Duyên Dáng Việt Nam

Những dấu hiệu cảnh báo về bệnh ung thư cổ tử cung

Phúc Minh • 25-10-2019 • Lượt xem: 3952
Những dấu hiệu cảnh báo về bệnh ung thư cổ tử cung

Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo Ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Những con số trên như hồi chuông cảnh báo để chị em phụ nữ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình.

Tại Việt Nam mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh. Là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả, tuy nhiên nhiều người chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm nên phát hiện bệnh muộn, giảm hiệu quả điều trị.

Trước đây người ta thường nghĩ 40 – 50 mới có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Trên thực tế, mọi phụ nữ đều có nguy cơ khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Đây là căn bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ Việt độ tuổi 15 – 44.

Vì thế, việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ, cùng với tiêm phòng vắc xin, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung”.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là rất nhiều chị em e ngại khi đi khám phụ khoa. Nhiều người quan niệm “đang yên đang lành” sao bỗng dưng đi khám. Họ chỉ đến viện khi đã bắt đầu có dấu hiệu như ra máu khi quan hệ tình dục, khi bị mắc bệnh lý viêm đường sinh dục dẫn đến khí hư nhiều, rong kinh… rồi “tiện thể” khám khi bác sĩ tư vấn.

"Không ít trong số đó được phát hiện ung thư cổ tử cung đã ngỡ ngàng, oà khóc... vì thâm tâm họ chỉ cho rằng bản thân chị viêm nhiễm phụ khoa thông thường. Việc khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần với nhiều người là điều "xa xỉ" vì họ cho rằng "phần phụ" chỉ mắc các bệnh thông thường", một bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ.

10 dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Có bất cứ 1 trong 10 biểu hiện nào dưới đây, chị em cần đi khám sớm nhất có thể:

  • Ra máu âm đạo bất thường.
  • Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
  • Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
  • Đau tức vùng bụng dưới
  • Tiểu nhiều, khó chịu khi đi tiểu.
  • Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.
  • Kinh nguyệt kéo dài, không đều.
  • Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân
  • Đau chân
  • Liên tục mệt mỏi

Chuyên gia khuyến cáo, các chị em phụ nữ cần tạo thói quen đi khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ hằng năm và làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Đây là xét nghiệm tìm kiếm những tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung, là những tế bào bắt đầu có những biến đối đầu tiên và chúng ta có thể bắt đầu tầm soát xét nghiệm này từ tuổi 21.

Ngoài xét nghiệm PAP, nên làm thêm xét nghiệm tìm vi rút HPV ở cổ tử cung (HPV test) vì đây là nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung. Nếu xét nghiệm PAP bình thường, nguy cơ biến đổi tế bào để xuất hiện ung thư cổ tử cung là rất thấp. Nếu cả hai xét nghiệm bình thường thì chỉ cần làm lại các xét nghiệm sau mỗi 3 năm.

Ngoài ra, bệnh ung thư cổ tử cung đã có thể phòng ngừa với vắc xin phòng cả 4 tuýp nguy cơ của vi rút HPV dành cho phụ nữ từ 9-26 tuổi. Vì vậy, trẻ em gái từ khi chưa có quan hệ tình dục, bắt đầu tròn 9 tuổi đã có thể tiêm để phòng nguy cơ.