Duyên Dáng Việt Nam

Nhiều website Việt Nam đang trở thành mục tiêu tấn công của Hacker

Đ.V • 06-05-2018 • Lượt xem: 844
Nhiều website Việt Nam đang trở thành mục tiêu tấn công của Hacker

Trên không gian mạng đang tồn tại nhiều trang web Việt Nam bị tấn công, lợi dụng để thực hiện các hành vi gây mất an toàn thông tin.

Theo Vietnamplus, tin từ cục an toàn thông tin (bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, trên không gian mạng đang tồn tại nhiều trang web Việt Nam (gồm cả những website sử dụng máy chủ ở nước ngoài) bị tấn công, lợi dụng để thực hiện các hành vi gây mất an toàn thông tin.

Các hành vi này gồm phát tán thư rác, tấn công từ chối dịch vụ, cài đặt và phát tán các loại mã độc, lưu trữ các mã khai thác điểm yếu lỗ hổng tự động…

Trong khoảng thời gian từ 23/4 tới 29/4, cục an toàn thông tin đã ghi nhận ít nhất 339 đường dẫn (URL) trên các trang web tại Việt Nam bị tấn công.

Cuộc sống số - Nhiều website Việt Nam đang trở thành mục tiêu tấn công của Hacker

Nhiều website Việt Nam đang trở thành mục tiêu tấn công của Hacker. 

Thống kê số lượng theo tên miền cho thấy, tên miền .com bị tấn công nhiều nhất với 164 website, .vn là 60, .com.vn là 32, .edu.vn là 22, .net là 29 và 32 website có tên miền khác.

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng ghi nhận ít nhất 77 website đặt tại Việt Nam bị lợi dụng để tấn công lừa đảo (phishing)…

Người dùng cần phải cảnh giác với những trang web giả mạo để ăn trộm tài khoản, đặc biệt là các trang web giả mạo các ứng dụng, dịch vụ phổ biến như Facebook, PayPal, Dropbox…

Theo baodautu.vn, các cuộc tấn công mạng, thu thập thông tin người dùng, cài mã độc… đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng mạnh về quy mô lẫn số lượng, cũng như về mức độ nguy hiểm.

Ngoài việc doanh nghiệp tăng cường đầu tư bảo mật hệ thống, thì ý thức người dùng là vấn đề quan trọng.

Theo ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành công ty bảo mật SecurityBox, có những cách thức bảo mật thông tin, tài khoản mà nhiều người biết, nhưng không làm, hoặc lười làm, để rồi bỏ ngỏ sự an toàn của thông tin cá nhân. Ví dụ đặt mật khẩu dễ đoán (kiểu như 12345678), hay đặt cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản email, mạng xã hội.

Ngoài ra, nhiều người dùng tò mò bấm vào các đường dẫn giả mạo không rõ nguồn gốc từ người lạ, để rồi bị lừa mất tài khoản hoặc nhiễm mã độc.

“Người dùng cần có nhận thức đầy đủ về an toàn thông tin, cảnh giác và tạo được sự đề kháng khi tham gia các quá trình giao dịch, tương tác trên Internet, đặc biệt là ở môi trường mạng xã hội. Nên nhớ, các biến thể về virus máy tính, mã độc, hình thức lừa đảo… thay đổi hàng ngày, thậm chí là hàng giờ.