VĂN HÓA

Nhạc sĩ Nguyễn Quang, người sống cùng Âm nhạc Việt (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 10-10-2020 • Lượt xem: 7617
Nhạc sĩ Nguyễn Quang,  người sống cùng Âm nhạc Việt (Kỳ 1)

Trong giới ca nhạc thời gian gần đây cái tên Nguyễn Quang trở nên quen thuộc và nặng ký. Mà không "nóng" sao được khi anh làm Tổng đạo diễn, không chỉ kiêm về mặt chỉ đạo, xây dựng mà còn là nhạc sĩ viết Hòa âm phối khí mới cho tất cả các bài hát trong "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" phát trên VTV3 Truyền hình VN đang tiến gần đến con số khủng: 400 ca khúc. Nhận xét như nhạc sĩ Vũ Thành An, anh là "niềm tự hào", "con hơn cha nhà có phúc" của truyền thống gia đình nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Tin và bài liên quan:

Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

"Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm

‘Về đây nghe em' Trần Quang Lộc: Tiếng ân tình nặng một đời người

Tôi nghĩ một trong những sự kiện nghệ thuật mang dấu ấn đặc sắc của năm 2020 có lẽ là chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” do công ty Chu Thị và Đài truyền hình Việt Nam đã phát sóng gần tới con số 400. Có nghĩa là cũng gần tới con số đó Bài hát hay của Việt Nam đã được tuyển chọn, dàn dựng và phát sóng. Con số thật hấp dẫn về độ "khủng" cũng như đủ để thuyết phục những ai làm nghề khó tính nhất. Và linh hồn nó còn ai khác chính là nhạc sĩ Nguyễn Quang. Có thể thấy từ trước đến nay chưa có một chương trình nào về âm nhạc phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia mà kéo dài, đạt đến con số "kỷ lục", có nhiều khán giả trong, ngoài nước quan tâm, theo dõi đến như vậy! 

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thật hạnh phúc khi có người con trai Nguyễn Quang, một "Pianist tài hoa và Nhà hòa âm xuất sắc", như nhận xét của nhạc sĩ Vũ Thành An. 

Theo dòng kỷ niệm khi viết bài này. Tôi hoàn toàn không biết và quen anh Nguyễn Quang. Chỉ nghe phong thanh trong những người bạn nghệ sĩ "tay này giỏi nghề và khó trời gầm". Trước đó, tôi chỉ biết nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 do công việc báo chí và đôi lần gặp ông qua những chương trình để viết bài. Và đó cũng là vinh dự của tôi khi gặp được người nhạc sĩ mà mình rất yêu quý. Vì sao? Vào thời bao cấp, đất nước nghèo khó, chúng tôi may mắn được nghe những nhạc phẩm của ông để biết yêu, làm người và lớn lên.  

Âm nhạc ông và vài tác giả khác an ủi, mê đắm chúng tôi khi phải xa nhà đi học thời sinh viên. Thời đạp xe, người yêu ngồi trên giàn ngang xe đạp cũ kỹ và hát những “Ai đưa em về”. “Buồn ơi chào mi”, “Cô đơn”, “Tình yêu đến trong giã từ”, “Tình khúc chiều mưa”… lãng mạn mà đẹp đến bây giờ không thể quên được. Cảm nhận của tôi là nhạc Nguyễn Ánh 9 đẹp và sang trọng. Không có sự sướt mướt hay ủy mị. Đặc biệt ca từ của ông làm từ những “dưỡng chất” ngôn ngữ. Nghĩa là được chưng cất, rút tỉa từ trải nghiệm, thực tế, độ giàu có của suy tư. Hoàn toàn không có những mỹ từ “vô dụng”, nghĩa là bóng bẩy, diêm dúa, rỗng tuếch, gần như không mang chứa một thông điệp hay nội dung gì cả (!?). Ngoài sự khoe mẽ, rổn rảng man trá dưới chiêu bài "triết học". Nhạc Nguyễn Ánh 9 gần như tách bò sự phù phiếm, ảo tượng. Ông không có tình tạo ra một “chiêu bài”, “một tình huống éo le”. Mà chính hơi thở đời sống, của tình yêu đã phả vào ông mùi hương sinh động thực tế của nó.

