Duyên Dáng Việt Nam

Những chiếc mặt nạ nghi lễ thần bí và kỳ dị nhất thế giới

Như Ý • 02-09-2020 • Lượt xem: 1033
Những chiếc mặt nạ nghi lễ thần bí và kỳ dị nhất thế giới

Mặt nạ nghi lễ là một phần đặc sắc phản ánh giá trị nhiều nền văn hóa cổ xưa. Tựa sách ảnh quý hiếm của nhiếp ảnh gia Chris Rainier lột tả dấu ấn rất riêng những chiếc mặt nạ lưu lại xuyên suốt ‘dòng chảy’ lịch sử nhân loại.

Niềm đam mê đặc biệt Chris Rainier dành cho mặt nạ nghi lễ bắt đầu giữa thập niên 1980, khi vị nhiếp ảnh gia kỳ cựu chạm trán thành viên một bộ lạc bản xứ ở New Guinea, người có diện mạo ấn tượng tô điểm bởi lông vũ từ giống chim thiên đường nổi tiếng khắp nước Úc.

Cuộc gặp gỡ với người đàn ông kỳ lạ đeo mặt nạ đính lông chim kết thúc trong ôn hòa, duy lại khiến Rainier nhen nhóm ý tưởng thực hiện một series ảnh kéo dài hơn 3 thập niên tiếp theo. Từng trải qua 10 năm trước đó ghi hình đời sống văn hóa, phong tục những tộc người bản địa trên hòn đảo châu Úc, Rainier, có thể nói, đã bị ‘mê hoặc’ hoàn toàn.

“Tôi quyết định lần theo ‘dấu tích’ những thiết kế mặt nạ truyền thống khắp thế giới”, nhiếp ảnh gia 61 tuổi chia sẻ cùng phóng viên CNN năm 2019.  

Đó là điều ông đã làm suốt gần 40 năm, ghi lại ảnh chân dung những pháp sư Mông Cổ, những thầy tu Bhutan, và tất cả những người đeo mặt nạ truyền thống khắp 6 châu lục. Quyển sách ảnh được Rainier dày công biên soạn, có tựa đề đơn giản ‘Mask’ (‘Mặt nạ’), tổng hợp hơn 130 bức ảnh sống động cho thấy vẻ lôi cuốn lạ lùng của đa dạng thiết kế mặt nạ lễ hội, mặt nạ tôn giáo cổ xưa.

Được sử dụng trong nghi lễ kết nạp (đạo giáo), đám cưới, lễ trưởng thành (nghi lễ đánh dấu một ‘cột mốc’ tuổi đời) – thường bởi những ai tin vào sự liên kết với thế giới tâm linh – chiếc mặt nạ có thể đại diện cho thần linh, tổ tiên hoặc một loài vật linh thiêng.

Một số mặt nạ có tạo hình dễ nhìn, nhưng phần lớn xuất hiện nơi bộ sưu tập ảnh độc đáo của Rainier là những mặt nạ dị thường, thậm chí gây kinh sợ -- loại mặt nạ biểu trưng cho quỷ dữ, quái vật tàn ác trong truyền thuyết.  

Dự án chủ yếu tập trung khai thác khía cạnh văn hóa ít được biết đến của những dân tộc, bộ lạc vẫn đang sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên vài tác phẩm chân dung giới thiệu trang phục và mặt nạ truyền thống khá quen thuộc: mặt nạ chiến binh samurai Nhật Bản, hay thiết kế mặt nạ đầu lâu sặc sỡ xuất hiện tại Lễ hội Người chết nổi tiếng của Mexico.

Trong hành trình tác nghiệp, Rainier từng đặt chân đến vùng quê hoang sơ tại Áo, nơi diễn ra sự kiện ngày hội vinh danh Thánh Nicholas, cũng chính là vùng đất sản sinh chiếc mặt nạ quỷ ‘krampus’ (sinh vật nửa quỷ nửa dê đáng sợ, được đề cập trong đức tin đạo Cơ-đốc và cả tà giáo phương Tây).

Chủ trương duy nhất Rainier tuân thủ, là đảm bảo chỉ ghi hình những chiếc mặt nạ vẫn được sử dụng đến tận ngày nay: “Tôi muốn nhấn mạnh với độc giả rằng, chúng vẫn đang ‘sống’, đang tồn tại trong những nghi lễ tôn giáo hiện thời”, ông lý giải. “Chúng không phải những miếng gỗ, mảnh vải được tạo tác chỉ để đặt cố định đằng sau tấm kính bảo quản của một viện bảo tàng”.

