Khám phá

Nhiều vụ 'sốc thuốc' chấn động tại các lễ hội âm nhạc

Nam • 20-09-2018 • Lượt xem: 1706
Nhiều vụ 'sốc thuốc' chấn động tại các lễ hội âm nhạc

Thiệt mạng  liên quan đến chất kích thích tại các lễ hội âm nhạc quy mô đã được ghi nhận khắp thế giới. Khi “phê”, khả năng người dùng chất kích thích bị lạm dụng, dẫm đạp và thậm chí là tự sát.

Trước đêm xảy ra vụ 7 thanh niên dương tính với ma túy bị thiệt mạng tại lễ hội âm nhạc điện tử "Du hành tới mặt trăng" ở Hà Nội. Ngày 15/9 tại chương trình âm nhạc Defqon 1 ở thành phố Sydney của Australia, hai bạn trẻ 9X thiệt mạng, 13 nạn nhân nhập viện và 700 người khác cần sự trợ giúp y tế. Tất cả bị "sốc thuốc".

Trước đó, vào tháng 2/2017, giới chức thành phố Melbourne (Australia) hốt hoảng vì 30 thanh niên đang vui vẻ tham dự lễ hội âm nhạc Electric Parade bỗng lăn đùng ra bất tỉnh và buộc phải được chăm sóc y tế khẩn cấp do sốc GHB (còn gọi là "nước biển") – một chất có tác dụng làm giảm nhịp tim, gây choáng váng, thậm chí ngất xỉu hoặc co giật. Nhưng họ vẫn thuộc dạng may khi qua cơn nguy kịch và sống sót.

Tại Argentina, Time Warp Festival 2016 diễn ra ở Buenos Aires bị hủy giữa chừng sau vụ sốc thuốc tập thể khiến 5 bạn trẻ từ 21-25 tuổi tử vong và 5 người khác "thập tử nhất sinh".

Thảm kịch tương tự xảy ra tại Future Music Festival Asia 2014, khi 6 nạn nhân chết do "sốc nhiệt” sau khi sử dụng các chất kích thích như thuốc lắc, ma túy đá... ngay giữa sân vận động quốc gia Bukit Jalil, phía nam thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Trang Billboard thống kê rằng chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, 15 trường hợp tử vong do liên quan đến chất kích thích tại các lễ hội âm nhạc quy mô đã được ghi nhận khắp thế giới.

Chi tiết hơn nữa, nghiên cứu của Sheila Turris và Adam Lund, hai tiến sĩ chuyên ngành Cấp cứu y khoa đến từ Viện đại học British Columbia, viện đại học lớn nhất thành phố Vancouver, Canada, cho thấy trong vòng 16 năm, tổng cộng 722 người đã thiệt mạng khi tham gia các lễ hội âm nhạc. 13% trong số đó chết do "sốc thuốc" trực tiếp.

Con số 13% thoạt trông có vẻ ít ỏi, nhưng nên nhớ rằng đó chỉ mới tính đến các vụ tử vong trực tiếp do sốc thuốc.

Chưa kể rằng khi “phê”, khả năng người dùng chất kích thích bị lạm dụng tình dục, dẫm đạp, tấn công bằng vũ lực... thậm chí tự sát hoặc tử vong vì nguyên nhân tự nhiên (đột quỵ, co giật, trụy tim...) trong lúc đang tham gia các sự kiện tập thể là có thật.