Ví như bài “Cô đơn”. Ai trong chúng ta không trải qua những ngày tháng cô đơn, và nhận ra chính đời sống, suy nghĩ của mình trong âm nhạc của ông:

“Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm / Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm / Tình yêu một thoáng lên ngôi, nhẹ nhàng như áng mây trôi / Dịu dàng như ánh trăng soi, êm êm thương yêu dâng trong hồn tôi…”

Hay một bài khác “Ai đưa em về” mà giới trẻ thời chúng tôi gần như ai cũng thuộc. Hát nhiều trong những đêm lửa trại hay văn nghệ giao lưu sinh viên, các trường Đại học:

"Đêm nay ai đưa em về / Đường khuya sao trời lấp lánh / Đêm nay ai đưa em về / Mắt em sao chiếu long lanh / Đêm nay khi em đi rồi / Đường khuya riêng một mình tôi / Đêm nay khi em đi rồi / Tôi về đếm bước lẻ loi..."  

Người yêu ơi trong tình muộn / Người yêu ơi trong tình buồn / Trọn tình yêu ta đã cho nhau / Hãy quên niềm đau /  Thời gian ơi xin dừng lại / Thời gian ơi xin dừng lại / Cho đôi tình nhân / Yêu trong muộn màng / Đừng khóc ly tan..."  

Đêm mai ai đưa em về / Mình em trên hè phố vắng / Đêm mai ai đưa em về / Mắt em lệ ướt long lanh…”

Trong những lần gặp gỡ, từ những câu chuyện trải lòng của ông, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều khi muốn theo đuổi thế giới âm nhạc và viết những Tình khúc. Phải cảm xúc thật lòng và không giả dối. Sự giả dối thường giết chết nghệ thuật và khó ở lâu trong tâm hồn người thưởng thức. 

Có điều ít ai để ý rằng tất cả nét tài hoa, kiến thức uyên bác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cả đời chắt chiu nếu ông mất đi thì sẽ tiếc biết bao nhiêu!? Vì không như nhiều nghệ sĩ khác, nhạc sĩ không viết (hay có viết mà đến thời điểm này vẫn không thấy vì gia đình chưa công bố?) hồi ký hay ghi chép về mình. Thử nghĩ xem, biết bao trải nghiệm, dồn nén, tích lũy trong đời sống, sáng tạo thậm chí trong một tiếng đàn, trên một quãng lặng trên cây piano đâu phải ai cũng hiểu và thường có những cảm nhận khác nhau. Để cảm nhận tầm vóc của một nghệ sĩ lớn không chỉ qua lăng kính biểu diễn mà họ còn khắc ghi dấu ấn của chính mình trong những sáng tạo tác phẩm để lại cho cuộc đời.

Thật may mắn, khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nằm xuống thì đã thấy sự xuất hiện của người con trai tài hoa, nhạc sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Quang.

Nổi tiếng khó tính, “gay gắt” với âm nhạc gần như độc đoán để anh em trong giới phải dùng cái tên “Quang điên” để gọi anh. Nhưng phía sau chữ điên ấy là sự cảm phục, cảm mến của mọi người dành cho một tài năng “điên cuồng” vì âm nhạc, sống chết vì âm nhạc.

Nhạc sĩ Vũ Thành An (giữa)và vợ chồng nhạc sĩ, ca sĩ Nguyễn Quang - Chu Thị Hồng Anh 

Về tài năng Piano của Nguyễn Quang tôi nghĩ, có lẽ không có sự thuyết phục nào bằng cách hãy trích lại một nhận xét của nhạc sĩ Vũ Thành An từ cảm nhạc của riêng ông khi đã từng nghe từ tiếng đàn cha, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 người bạn tài hoa thuộc thế hệ ông, đến tiếng đàn người con, nhạc sĩ Nguyễn Quang, thế hệ nối. Trong một bức thư của ông gần đây công khai trên facebook, nhạc sĩ của những tình khúc bất tử thời trẻ như "Tình khúc thứ nhất", "Những bài không tên" và cuối đời với "Đời đá vàng" đã chân thành và nghiêm xác khi đặt bút viết:

“Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chắc đã rất hài lòng (…). Con hơn cha là nhà có phúc! Gia đình ông cũng thật có phúc vì đã có Nguyễn Quang, không những đàn piano còn giỏi hơn ông và lại vừa là nhà hòa âm xuất sắc” (Trích thư viết đề ngày 3.10.2017).

