Sợ việc, vô cảm, rối loạn giấc ngủ, thường xuyên lo âu, căng thẳng quá mức khi nghĩ tớ công việc… đó là những cảm giác rất nhiều người trẻ đang phải trải qua trong guồng quay điên cuồng của công việc, khi áp lực bị đào thải đè nặng lên tâm lý của họ.
Nguyên nhân trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học. Bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên do một yếu tố tâm lý nào đó tạo thành những biến đổi bất thường trong suy nghĩ hành vi.
Trong môi trường làm việc, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 20% nhân viên bị trầm cảm. Chứng trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi ngành nghề và mọi nhân viên, không phân biệt cương vị hay cấp bậc.
Một số nguyên nhân thường dẫn đến trầm cảm trong công việc đó là:
Về khách quan:
+ Công việc quá nhiều, vượt quá năng lực của bản thân.
+ Bị đồng nghiệp ghen ghét, cấp trên soi mói, cô lập tại nơi làm việc
+ Năng lực và sự cố gắng không được ghi nhận, thậm chí bị phủ nhận, cướp công nhưng không được bênh vực, bảo vệ…
Về chủ quan:
+ Người có tâm lý yếu, tự ti, rụt rè
+ Bản thân có những sở thích, hành vi, lời nói khác biệt với mọi người, tính cách không hoà đồng...
Trầm cảm ảnh hưởng đến năng suất lao động, khả năng phán đoán và giao tiếp. Người bị trầm cảm không tập trung và chú ý đúng mức vào công việc, không thể phán đoán và ra quyết định nhanh chóng, từ đó dễ dẫn đến tai nạn lao động và gây ra nhiều thiệt hại cho công ty.
Những dấu hiệu phổ biến cảnh báo trầm cảm
+ Rối loạn giấc ngủ: Giấc ngủ phản ánh sức khỏe tinh thần của một người. Người bị trầm cảm có thể rơi vào hai trạng thái: ngủ nhiều hoặc mất ngủ triền miên. Ngủ nhiều là một cách mà những người trầm cảm trốn tránh nỗi buồn. Giấc ngủ trở thành nơi để họ ẩn náu mình khỏi sự tuyệt vọng. Một số người bị trầm cảm thường bị mất ngủ do tâm trạng luôn bồn chồn, bứt rứt, ngủ không yên giấc. Rối loạn giấc ngủ không chỉ là dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh trầm cảm mà còn là tác nhân khiến nó trầm trọng hơn.
+ Căng thẳng, lo lắng quá mức: Một đặc điểm nhận biết của căn bệnh trầm cảm là cản giác căng thẳng, lo lắng thái quá. Người bệnh luôn trong tình trạng chán nản, buồn phiền, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh, luôn giữ khoảng cách, đề phòng với đồng nghiệp, bạn bè. Đây cũng là nguyên nhân khiến những người trầm cảm ngày càng thu mình lại và trở nên lạc lõng, cô độc giữa cơ quan.
+ Cảm thấy có tội, vô dụng hay không ai có thể giúp đỡ: Những người bị trầm cảm thường xuyên cảm thấy bản thân vô dụng, không có hứng thú làm việc. Liên tục hạ thấp mình, luôn so sánh với người khác và tự đưa mình vào trạng thái mệt mỏi do lấn sâu vào cảm giác tự ti vì mình vô dụng, không đáng để sống và luôn mong muốn được chết để giải thoát khỏi cảm giác ấy. Người bệnh không tin tưởng bất cứ ai, và hay cường điệu lỗi lầm của mình, họ cho rằng những vấn đề mình gặp phải rất nghiêm trọng, không ai có thể giúp đỡ.
+ Mất tập trung, không quan tâm đến hiệu quả công việc: Người trầm cảm thường chìm trong dòng suy nghĩ buồn bã, lo lắng. Đôi khi, họ cảm thấy hoàn toàn trống rỗng, không quan tâm đến người khác và cũng không tập trung vào công việc. Một vài biểu hiện bên ngoài như thường xuyên trễ giờ, quên công việc, không đưa ra được quyết định… Sự kém tập trung sẽ gây ra những quyết định sai lầm hoặc là tiền đề cho những hành vi nguy hiểm, không thể kiểm soát.
+ Lo sợ bị đồng nghiệp hại: Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh trầm cảm đã trở nên trầm trọng hơn. Khi những biểu hiện căng thẳng, mất ngủ, sự không tập trung… xuất hiện kéo theo kết quả công việc tệ hại, đồng nghiệp chú ý và bàn tán về những biểu hiện bất thường. Điều này làm nảy sinh tâm lý tự vệ, lo sợ bị người khác làm hại, ác cảm với những người xung quanh, cho rằng họ đang nói xấu về mình.
+ Dễ bị kích thích: Do luôn chìm trong suy nghĩ buồn phiền, lo lắng, lo sợ người khác hãm hại nên người bệnh rất nhạy cảm. Họ thường có phản ứng mạnh mẽ khi cấp trên nhắc nhở hoặc đồng nghiệp góp ý. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh không phân biệt được sự quan tâm và soi mói, chê trách. Họ dễ dàng quy chụp sự giúp đỡ can thiệp của những người xung quanh là đang gây khó dễ, kỳ thị họ nên phản ứng khá mạnh mẽ.
+ Nảy sinh ý nghĩ tiêu cực về cái chết: Đây là dấu hiệu báo động mức độ nguy hiểm của bệnh. Nếu không được điều trị đúng cách, lâu dài người trầm cảm dễ có những suy nghĩ tiêu cực về cái chết để giải thoát bản thân, thậm chí gây tổn hại đến những người xung quanh.
Để đối phó với căn bệnh trầm cảm, trước hết hãy yêu thương, trân trọng bản thân mình. Dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng. Tìm cho mình những người bạn tâm giao, tin cậy để tâm sự chuyện cơ quan… Thường xuyên tự kiểm tra bản thân bằng 3 câu hỏi sau:
1. Dạo này có hay trong trạng thái bồn chồn lo lắng?
2. Dạo này có trải qua cảm giác bị căng thẳng quá mức?
3. Dạo này có thường xuyên cảm thấy buồn và bế tắc?
Nếu câu trả lời là “có” hãy nghiêm túc nghĩ đến việc gặp bác sĩ tâm lý để khẳng định tình trạng của bản thân và có biện pháp can thiệp sớm.