Duyên Dáng Việt Nam

‘Về đây nghe em' của nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Tiếng ân tình nặng một đời người

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 21-05-2020 • Lượt xem: 6962
‘Về đây nghe em' của nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Tiếng ân tình nặng một đời người

"Về đây nghe em" chương trình Tác giả Tác phẩm giới thiệu những tình khúc hay nhất của nhạc sĩ Trần Quang Lộc sẽ diễn ra lúc 20h 30 tối thứ Sáu, ngày 22.5 tại phòng trà Nguyễn Ánh 9 (số 33/1 D - Đặng Văn Ngữ - Phú Nhuận - TP.HCM). Đặc biệt mang ý nghĩa "nặng ân tình" khi toàn bộ thành công, vật chất lẫn thông điệp nghệ thuật đều hướng người nhạc sĩ tài hoa đang bệnh nặng; mà theo thông tin từ gia đình cùng bạn bè là đang "tính từng ngày". Ông bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối, hiện sống Bà Rịa Vũng Tàu.

Tin và bài liên quan: 

Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

Chương trình "Âm nhạc VN, những chặng đường" gặp gỡ cuối năm

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ, chuyện kể đêm Giáng sinh

 

Thời gian réo gọi "Về đây nghe em"

Cách đây không lâu, giữa tháng 4, khi đang diễn ra căng thẳng cao trào dịch cúm Corona, tôi được nhà sưu tập Phương Chánh Hùng từ Nha Trang báo tin: nhạc sĩ Trần Quang Lộc trở bệnh đau nặng. Tình hình khá xấu, thậm chí có thể sẽ khó qua khỏi. Ai nghe tin ấy đều thấy buồn và lo lắng. Và chúng tôi hẹn nhau sẽ cố gắng "thu xếp" để cùng đi thăm anh Trần Quang Lộc sau dịch Covid-19.

Phải dùng chữ “thu xếp” là do chúng tôi người Nam kẻ Trung cũng khá trắc trở nếu muốn gặp nhau đầy đủ rất khó. Mà các anh nhạc sĩ thế hệ trước tuổi tác cao sức khỏe yếu, lúc nhớ lúc quên... hẹn cùng đi một lần thật là khó khăn. Vì thế cũng phải thu xếp và chuẩn bị. Nhóm "mấy anh em" bắt đầu từ ý tưởng của nhà sưu tập Phương Chánh Hùng. Đó là các nhạc sĩ Nguyễn Vũ, Y Vũ, Đài Phương Trang, Bảo Thu, Mạnh Quỳnh, ca sĩ Phương Dung, nhạc sĩ Nguyễn Quang - Chu Thị Hồng Anh, Nguyễn Hữu Hồng Minh… và một số anh chị em ca sĩ, nghệ sĩ piano, guitar, drum... nữa. Khi từ các nơi, chúng tôi tụ về trong một chương trình âm nhạc phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam do nhạc sĩ Nguyễn Quang là Tổng đạo diễn. Thật cám ơn chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” đã kết nối mọi người qua những công việc, trao đổi, gặp gỡ. Và dư âm tình người, tình nghệ sĩ còn lại!  

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (bìa trái) cùng các nhạc sĩ Y Vũ, nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Vũ, Đài Phương Trang, Mạnh Quỳnh... trong một gặp gỡ của chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" (Ảnh: ANVNNCĐ cung cấp)  

Không phải đến trường hợp của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, mà trước đó là nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng đã được ANVNNCĐ quay xong phần giới thiệu TGTP và ca khúc nổi tiếng "Thu hát cho người" của anh. Tôi nghĩ anh Vũ Đức Sao Biển ra đi trong lòng sẽ rất thanh thản vì những kiệt tác của anh đã được dựng lại rất công phu và bài bản bởi tâm hồn nghệ sĩ và tài hoa của nhạc sĩ Nguyễn Quang. Mới đây nhất, tôi được biết chương trình còn tài trợ, giúp đỡ cho phu nhân nhạc sĩ Giao Tiên. Năm nay bà đã 73 tuổi nhập bệnh viện ở Nha Trang. Và bà đã phải chịu chạy thận suốt đời. Đó là những ân tình cưu mang lẫn nhau đầy tình nghĩa của những tâm hồn nghệ sĩ trên con đường thăm thẳm khổ ải và thăng hoa cùng nghệ thuật.   

