GIẢI TRÍ

Những bóng hồng trong đời cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (P.1)

Thiên Dung • 02-04-2019 • Lượt xem: 65763
Những bóng hồng trong đời cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (P.1)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không kết hôn với bất kỳ người phụ nữ nào nhưng ông lại yêu đến đớn đau, quên cả bản thân. Trong suốt cuộc đời, ông đã yêu và có cảm xúc với rất nhiều bóng hồng nhưng lại chưa bao giờ có một mối tình trọn vẹn. Và chính những cuộc tình dang dở ấy đã trở thành cảm hứng bất tận để người nhạc sĩ tài hoa sáng tác nên các nhạc phẩm bất hủ về tình yêu.

Chữ tình vận vào người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như máu thịt. Ông yêu nhiều nhưng không thuộc về riêng ai. Mỗi người phụ nữ đi qua cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh đều để lại dấu ấn đặc biệt. Thế nên, dù có lúc cô đơn, nhưng Trịnh Công Sơn chưa bao giờ cô độc. Ông tâm sự: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.

1. Ngô Vũ Bích Diễm

Đây là mối tình được cho là khắc cốt ghi tâm đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm 1960, ông gặp Bích Diễm – người con gái Huế dong dỏng cao, có nét mặt thanh tú và bước đi nhẹ nhàng. Hằng ngày, ông tìm đủ mọi cớ để được đứng trên lầu cao ngắm cô đi học về. Bích Diễm chính là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn sáng tác bài “Diễm xưa”, đi vào lòng công chúng yêu nhạc nhiều thế hệ. Bích Diễm biết tình cảm của nhạc sĩ họ Trịnh, tuy nhiên, cô bị cha ngăn cấm vì lúc đó, Trịnh Công Sơn chỉ là một anh nhạc sĩ quèn, không có bằng tốt nghiệp đại học. Bích Diễm đã rời bỏ tình cảm vừa nhen nhóm để vào Sài Gòn học.

"Diễm xưa"

Bà Bích Diễm (trái) trong một lần về Việt Nam

Ca khúc “Diễm xưa” không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được dịch ra tiếng Nhật với nhan đề Utsukushii mukashi, được Khánh Ly thể hiện ở Nhật Bản năm 1970. Bài hát được xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất trên kênh cáp của Nhật Bản năm 2004. “Diễm xưa” cũng là nhạc phẩm châu Á đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục về Văn hoá Việt và Âm nhạc. Bài hát còn được chọn làm bản nhạc chính cho một bộ phim của đài truyền hình NHK.

2. Ngô Vũ Dao Ánh

Dao Ánh là em gái của Bích Diễm. Sau khi biết chị mình chia tay với Trịnh Công Sơn, cô viết thư an ủi và chia sẻ cùng ông. Trịnh Công Sơn đã viết thư trả lời và mối duyên "tình chị duyên em" nảy sinh từ đó. Ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc hay cho Dao Ánh và gửi tặng kèm trong thư như Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Tuổi đá buồnTrong 4 năm yêu nhau, nhạc sĩ họ Trịnh đã viết cho Dao Ánh khoảng 300 bức thư, sau này được Nhà xuất bản Trẻ tập hợp thành sách “Thư tình gửi một người”, phát hành năm 2011, nhân 10 năm ngày mất của cố nhạc sĩ. Trong đó có những lời lẽ da diết như: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng... Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm...”.

Dao Ánh lúc trẻ

Sách "Thư tình gửi một người" xuất bản năm 2011

Dù rất yêu Dao Ánh nhưng sau đó, cuộc tình của họ cũng tan vỡ. Dao Ánh sang Mỹ tiếp tục học và lập gia đình nhưng bà vẫn giữ liên hệ thân thiết với người nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bà Dao Ánh trong những lần hội ngộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Năm 1993, sau gần 20 năm xa cách, Dao Ánh từ Mỹ trở về, có dịp hội ngộ Trịnh Công Sơn. Ông đã sáng tác bài “Xin trả nợ người” với ca từ sâu lắng như: “Hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi”. Bức thư cuối cùng gửi Dao Ánh được nhạc sĩ họ Trịnh viết khi nằm trên giường bệnh. Dù không thể cầm bút viết, nhưng ông vẫn nhớ tới Dao Ánh và nhờ người đánh máy gửi thư. Sau đó 3 tháng, ông trở về với “cát bụi”.

3. Ca sĩ Thanh Thúy

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp ca sĩ Thanh Thúy khi đang trọ học tại Sài Gòn. Đêm nào, ông cũng tìm đến phòng trà để nghe cô ca sĩ người Huế có chất giọng đặc biệt hát. Đó là chất giọng hơi khàn nhưng không đục, trộn lẫn giữa giọng Huế và Hà Nội. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn không dám thổ lộ, vì lúc đó ông chỉ là một anh học trò nghèo, nhút nhát, trong khi Thanh Thúy là ca sĩ đang nổi tiếng, nhiều kẻ đón người đưa.

Mỗi tối, nhìn theo bóng dáng người con gái mỏng manh đi hát về trên con đường vắng, ông đã cảm hứng sáng tác nên 2 ca khúc “Ướt mi” và "Thương một người”. Và mối tình câm ấy được Trịnh Công Sơn giấu kín, trở thành "nghi án" tình cảm với những người yêu quý, tìm hiểu nhạc Trịnh đến tận ngày nay.

(Còn tiếp)