Duyên Dáng Việt Nam

Nhiều di sản dân gian của Gia Định - Sài Gòn được tái hiện

Sky • 28-01-2019 • Lượt xem: 11763
Nhiều di sản dân gian của Gia Định - Sài Gòn được tái hiện

Nhiều tư liệu quý của vùng đất Gia Định - Sài Gòn đã được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ trong buổi giao lưu ra mắt cuốn sách Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức ngày 26-1, tại Đường sách TPHCM.

Tiếp nối nguồn mạch cảm xúc của thời điểm cuối năm ngoái, với cuốn sách Khảo luận về Tết. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ra mắt cuốn sách Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội.

Đây được xem như một công trình nghiên cứu công phu về các hình thức diễn xướng dân gian mà nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cùng nhóm nghiên cứu đã dày công điều tra theo phương thức điền dã trong suốt nhiều năm (từ 1980 đến 1990).

Việc tập sách Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội ghi nhận các hình thức diễn xướng dân gian ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, tức khuôn trong địa bàn TPHCM ngày nay có thể xem như một món quà từ quá khứ gửi đến thế hệ trẻ hôm nay.

Để viết cuốn sách nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng quyết định đi điền dã về Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Đước, Cần Giuộc, Trảng Bàng… Càng đi ông càng thấy có nhiều vấn đề mà mình không biết. Từ đó ông tiếp tục đi, tìm hiểu rồi gom lại xong về dư địa chí văn hóa. Sau đó, ông tiếp tục tìm hiểu về diễn xướng trong lễ hội, trong cung đình như thế nào; cúng miếu các nữ thần như thế nào.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ: “Trong các vùng của Gia Định - Sài Gòn thì riêng vùng Bính Chánh được xem là trọng điểm vì nơi đây có sự giao lưu rất lớn với các vùng khác như Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa (Long An), Nhà Bè… Ở Bình Chánh hò có bốn giọng: hò hòa hơ, hòa hòa hi, hòa mái ố, hò giọng đồng; lý ở đó cũng nhiều dạng. Trong khi các vùng khác nhơ Thủ Đức, Hóc Môn thì lại không có sự phong phú như vậy”.