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (trái) và nhà sưu tập Phương Chánh Hùng. Anh cho biết trong bộ sưu tập âm nhạc đồ sộ của mình có nhiều tư liệu quý hiếm sưu tầm gần nửa thế kỷ về các bài hát của nhạc sĩ "Về đây nghe em". 

Được biết đêm nhạc "Về đây nghe em" toàn bộ chương trình được đầu tư bởi công ty Chu Thị cùng e kíp ca sĩ, nghệ sĩ đang thực hiện chương trình nổi tiếng được khán giả trong ngoài nước quan tâm trong thời gian gần đây là “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” phát sóng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần từ lúc 16h 25 trên kênh VTV3 và 18 h trên kênh VTV4 Đài truyền hình Việt Nam. Đến nay ê kíp thực hiện cũng đã giới thiệu gần 250 bài hát hay nhất của âm nhạc Việt Nam.

Vì cũng là nhạc sĩ được mời cố vấn cho chương trình, đôi khi có những nhận xét về sự ra đời của các tác phẩm, thời điểm lịch sử của bài hát cũng như phân tích từ góc độ chuyên môn sáng tác... nên tôi cũng đã theo dõi khá kỹ khối lượng đồ sộ các ca khúc mà ÂNVNNCĐ đã phát sóng thời gian qua. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã được ban biên tập chọn giới thiệu hai ca khúc nổi tiếng có thể xem là tiêu biểu cho sự nghiệp của ông đó là “Về đây nghe em” “Có phải em mùa thu Hà Nội”. Hai bản tình ca mỗi người yêu nhạc đều biết và nói không quá, là hai bài hát chịu được nhiệt và sống cùng thời gian.

Cũng từ cơ duyên này mà khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc lâm bạo bệnh, nhạc sĩ Nguyễn Quang, tổng đạo diễn chương trình, người tài hoa về hòa âm phối khí đã trực tiếp đứng ra thực hiện đêm nhạc “Về đây nghe em” của nhạc sĩ vào tối thứ Sáu, 22.5 tới. Với một không gian nghe nhạc được đầu tư khá hoàn hảo từ chất lượng âm thanh đến mỹ cảm, đến sắc nét từng chi tiết góc độ nghe nhìn… chắc chắn người thưởng thức sẽ có một đêm nhạc tuyệt vời với những tác phẩm xuất sắc nhất của cả một đời nặng lòng sáng tác như nhạc sĩ Trần Quang Lộc.  

Vài tìm hiểu, đánh giá bước đầu về hai ca khúc nổi tiếng phổ thơ của nhạc sĩ Trần Quang Lộc.


Đêm nhạc "Về đây nghe em" giới thiệu những bài hát hay nhất, làm nên tên tuổi nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Cũng là chương trình mơ ước cuối đời của ông như nhạc sĩ cho biết

Hai bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Quang Lộc đều là hai ca khúc phổ thơ. Đặc biệt hơn, đó là nhóm bạn thơ ở Đà Nẵng trước năm 1975. “Bài về đây nghe em” có tứ lấy từ bài thơ của nhà thơ A Khuê. Bài này nổi tiếng từ trước 1975. Người hát đầu tiên là ca sĩ Elvis Phương. Vào khoảng những năm 1998 đã xảy ra sự việc nhiều tờ báo lên tiếng nhạc sĩ đã “quên phần lời” vốn là một bài thơ chứ không phải do ông viết. Theo tìm hiểu của tôi, phần lời của bài hát là của nhà thơ A Khuê. Bài thơ có in trong một tập thơ khoảng năm 1968 có nhan đề “Vàng bay”. Thi phẩm này do nhà in Da Vàng xuất bản, giám đốc là ông Huỳnh Khanh. Nhà thơ, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn, con trai ông Da Vàng cho tôi biết. Hiện nay thi phẩm "Vàng bay" vẫn còn được bạn bè lưu giữ. 

