Trưng bày “Một thời sôi nổi” tại Nhà tù Hỏa Lò kể về một thời đáng nhớ của lớp thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời chiến. Những câu chuyện, hình ảnh và hiện vật gây ấn tượng không chỉ với lớp người xưa mà cả những bạn trẻ hiện nay.
Trưng bày “Một thời sôi nổi” được khai mạc sáng 18/3 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021). Với phương thức thể hiện mới mẻ, trưng bày lần này đưa du khách vào một hành trình cảm xúc, quay ngược thời gian trở lại một thời sôi nổi của thanh niên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trưng bày “Một thời sôi nổi” được thể hiện qua 2 nội dung. Nội dung thứ nhất “Ánh lửa từ trái tim” là câu chuyện của tuổi trẻ Việt Nam trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Với niềm tin tất thắng vào cách mạng, bao lớp thanh niên đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh; xông pha nơi chiến trường ác liệt; hăng say lao động nơi hậu phương hay kiên trung, bất khuất nơi ngục tù thực dân, đế quốc. Những thanh xuân mười tám, đôi mươi, đã gác lại bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ để góp sức giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Họ đã viết nên “Một thời sôi nổi” của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong thế kỷ 20.
Nội dung thứ hai “Ước vọng xây đời” là những hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam góp phần nối dài thêm những chiến công, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Những thanh niên trẻ thế hệ mới đã biến ngọn lửa nhiệt huyết, rực cháy trong tim mình thành những hành động, việc làm thực tế, sáng tạo, hiệu quả.
Điểm nhấn đặc biệt tại trưng bày là sự có mặt của các nhân chứng lịch sử để chia sẻ về những năm tháng sôi nổi đó. Họ là những người kháng chiến trẻ tuổi, khi đó còn là học sinh, sinh viên ở lại trong lòng thành phố nơi địch tạm chiếm và tổ chức các hoạt động bãi khóa, biểu diễn văn nghệ, xuất bản báo… Báo “Nhựa sống” được Đoàn học sinh Kháng chiến Thủ đô xuất bản, phát hành bí mật trong các trường học, có một sức sống mãnh liệt, tràn trề “nhựa sống” của tầng lớp học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm đầu thập niên 50, góp phần trong công cuộc giải phóng Thủ đô, năm 1954.
Chia sẻ tại buổi khai mạc trưng bày, bác Đỗ Quang Trung (sinh năm 1934) - một trong những học sinh trực tiếp tham gia in ấn và phát hành báo “Nhựa sống” giai đoạn 1951 – 1952 kể lại, thời điểm không khí hoạt động cách mạng của thanh niên, học sinh Hà Nội rất sôi nổi. Thông qua người anh trai, bác Đỗ Quang Trung kết nối với nhóm làm báo và phụ trách việc in các ấn phẩm.
“Khi đó, phụ trách nội dung của tờ “Nhựa sống” là anh Dương Linh, chủ yếu về thơ văn kháng chiến, tin tức cách mạng… Công đoạn khó nhất khi in bằng máy ronéo phải nói tới là đánh máy chữ, dàn trang, vẽ hình minh họa. Anh Dương Linh phải bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu, tìm ra cách in phù hợp nhất vừa đảm bảo chất lượng lại không mất thời gian, kịp cho các anh lớp lớn phát hành báo đến các trường học tại Hà Nội” - bác Đỗ Quang Trung nói.
“Công việc diễn ra hết sức bí mật, tôi chỉ nhận nội dung từ anh Dương Linh còn những đồng chí khác tôi không biết là ai, phòng khi bị địch bắt thì cũng không bị khai thác thông tin. Những bản in hỏng, chúng tôi ngay lập tức đem đốt đi. Máy in được đặt trên tầng 3 căn nhà ở phố Triệu Việt Vương, là một trong những nơi cao nhất trong khu vực nên mật thám rất khó phát hiện” - bác Đỗ Quang Trung cho biết thêm.
Lắng nghe những chia sẻ của lớp người đi trước, những du khách trẻ tuổi có dịp hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử vốn không dễ hình dung. Bạn Trần Thảo My (sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết, điều ấn tượng nhất tại cuộc trưng bày lần này là được gặp những con người thật, lắng nghe những câu chuyện thật để thấy sự khác biệt giữa cuộc sống thời chiến và thời bình.
Còn bạn Hoàng Thanh Hà (sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) chia sẻ: “Dù đã được học về những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhưng những nội dung, hình ảnh hôm nay hoàn toàn mới mẻ đối với em. Câu chuyện của các bác về thời thanh niên đầy ý chí, hoài bão, dám nghĩ dám làm khiến em tự nhủ phải cố gắng, quyết tâm hơn để thực hiện những kế hoạch của bản thân trong tương lai”.
Trưng bày “Một thời sôi nổi” đang diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Đặc biệt trong ngày 23/3 tới, du khách đến tham quan sẽ gặp gỡ những nhân chứng từng tham gia đội nữ lái xe Trường Sơn, được nghe giới thiệu chi tiết về các nội dung, hiện vật bởi thuyết minh viên và nhiều trải nghiệm thú vị như hóa thân thành bộ đội lái xe Trường Sơn, chụp ảnh bên hành trang người lính…
Theo VOV