thành công, chắc cũng khác lạ so với người ta.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ca sĩ Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc

Làm thế nào để được xác nhận một kỷ lục, đã có nhạc sĩ nào được ghi nhận về sáng tác nhạc thiếu nhi?
Sau khi hoàn thành phần sáng tác, thu âm, tôi có nhờ bên Tổ chức kỷ lục xác minh và sau khi họ xem các phần sáng tác của tôi họ đã xác nhận Chung đã lập một kỷ lục mới vào ngày 20/5/2019. Trước đây, bác nhạc sĩ Phong Nhã cũng có hơn 200 ca khúc thiếu nhi, riêng bác nhạc sĩ Phạm Tuyên là người giữ kỷ lục có nhiều ca khúc thiếu nhi được phổ biến nhiều nhất, cũng hơn 200 ca khúc. 

Động lực nào khiến anh chuyển sang sáng tác nhạc thiếu nhi?
Lúc đầu khi ra album thiếu nhi có 10 bài, trong đó ca khúc Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Mẹ ơi có biết, Vui đến trường… lan truyền rộng trong các trường mẫu giáo trên cả nước. Sự thành công ấy giúp Chung có động lực làm luôn một lèo với album gồm 100 ca khúc thiếu nhi, có tranh vẽ, có phần tô màu giúp các bé vui vẻ năng động hơn khi đến với các bài hát. Bước kế tiếp, Chung quyết định từ bỏ tất cả để tập trung sáng tác nhạc thiếu nhi, và mãi đến nay là gần đúng 8 năm mới ra đời được 300 ca khúc. 

Ca khúc “Con cò bé bé” của Xuân Mai rất nổi tiếng, nhưng mấy ai nhớ được tên nhạc sĩ, anh có nghĩ đến điều này trong quá trình sáng tác?  
Đúng là ca khúc ấy quá nổi tiếng, có lẽ ngày đó có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác nhạc thiếu nhi, nên mọi người chỉ nhớ đến ca sĩ bé Xuân Mai. Riêng bây giờ, Chung đặt dấu mốc cho riêng mình, chỉ có Nguyễn Văn Chung chịu sáng tác nhạc thiếu nhi thì cơ hội được mọi người biết đến sẽ nhiều hơn, bởi thời buổi bây giờ do ảnh hưởng kinh tế, cuộc sống, ít ai chịu đầu tư với một chặng đường dài như thế. Để có được kỷ lục này, Chung đã có sự rèn luyện, thử thách bản thân và hoàn thành được ước mơ của mình, để sau này khi trở lại dòng nhạc trẻ, mình sẽ có động lực mạnh mẽ hơn.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trong một lần đi tìm cảm hứng sáng tác

Suốt thời gian sáng tác, ai là người tác động đến anh nhiều nhất?
Không, chỉ có một mình Chung.

Liệu có cô đơn quá không? Bạn bè, đồng nghiệp người thân nói gì về Chung khi đơn độc thế này?
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho Chung, vì đã bỏ qua nhiều cơ hợi vàng khi sự nghiệp đang phát triển mạnh phải ngưng lại để sáng tác nhạc thiếu nhi, nhưng ít ai hiểu là Chung đang nghĩ gì, ít ai tin là Chung sẽ làm được.

Bìa album 100 bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Trước đây ở album thiếu nhi đầu tiên và kế đến là album 100 ca khúc ra đời, hình ảnh con trai Chung luôn ẩn hiện trong các sáng tác của mình, lần này với kỷ lục 300 bài hát “cậu nhóc” ấy có hiện diện hay không? 
Vẫn sẽ là hình ảnh của con, nhưng sẽ là hình ảnh của những hành trình tiếp theo trong thời gian tới. 

Sắp tới Chung sẽ làm gì với sản phẩm kỷ lục của mình?
Đây chỉ mới là bước đầu của một hành trình, bước tiếp theo khó hơn là phổ biến. Đáng lẽ là 1/6 đã in sách rồi, nhưng vì dịch cúm cô-vy (nCoV) phát sinh nhiều rủi ro, nên bị “gãy” vào giờ cuối. Bây giờ Chung đang rơi vào trạng thái: Lại một mình cô độc, vì đáng lẽ phải ra sách và nằm trên tay mọi người rồi. 
Sách có 5 cuốn với 5 chủ đề: Thầy cô, Gia đình, những bài học nhỏ, những trò chơi thiếu nhi, Thế giới tuổi thơ… mỗi cuốn 60 bài, và mỗi loại phải in được 1.000 bản. Mục tiêu tối thiểu của Chung là tặng cho các trường học trên TP.HCM, tặng cho 24 Trung tâm Quận Huyện, việc bán sách thì mình tính sau, phải đó cái gì đó cho thầy cô dạy các em cái đã.

Kinh phí lần này chắc không phải là con số nhỏ, việc phát hành sẽ như thế nào, thưa anh?
Tổng kinh phí cho 100 cuốn sách kèm DVD lần trước là 200 triệu đồng, đợt này hơn gấp đôi chắc tầm khoảng 500 triệu, con số này trong thời buổi khó khăn vì dịch Covid-19 như hiện nay quả là bài toán nan giải. Nhưng tôi tin là sẽ có nhiều giải pháp để nhạc phẩm đến được với công chúng trong thời gian sớm nhất. 
Trước mắt là tặng, còn nhanh hơn nữa là phát hành trên Youtube, hiện đã có 2 đơn vị, sẽ cùng sản xuất với Chung, trong đó có một đơn vị đã thầu 100 ca khúc, và đơn vị thứ hai sẽ thầu thêm 100 ca khúc tiếp theo. Mình sẽ trả lại quyền lợi là để họ thu kinh phí khi phát hành, Chung chấp nhận thu ít vì cơ bản là muốn các ca khúc này đến với các em là xem như đạt ước nguyện. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trong vòng vây của sinh viên

Anh đã chọn được các ca sĩ nhí nào hay chưa?
Chung nghĩ việc chọn ca sĩ nhí không khó, chỉ cần chọn bé nào hát đúng, hợp với ca khúc. Hiện nhiều bạn trẻ là học trò của Chung trong lần trước, nay đã lớn khá nhiều, hiện giờ chỉ có bé Ngân Chi trong phim Nắng, bé Bảo Ngọc… Với Chung hiện giờ, tìm người phát hành là một bài toán khó, tìm ca sĩ nhí để hát cũng là một bài toán không đơn giản, và cứ đến “bài tập” nào, Chung đều phải nghĩ cách giải hết, chứ không nản mà bỏ cuộc. 

Trân trọng cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này.