Về sau A Khuê có in 1 thi phẩm “Lùa bò trong sương” (Nxb Trẻ) tập hợp nhiều bài thơ ông viết giai đoạn từ bỏ Đà Nẵng theo cơm áo về sống làm rẫy, nuôi bò ở Bình Phước. Và hình như cũng có in lại bài thơ xuất bản điểm để trở thành bài hát “Về đây nghe em” nổi tiếng này.

Bên người nhạc sĩ tài ba, may mắn lớn nhất đời ông là có người bạn đời chịu thương chịu khó (Ảnh: Lê Công Sơn) 

Bài hát “Có phải em mùa thu Hà Nội” cũng là một ca khúc hay nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thơ của nhà thơ Tô Như Châu. Bài này ly kỳ hơn là họ Tô viết bài thơ khi chưa từng ra Hà Nội và tất cả được viết bằng trí tưởng tượng. Bởi bài thơ hoàn thành trước năm 1975, vào một giai đoạn đất nước chia đôi từ vĩ tuyến 17. Sau này nhà thơ Tô Như Châu đã sống bằng nghề bỏ báo và ông có kể lại chuyện này cho nhà báo, nhà văn Trần Trung Sáng nghe. Ông mất cách đây 3 năm tại Đà Nẵng. Bài hát "Có phải em mùa thu Hà Nội" nổi tiếng nhờ tiếng hát của hai ca sĩ Hồng Nhung và Thu Phương những năm “Làn sóng xanh” nở rộ. Tôi nhớ không nhầm thì ngay từ khi Làn sóng xanh mở đầu, từ năm 1997 đã tạo ra những "dư chấn" cho bài hát vì số lượng người hâm mộ bài hát từ Nam chí Bắc. Để nhớ về kỷ niệm bài hát này đã từng góp phần làm nên tên tuổi của mình, ca sĩ Thu Phương (từ Mỹ) đã gửi tặng nhạc sĩ Trần Quang Lộc một khoản trợ giúp không nhỏ khi ông bắt đầu phát hiện mình mắc căn bệnh hiểm nghèo là ung thư.  


Ca sĩ Thu Phương, người hát rất thành công ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc 

Tuy nhiên, phải công bằng hơn cho nhạc sĩ Trần Quang Lộc là cả hai bài thơ của A Khuê và Tô Như Châu đều không xuất sắc để có thể đứng nguyên tác như trường hợp các bài quá dữ dội, quá siêu đẳng “Bên kia sông Đuống”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Màu tím hoa sim”… của các thi sĩ Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan. Và có thể kể thêm nhiều bài khác, nhiều trường hợp khác nữa. Nếu không được phổ nhạc và công sức của người nhạc sĩ làm lại phần lời rất nhiều (trên 80%) thì công chúng sẽ rất khó hoặc không ai biết đến. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc chỉ giữ lại ý và hồn thơ chứ không phổ nguyên tác. Và như vậy có nghĩa ông “tổng phổ” trong cái tôi “độc sáng”. Và cũng theo tìm hiểu của tôi, các ông là nhóm những người bạn từng chơi với nhau rất thân trước 1975 tại Đà Nẵng.  


Nhạc sĩ Nguyễn Quang, Tổng Đạo diễn, hòa âm phối khí, chỉ huy đêm nhạc "Về đây nghe em - Những tình khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc"

Thôi thì mong chờ vào thời gian gạn lọc để chỉ còn những gì đẹp đẽ nhất của tình bạn, từng sống, từng viết cho nhau và vì nhau. Và thời gian tôn vinh những tác phẩm, những sáng tác bất hủ!...

Và cũng mong mọi may mắn sẽ đến với người nhạc sĩ tài hoa Trần Quang Lộc. Để tiếng gọi “Về đây nghe em” “Có phải em mùa thu Hà Nội” không phải là những tiếng hư hồ…

Một ngày trước đêm nhạc "Trần Quang Lộc - Về đây nghe em" diễn ra. 

Sài Gòn, chiều 21.5.2020. 

Nguyễn Hữu Hồng Minh