Kiến, gián, chuột, luôn là nỗi kinh hoàng của mọi bà nội trợ. Trong khi một số người chịu “sống chung với lũ”, thì phần lớn tìm mọi cách để tiêu diệt chúng. Và một trong các cách được ưa chuộng, đó là sử dụng thuốc xịt côn trùng. Vậy, sử dụng thuốc xịt côn trùng cần lưu ý những gì? Lợi hay hại? Chúng ta cùng tìm hiểu về vấn đề này.
Thành phần của thuốc xịt côn trùng gồm những gì?
Đã bao giờ bạn phân vân rằng trong thuốc xịt côn trùng gồm có những thành phần gì? Bạn đừng nghĩ rằng đó là vấn đề của nhà sản xuất, còn chúng ta chỉ việc sử dụng nó. Việc biết thành phần gì của thuốc sẽ giúp mọi người biết rằng thuốc có hại đối với con người hay không.
Thị trường có vô vàn các loại thuốc xịt côn trùng, nhưng hầu hết chúng đều có thành phần hoạt chất tương tự nhau, bao gồm: Tetramethrin, Cypermethrin, Iminoprothrin, Prallethrin (những chất hóa học tổng hợp thuộc nhóm Pyrethroids) hay Propoxur (nhóm Carbamate). Trong đó, Propoxur khiến Cholinestarase ở công trùng (kể cả người) bị ức chế, và dẫn tới hệ thần kinh tự chủ sẽ hoạt động quá mức, không kiểm soát được, cuối cùng tử vong.
Thuốc xịt côn trùng có an toàn không?
▪ Mặc dù thử nghiệm cho thấy thuốc diệt côn trùng nói chung là an toàn, nhưng nó có thể gây kích ứng da, đau đầu và buồn nôn cho những người nhạy cảm.
Kenneth Spaeth, MD, Giám đốc Trung tâm Y học Nghề nghiệp và Môi trường tại Bệnh viện Đại học North Shore, New York, cho biết trẻ em có xu hướng nhạy cảm hơn với tác động độc hại của các chất hóa học. Điều này là do cơ chế bảo vệ của trẻ chưa phát triển đầy đủ. “Thêm vào đó, hành vi của chúng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trẻ em dành nhiều thời gian hơn trên sàn nhà, gần các khu vực tích tụ nhiều bụi và trẻ em có xu hướng tham gia vào các hoạt động tay-miệng nhiều hơn”
▪ Theo Chương trình Giáo dục An toàn Thuốc trừ sâu của Hợp tác Mở rộng Đại học Cornell thì tác dụng của thuốc diệt côn trùng, phụ thuộc vào 2 yếu tố: liều lượng và thời gian. Điều này có nghĩa là nguy cơ nhiễm độc của con người liên quan trực tiếp đến lượng hóa chất độc hại mà chúng ta tiếp xúc và thời gian tiếp xúc đó kéo dài trong bao lâu.
Liều lượng là lượng hóa chất mà một người hoặc động vật tiếp xúc. Thời gian đo thời gian tiếp xúc. Khi kết hợp với nhau, hai yếu tố này quyết định nguy cơ nhiễm độc của bạn.
Các cách mà chất độc xâm nhập vào cơ thể của bạn bao gồm qua da (da), hệ thống hô hấp của bạn (hít thở), hoặc qua đường ăn uống (miệng). Nếu bạn nhận được một liều lượng lớn trong một thời gian ngắn, thì bạn có thể bị phơi nhiễm cấp tính (tức là phơi nhiễm nặng). Nếu bạn nhận liều lượng nhỏ trong một thời gian dài, thì bạn sẽ bị phơi nhiễm mãn tính (tức là phơi nhiễm dai dẳng).
Hãy xem xét một số tình huống trong thực tế. Bạn phát hiện ra một ổ gián khủng khiếp, chẳng hạn như gián trong phòng của con mình. Và bạn sử dụng bình xịt côn trùng nhằm tiêu diệt những vị khách không mời này đi. Nhưng con bạn vô tình lạc vào không gian ngay sau khi xịt thuốc. Điều đó sẽ dẫn đến phơi nhiễm cấp tính.
Ngược lại, nếu sau khi phun thuốc xịt côn trùng, bạn đảm bảo giữ cho con mình ở bên ngoài trong suốt quá trình phun và sau đó một thời gian. Con bạn sẽ chỉ phải tiếp xúc với liều lượng nhỏ hơn nhiều của hóa chất, đây là phơi nhiễm mãn tính.
Vậy thì, lựa chọn bình xịt an toàn không thôi chưa đủ. Chúng ta cần phải lưu ý về mặt liều lượng và thời gian để giảm được sự độc hại của thuốc đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.
Thuốc xịt côn trùng tồn tại bao nhiêu lâu sau khi phun?
Bạn có tin rằng, theo một nghiên cứu mới, các hóa chất hoạt tính trong thuốc xịt côn trùng có thể tồn tại hơn một năm trong nhà, và điều đó có thể gây rắc rối cho gia đình bạn.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Lia Nakagawa tại Viện Sinh học ở Brazil, được công bố trên tạp chí Environmental Toxicology and Chemistry cho thấy pyrethroids, một loại thuốc diệt côn trùng phổ biến được sử dụng ở nồng độ thấp để xua đuổi côn trùng, có thể tồn tại trong bụi nhà đến một năm. Còn khi phun ngoài trời mưa nắng, vi sinh vật sẽ phân hủy hóa chất.
Điều này nghe có vẻ trái ngược với những gì mà người tiêu dùng thường nghĩ. Chúng ta lầm tưởng rằng sau khi xịt thuốc diệt côn trùng, nhà cửa sẽ trở lại bình thường sau vài tiếng và chúng ta có thể tuyệt đối an toàn sau vài tiếng đó. Chúng ta đã không nghĩ rằng, thuốc có thể tồn tại trong nhà lâu đến như thế.
Các triệu chứng của ngộ độc thuốc diệt côn trùng
Theo các nhà nghiên cứu, việc hít vào một liều lượng đáng kể thuốc diệt côn trùng (30ml trở lên) có thể đe dọa tính mạng. Nếu sau khi phun thuốc côn trùng, bạn hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình có các triệu chứng sau đây, tức là đã bị ngộ độc:
▪ Đau đầu, nôn mửa, co giật cơ, chóng mặt hoặc kích ứng mắt, mũi hoặc cổ họng (việc hít phải hóa chất gọi là pyrethrins, được tìm thấy trong nhiều loại thuốc diệt sâu bọ, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp)
▪ Ngứa, nổi mẩn đỏ trên da, tụt huyết áp, lờ đờ, hôn mê (thuốc kích thích phế quản tiết dịch và gây co thắt cơ trơn dữ dội, tác động ức chế hệ thần kình trung ương)
▪ Nhịp tim chậm, người tiếp xúc thuốc có thể ngất xỉu, khó thở, tím tái, mờ mắt, hoa mắt.
Để biết được bạn hoặc người nhà có gặp những triệu chứng trên không, cần theo dõi sức khỏe sát sao. Đặc biệt, với trẻ em.
Xử lý như thế nào khi bị ngộ độc thuốc diệt côn trùng?
Nếu gặp những triệu chứng biểu hiện bị ngộ độc thuốc diệt côn trùng, không được tự ý điều trị tại nhà mà phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế, bệnh viện.
Bạn cũng cần phải giữ và mang bình thuốc diệt côn trùng để nhân viên y tế kiểm tra các thành phần có trong thuốc, biết được đâu là hoạt chất gây ngộ độc.
Nếu để thuốc tiếp xúc qua da, qua mắt thì cần rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch. Còn nặng hơn là tiếp xúc bằng đường thở, thì cần sự can thiệp của y tế. Đừng để không được điều trị kịp thời, nạn nhân sẽ nhanh chóng tử vong.
Mẹo giảm nguy cơ ngộ độc thuốc diệt côn trùng
▪ Tránh phun thuốc diệt côn trùng bừa bãi
▪ Bảo quản thuốc diệt côn trùng ở những nơi an toàn mà trẻ em và vật nuôi không thể tiếp xúc với chúng.
▪ Chọn gel hoặc chất rắn thay vì thuốc xịt
▪ Cách ly hoàn toàn trẻ em khỏi khu vực hoặc nhà trong khi xịt thuốc côn trùng.
▪ Lau chùi sạch sẽ khu vực được phun thuốc sau khi đã qua một thời gian thích hợp.
▪ Có thể lựa chọn thay thế các phương pháp an toàn hơn bao gồm bả bẫy mồi và bẫy băng dính.
▪ Phòng ngừa côn trùng bằng cách bịt kín các vết nứt, hút bụi thường xuyên và không để thức ăn bừa bãi ở ngoài.
Khi sử dụng bình xịt cần lưu ý điều gì?
▪ Thuốc diệt côn trùng chỉ nên được sử dụng trong nhà như một biện pháp cuối cùng. Khi chọn thuốc diệt côn trùng để sử dụng trong nhà, hãy lựa chọn các thương hiệu uy tín, đọc kỹ nhãn sản phẩm và làm theo hướng dẫn trên nhãn thuốc một cách cẩn thận.
▪ Tuyệt đối không sử dụng bình xịt côn trùng ỏ gần có khu vực có lửa, vì nhóm Pyrethroids hay nhóm Carbamate có trong thuốc xịt là những dung môi dễ bén lửa, gây hiện tượng cháy nổ, nguy hiểm cho người dùng.
▪ Giữ trẻ em ở ngoài khu vực phun thuốc cho đến khi thuốc phun khô và phòng thông thoáng.
▪ Sử dụng khẩu trang và đeo găng tay khi dùng bình xịt thuốc.
▪ Khi sử dụng thuốc xịt côn trùng cần phải che đậy kỹ đồ ăn thức uống, đồ đạc trong nhà cẩn thận.
▪ Bảo quản thuốc diệt chỗ khô thoáng, tránh xa các gầm tủ bếp ga, và tránh xa tầm tay trẻ em.
▪ Không sử dụng các bình xịt hết hạn sử dụng, hoặc thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái.
▪ Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi phun thuốc, không đập vỡ hoặc ném bình vào lửa (ngay cả khi bình đã hết), không vứt bình xịt xuống sông suối.