NSƯT Thế Hiển được công chúng yêu mến với nhiều ca khúc như Chuyện đời xưa- Chuyện đời nay, Dấu chấm hỏi, Tóc em đuôi gà.... Và Thế Hiển cũng được coi là "nhạc sỹ của lính" khi những ca khúc như Hát về anh, Nhánh lan rừng.... của anh được các chiến sỹ bao thế hệ nằm lòng.
NSƯT Thế Hiển quê ở Nam Định nhưng anh lại sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Có năng khiếu âm nhạc, Thế Hiển tham gia phong trào văn nghệ tại địa phương rồi anh theo học Trung cấp thanh nhạc, về làm ca sỹ tại Đoàn ca múa nhạc Bông Sen từ năm 1980. Từ một ca sỹ đơn ca, trong nhiều lần đi lưu diễn phục vụ kháp cả nước, Thế Hiển đã được đến hát cho các chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ biên cương tại biên giới phía Bắc.
Thế Hiển kể: “Tôi được hát, được hoà mình với cuộc sống nơi biên giới cùng các chiến sỹ. Tuy cuộc sống của họ còn nhiều cơ cực, gian nan nhưng các chiến sỹ ai cũng lạc quan, yêu đời. Cảm phục cuộc sống của họ, tôi đã viết Hát về anh. Ca khúc vừa ra đời đã nhận được sự yêu mến của mọi người, điều đó cũng trở thành bước ngoặc mới trong sự nghiệp của tôi, tôi đã bắt tay vào sáng tác ca khúc”.
Gần 40 năm theo nghiệp sáng tác, NSƯT Thế Hiển đã có nhiều thành công khi rất nhiều ca khúc của anh được người nghe yêu thích như Tóc em đuôi gà, Chuyện lứa đôi, Hoài niệm dấu yêu, Đợi chờ trong cơn mưa, Chuyện đời xưa- Chuyện đời nay, Hành khúc thanh niên tình nguyện, Hát trên nông trường xanh, Dấu chấm hỏi….
Thế Hiển còn được gọi là “nhạc sỹ của lính” bởi nhiều ca khúc của anh gắn liền với cuộc sống người lính và được lính yêu thích như Hát về anh, Nhánh lan rừng, Tiếng, Vỏ ốc biển, Nỗi nhớ từ đảo xa, Lính đảo Trường Sa, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca, Khúc hát tự hào HQ 561…
Và không chỉ sáng tác, Thế Hiển còn đi tới những mảnh đất tận cùng ở nơi biên cương hải đảo để cùng đàn, cùng hát với người lính giữa chiến hào hay giữa biển khơi. “Tôi đã đi gần hết các vùng biên cương, từ phía Bắc cho tới miền Trung rồi phía Tây Nam để hát. Riêng với quần đảo Trường Sa, tôi đã đi tới 6 lần. Được ôm đàn, được hoà giọng với các chiến sỹ là niềm vui với tôi nên cứ có cơ hội là tôi lại đến với họ. Các chiến sỹ coi tôi như người đồng đội của họ còn tôi thì luôn có cảm giác đến những nơi đó tôi như được trở về nhà, được gặp gỡ với những người thân yêu”- NSƯT Thế Hiển tâm sự.
Thế Hiển cũng thừa nhận các ca khúc của anh được người chiến sỹ yêu thích bởi ẩn chứa bên trong từng ca khúc ấy, người nghe nhạc có thể hình dung về hình ảnh người lính nơi biên giới hải đảo dù trong thời bình nhưng họ vẫn phải hy sinh rất nhiều để bảo vệ bình yên cho tổ quốc. Nhưng người lính lấy đó làm niềm tự hào, làm vinh dự để mỗi người lính cống hiến, mãi xứng danh với Người lính Cụ Hồ. Và NSƯT Thế Hiển đã nói thay cho nỗi niềm đó. Họ tự hào vì Thế Hiển là “nhạc sỹ của lính”.
NSƯT Thế Hiển kể anh xuống quê vợ ở Cần Thơ từ đầu tháng 5 rồi có lệnh giãn cách xã hội tại Sài Gòn khiến anh kẹt tại đó. Và trong những ngày giãn cách, Thế Hiển nghe tin trong danh sách phong tặng danh hiệu NSND do Hội đồng cấp sở tại TPHCM đề xuất đã có tên mình. “Tôi rất vui vì những cố gắng của tôi đã được Hội đồng đánh giá cao. Theo tôi danh hiệu NSND sẽ cho tôi thêm trách nhiệm và tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với sự tin yêu đó”.
Trong những ngày giãn cách, Thế Hiển cũng đang ấp ủ một ca khúc mới, một ca khúc vẫn nói về người lính nhưng lần này sẽ không phải là ở nơi biên cương hải đảo mà là người lính nơi tuyến đầu chống dịch. “Họ là các y bác sỹ, học là các chiến sỹ công an, bộ đội, dân phòng hay lực lượng tình nguyện. Và họ đang bất chấp hiểm nguy để chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ và gìn giữ cuộc sống cho những người dân. Họ xứng đáng được tôn vinh”- NSƯT Thế Hiển nói.
Với hơn 200 ca khúc sáng tác và biểu diễn, NSƯT Thế Hiển đã đoạt nhiều giải thưởng như:
-Hát về anh - Bằng khen UBND TPHCM 1985
-Dấu chấm hỏi - Giải 3 cuộc Vận động sáng tác của TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
-Huân chương Lao động hạng III
- 3 lần lập kỷ lục gia trong vai trò nhạc sỹ…
Theo Trọng Thịnh/Tienphong.vn