Nhạc sĩ, pianist Nguyễn Quang trong một đêm biểu diễn

***

Tôi bắt đầu được mời là cố vấn cho chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” thật tình cờ một buổi sáng cuối tuần được mời đến dự buổi ra mắt tác phẩm mới “Cám dỗ Việt Nam” (nxb. Hội Nhà Văn) của giáo sư tiến sĩ Triết học Nguyễn Hữu Liêm (Mỹ) tại Cà phê thứ Bảy. Giờ giải lao một cô gái xinh đẹp đến tìm tôi. Trên tay cô cầm cuốn “Guitar, Ánh sáng và Bóng tối” viết về những chân dung âm nhạc và giới thiệu 31 tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh. Cô giới thiệu mình đang làm ở Ban thực hiện chương trình ANVNNCD. Đọc cuốn sách của tôi, cô thực sự xúc động vì những câu chuyện tôi tái hiện lại trong đó khi viết về các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Trần Văn Khê, La Hối, Thanh Tùng, Phú Quang… Đó là một hành trình tiếp xúc “người thật việc thật” trong quá trình làm báo đài mà không phải cây bút nào cũng có thể có khả năng viết ra.

Và cô mời tôi cộng tác với chương trình như một diễn giả nói về một số ca khúc của các nhạc sĩ mà tôi có độ tương đắc và hiểu biết. Khi tôi quay chương trình đầu tiên nói về ca khúc “Còn một chút gì để nhớ” của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ nhà thơ Vũ Hữu Định mới biết anh Nguyễn Quang, Tổng đạo diễn đang ở Mỹ để quay hình một số các nhạc sĩ tên tuổi còn sống ở Hải ngoại để chuẩn bị cho “đường dài” sẽ đi của “Âm nhạc những chặng đường”. Khi tôi gửi tặng anh tập sách có viết về chân dung nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là qua thư ký của anh chứ chưa hề gặp mặt.

Rồi những buổi quay tiếp theo về các ca khúc nổi tiếng “Giáng ngọc, “Áo lụa Hà Đông” (phổ thơ Nguyên Sa) của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, “Đưa em tìm động hoa vàng” (phổ thơ Phạm Thiên Thư) của nhạc sĩ Phạm Duy, các nhạc phẩm của các nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Lê Uyên Phương... diễn ra khá suôn sẻ. Nói chung khá thú vị khi chúng tôi chỉ biết nhau qua công việc mà không có một mối quan hệ quen biết gì trước đó như nhiều người đã nghĩ.    

Nhạc sĩ, Pianist Nguyễn Quang (trái) chỉ đạo trong liveshow ca sĩ Quang Hà

Cũng từ góc độ của người có thể xem là "trong cuộc" khi từng tham gia trực tiếp vào vai trò cố vấn cho chương trình, tôi mới hiểu, chia sẻ với anh em khi theo dõi mỗi kỳ phát sóng của “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” mỗi chiều lúc 16h 25 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần để thấy những cái hay, độc đáo cũng như những trăn trở, khó khăn của chương trình.

Khó khăn đầu tiên phải nói là rất dễ bị nhàm chán. Thử nghĩ một chương trình phát gần như cả tuần, lặp đi lặp lại một hình thức, nói gần như một chủ đề thì làm sao thu hút được khán giả? Làm sao để mỗi chiều người xem có thói quen chờ đợi, bỏ hết công việc để ngồi vào mở ti-vi theo dõi? Nói vài nhận xét chủ quan thì thật dễ nhưng khi quan sát, nhập vào công việc mới thấy những khó khăn, thử thách của người thực hiện. 

Và thực tế chứng minh đã cho thấy nhạc sĩ Nguyễn Quang đã vượt qua, chứng minh tài năng của mình để cùng ê kíp những cộng sự làm cho chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" hấp dẫn ra sao?  

(Còn tiếp)

Sài Gòn, tòa soạn DDVN chiều 10.7.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh