Làn sóng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và sự xâm nhập sâu rộng của nó trong mọi ngành nghề không còn chỉ là dự đoán.
Sự xâm chiếm mạnh mẽ của nó vừa là cơ hội cho nhiều người, nhưng cũng là thách thức với những người không thể hòa nhập. Cùng tìm hiểu bài học từ Singapore để thấy được những gì rất có thể sẽ là tương lai của Việt Nam, với những con người bị bỏ lại phía sau công nghệ và những giải pháp nào đã giúp họ vượt qua.
Dù những thách thức công nghệ diễn ra không chỉ tại Singapore, nhưng tầm quan trọng của việc thích ứng với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ đã và đang hiển hiện rất rõ tại đất nước này. Đó là do xu hướng thay thế lao động con người bằng máy móc ngày một phổ biến, nhất là khi giá lao động tại đây cao hơn nhiều nước Châu Á khác. Đó cũng chính là lý do khiến các công ty phải tìm giải pháp công nghệ thay thế cho lao động con người giá cao. Ngoài ra, Singapore còn theo đuổi tham vọng Quốc gia thông minh với nhiều hoạt động sản xuất nâng cao và nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Tham vọng theo đuổi mục tiêu trở thành Quốc gia thông minh của Singapore, hình ảnh thể hiện mong muốn ứng dụng công nghệ sâu rộng trong mọi mặt cuộc sống của nước này. Nguồn: Temple University.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm ngoái tuyên bố rằng thị trường lao động Singapore sắp phải đối mặt với mức độ cao nhất của việc thay thế lao động chân tay bằng máy móc vào thế kỷ tới. Ngoài ra, nghiên cứu này còn tìm hiểu tác động của trí tuệ nhân tạo lên công nhân tại 6 nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó Singapore chịu sự chênh lệch lớn nhất giữa kỹ năng hiện có của công nhân và kỹ năng những loại công việc hiện tại yêu cầu.
Theo dự đoán của Cisco, Trung tâm dự báo kinh tế của Đại học kinh doanh Oxford, trước năm 2028, công việc của khoảng 20,6% lực lượng lao động toàn thời gian tại Singapore sẽ bị thay thế bởi máy móc. Con số này cao hơn con số 13,8% tại Việt Nam, 11,9% tại Thái Lan, 10,1% tại Philippines, 8,1% tại Indonesia và 7,4% tại Malaysia.
Làn sóng thay thế con người bằng công nghệ này vấp phải sự lo ngại từ người dân Đảo quốc sư tử. Theo lời của Thành viên quốc hội Seah Kian Peng, Chính Phủ không nên theo đuổi những chính sách mù quáng mà cần ưu tiên con người trước, công nghệ sau. Bản thân ông Seah, CEO của một chuỗi siêu thị NTUC FairPrice cũng đề nghị phòng nhân sự của tập đoàn hành động theo lời kêu gọi “luôn nhớ rằng chúng ta đang làm việc với con người”.
Tuy nhiều công ty đã có những nỗ lực vì nhân viên như vậy, những người không quen thuộc với công nghệ vẫn cảm thấy sợ hãi khi phải thay đổi. Với họ, tương lai quá bấp bênh, ngay cả khi các nhà kinh tế học khẳng định sẽ luôn tồn tại những công việc ít đòi hỏi công nghệ như phục vụ hay dọn dẹp. Tuy nhiên, sự lựa chọn công việc sẽ rất hạn chế cho những người trên 50 tuổi.
“Chúng tôi đã quá già”
Khi được phỏng vấn về việc sử dụng công nghệ trong công việc, ông Hassan Rahman, nhân viên vệ sinh 62 tuổi tại công ty Our Tampines Hub cho biết, ông thích dùng cây lau nhà hơn máy vệ sinh công nghiệp. Việc sử dụng những thiết bị như vậy đòi hỏi ông phải biết cách vận hành máy cũng như các bộ phận của nó. Ông cho rằng mình đã quá già để học những thứ như vậy và làm việc với cây lau nhà vẫn tốt hơn.
Với diện tích lớn, trung tâm thương mại Our Tampines Hub đòi hỏi việc sử dụng những máy móc vệ sinh công nghiệp hiện đại thay vì sức người và dụng cụ vệ sinh truyền thống. Nguồn: Driven&Design.
Bà Hun Peck Kien, 69 tuổi, nhân viên lau dọn tại công ty Nick Cleaning Services thì cảm thấy công nghệ không mang lại lợi ích gì mà chỉ đe dọa lấy đi công việc của con người. Bà cho rằng mình không có kinh nghiệm, không biết gì và nếu phải làm việc với robot hay máy móc sẽ vô cùng khó khăn và áp lực. Tuy nhiên, nếu không còn sự lựa chọn nào khác, bà hiểu rằng mình vẫn sẽ phải học nếu không muốn bị sa thải.
Bà Faith Wong, giám đốc Phòng văn hóa và nhân viên của công ty vệ sinh ISS khẳng định công ty muốn truyền cảm hứng cho những nhân viên chưa sẵn sàng sử dụng công nghệ, cố gắng hiểu và xác định rõ nỗi sợ vô hình của họ và giải quyết chúng. Trong tương lai gần, sẽ vẫn có những công việc chưa bị ảnh hưởng bởi công nghệ dành cho những người chưa thể thích ứng.
Từ năm 2017, công ty vệ sinh thương mại Spic & Span đã giới thiệu những công nghệ thân thiện với người dùng nhằm làm cho công việc của nhân viên vệ sinh an toàn và dễ dàng hơn. Ví dụ, nhân viên của họ được huấn luyện để vận hành robot lau cửa sổ để với tới những chỗ cao không thể dùng thang và ra mắt máy quét thảm mà thậm chí những nhân viên khuyết tật cũng có thể dùng. Do là một doanh nghiệp xã hội, công ty thuê những người có hoàn cảnh khó khăn như người già, khuyết tật, cựu tù nhân và người vô gia cư.
Hình ảnh một robot lau kính trên một tòa nhà cao tầng, thay thế cho con người. Nguồn: AEC Business.
Khi doanh nghiệp và nhân viên học cách thích nghi
Đối nghịch với những người không thể thích nghi chính là những nhân viên hào hứng với công nghệ và nỗ lực học những kỹ năng mới để thích ứng với công việc. Tuy nhiên, thành công chưa bao giờ là dễ dàng, nó đòi hỏi sự siêng năng cần cù và cả nước mắt.
Chị Nahariah Mohd Nor, 47 tuổi, nhân viên thu ngân có tuổi nghề 10 năm tại một chi nhánh của ngân hàng DBS là một ví dụ. Khi chi nhánh của chị sáp nhập với một chi nhánh khác vào năm 2017, chị được trao cơ hội học nâng cao để trở thành thành viên của nhóm nhân viên vận hành máy thu ngân tiên phong của ngân hàng.
Ngân hàng này giới thiệu những máy thu ngân vào năm 2017 để phục vụ khách hàng dịch vụ 27/4, bao gồm thay thế tức thì thẻ ghi nợ và token (chữ ký điện tử mã hóa). Những nhân viên dịch vụ khách hàng như Nahariah sẽ giao tiếp với khách qua màn hình trực tuyến của máy này từ 8h30 sáng đến đêm khuya. Số máy thu ngân được sử dụng trên khắp Singapore hiện nay đã lên tới con số 42.
Máy thu ngân của Ngân hàng DBS Singapore với nhân viên ngân hàng xuất hiện trên màn hình video trực tuyến để hướng dẫn khách hàng từ sáng sớm đến đêm khuya. Nguồn: ATM Marketplace.
Sự chuyển tiếp không dễ dàng gì với Nahariah, người thừa nhận mình không phải một chuyên gia công nghệ. Nản lòng ngay sau tuần đầu tiên đào tạo, cô đã email cho Phòng nhân sự của ngân hàng để xin quay lại chi nhánh cũ với lý do không phù hợp với vị trí mới. Nhưng Phòng nhân sự đã gợi ý cô cố gắng thêm 6 tháng nữa và nếu sau 6 tháng cô vẫn không thay đổi ý định thì có thể trở về chi nhánh cũ. Quyết định cho mình thêm thời gian, cũng có lúc Nahariah phải rơi nước mắt khi mắc lỗi trong lúc phục vụ khách hàng nhưng cô lấy đó làm bài học. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của nhóm trưởng và những đồng nghiệp trẻ, cô đã thành công.
Theo Theresa Phua, Trưởng phòng nhân sự Ngân hàng DBS, ngân hàng có nguồn nhân lực đa thế hệ với tốc độ và nhu cầu học hỏi khác nhau nên DBS luôn cố gắng hỗ trợ nhiều hơn cho những nhân viên gặp khó khăn trong việc thích ứng với công nghệ như Nahariah. Thêm vào đó, sự hướng dẫn của các trưởng nhóm và đồng nghiệp là vô cùng quan trọng.
Công nghệ không phải là tất cả
Sự thật là công nghệ đang trở nên ngày càng quan trọng khiến các doanh nghiệp phải tìm cách trao thêm công việc cho nhân viên hoặc tái định hình vai trò của họ để tập trung vào các lĩnh vực như trải nghiệm dịch vụ.
Tại Spic & Span, công ty vệ sinh thương mại, trọng tâm đã không còn là công việc vệ sinh đơn thuần. Năm ngoái, họ bắt đầu trang bị cho nhân viên những kỹ năng mới như sửa chữa và lắp đặt đường ống nước bằng cách gửi họ tới những trung tâm đào tạo như NTUC LearningHub. Một số nhân viên thì được đào tạo để chuyển sang những công nghệ vệ sinh mới như phun khí ga khử trùng hay quản lý chất lượng không khí trong nhà.
Những nhân viên của Spic & Span được đào tạo để sử dụng công nghệ trong công việc. Nguồn: Temaesk.
Người sáng lập, ông Chua phát biểu, còn rất nhiều dịch vụ gia tăng giá trị mà ông có thể cung cấp cho khách hàng. Ông có thể tự tin nói với khách hàng rằng họ không chỉ đang làm việc với một công ty vệ sinh, bất cứ vấn đề nào khách hàng có thể gặp phải, công ty của ông cũng có thể giải quyết được, vì công ty của ông đã và đang xây dựng theo hướng đó.