Có thể sống động, cuốn hút, thế nhưng rất nhiều dạng nghi lễ truyền thống được nhắc đến thông qua bộ sưu tập ảnh, đang đứng trước nguy cơ suy tàn. Rainier cho biết, thực hiện dự án này, với ông hệt như “tham gia một cuộc đua gấp rút chống lại thời gian, khi đời sống hiện đại – như cơn bão lớn – đang càn quét mọi ngõ ngách trên trái đất”.

“Vai trò một nghệ sĩ nhiếp ảnh, ở đây, là để lưu giữ vẻ đẹp truyền thống”. Rainier bày tỏ. “Duy không đơn thuần vì hậu thế, mà vì khả năng, ngày nào đó trong tương lai, một người trẻ sẽ vô tình nhìn qua những bức ảnh và trông thấy chính cha ông họ khoác lên bộ trang phục truyền thống, mang chiếc mặt nạ, thể hiện một điệu nhảy cho một nghi lễ có thể khi ấy đã biến mất vĩnh viễn. Và biết đâu, họ sẽ muốn khoác lên người chiếc áo và mặt nạ kia để nhảy múa lần nữa”.

“Nhiếp ảnh có thể mang trong nó sức mạnh hồi sinh, giữ gìn và lan tỏa những giá trị truyền thống”.

Khác biệt về chủ đích thẩm mỹ trong thiết kế lẫn chức năng sử dụng, nhưng những chiếc mặt nạ vẫn ẩn hiện không ít điểm chung. Mọi loại mặt nạ truyền thống đều có sự kết nối với thiên nhiên, Rainier ghi nhận. Tính kết nối có thể rất trực diện (mặt nạ gấu tại Canada, mặt nạ hình quạ ở Alaska, mặt nạ bươm bướm của Burkina Faso,..), hoặc mang thông điệp tâm linh phức tạp hơn.

“Từ thuở sơ khai, nhân loại đã đeo mặt nạ. Những chiếc mặt nạ biểu đạt cách chúng ta sống cùng thế giới tự nhiên, tôn thờ cũng như e sợ thiên nhiên”, Rainier nói.

Ngày nay, việc mặt nạ được sử dụng rộng rãi trong mọi nền văn hóa, tôn giáo, lãnh thổ đồng thời cho thấy một mối liên kết, tương đồng thú vị ở loài người. Rainier lấy ví dụ về những chiếc mặt nạ Halloween vốn rất phổ biến trên thế giới. Ông nhận định, “dù mang ý nghĩa tinh thần cụ thể ra sao, mặt nạ cho phép phần ‘người’ trong mỗi chúng ta trở nên sâu sắc hơn”.

Series ảnh của Rainier, dẫu vậy, tập trung phản ánh tính chất những thiết kế mặt nạ, hơn là người đeo chúng.

“Tôi cố gắng lột tả phần ‘hồn’ của chúng -- để truyền đạt đến người xem một cảm giác riêng biệt về sự linh thiêng, về vai trò và dụng ý tâm linh nơi mỗi loại mặt nạ”, ông giải thích.

Một số tác phẩm, thường bao trùm trong bối cảnh thiên nhiên, đôi lúc đem lại cảm nhận kịch tính, gần như ‘lạnh gáy’. Một chiếc mặt nạ xuất hiện giữa trung tâm, bao quanh là mảnh đất trống trãi dài, cùng áng mây xám vần vũ phía sau tạo dấn ấn đen tối, tách biệt nơi những chi tiết hiện diện trên ảnh.

Tuy nhiên, Rainier tiết lộ, mối quan hệ ông xây dựng với những chủ thể trước ống kính đều trong bầu không khí thân thiện và ôn hòa. Đôi khi phải mất hàng năm liền, với nhiều chuyến viếng thăm, trò chuyện, thậm chí đích thân tham dự nghi lễ cổ truyền, để có được sự tin tưởng cần thiết.

“Đôi lúc tôi đắm mình trong một không gian, một vùng đất, đủ để đặt máy ảnh xuống và cùng nhảy múa tại buổi lễ như mọi người xung quanh”, Rainier kể.

“Tôi nghĩ là nhiếp ảnh gia, tôi đến đó để bấm máy và chụp ảnh, duy nó không hề mang tính nghĩa vụ. Bạn luôn có thể bị cuốn theo cảm xúc, sự phấn khởi trước những vùng đất, con người”.

 

 

 

 

Tag: