VĂN HÓA

Nỗi buồn - Chất xúc tác của nghệ thuật

Hòa Bảo • 15-07-2020 • Lượt xem: 4269
Nỗi buồn - Chất xúc tác của nghệ thuật

“Nỗi buồn khó thể nào tồn tại trong một linh hồn thô sơ - nó không thể tồn tại trong một động vật thuần túy” - Nỗi buồn tạo cảm hứng cho nghệ thuật một cách sâu sắc!

Nỗi buồn thổi hồn vào những bản tình ca

Đã lâu lắm rồi tôi chưa nghe lại album Hearts and Bones của Paul Simon, kể từ thời niên thiếu. Tôi mua album này vào năm 1983 khi nó mới được phát hành và đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Dạo gần đây, mỗi khi nghe lại, nhất là bài hát chủ đề, tôi thường tự hỏi: trước đây tôi đã cảm nhận album này như thế nào? Nó có ý nghĩa gì với tôi, và tại sao nó lại có ý nghĩa lớn đến vậy?

Để tôi kể cho bạn nghe: Bài hát chủ đề kể về nỗi u hoài của một cặp tình nhân khi mối tình của họ phải đi đến hồi kết, là sự hòa quyện giữa những khoảnh khắc hoài niệm khi cả hai còn hạnh phúc, với nỗi chán chường cùng những tổn thương sau khi chia tay. Lần đầu tiên lắng nghe bài hát ấy, tôi còn là một cậu thiếu niên, chưa “cảm nắng ai” và gần như chưa bao giờ trải nghiệm những xúc cảm này. Tôi tự hỏi, liệu mình có đau khổ nếu một ngày nào đó bản thân cũng phải bước qua đổ vỡ như vậy? Thật sự, lúc đó tôi rất muốn nếm trải thử mùi vị hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc theo cách mà tôi chỉ việc hồi tưởng lại, vì khi đó mọi thứ đã êm xuôi, đã phủ bụi, và đã yên ổn. Tôi cũng muốn “nếm thử” nỗi sầu muộn, vì nó nghe có vẻ thật người lớn, thật thạo đời làm sao. Suy cho cùng thì, dường như luôn có một chút niềm vui phức tạp nào đó ẩn chứa trong nỗi buồn - và tôi cũng không phải người đầu tiên nghiệm ra điều này.

Nhưng liệu điều này có đúng không? Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đều muốn hạnh phúc. Tất cả các học thuyết triết học đều dựa trên tiền đề rằng chúng ta có thể hạnh phúc mọi lúc, mọi nơi, và càng hạnh phúc thì càng tốt. Chúng ta có chỉ số Chỉ số Hạnh phúc Toàn cầu (Global Happiness Index) để đánh giá mức độ hạnh phúc của mọi người (Đan Mạch đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số này). Tại Bhutan thậm chí còn thành lập một Ủy ban Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness Commission), và họ có quyền xem xét các quyết sách của chính phủ, cũng như phân bố nguồn lực.

Tất nhiên, thỉnh thoảng trải qua niềm vui cũng là một điều tốt. Nhưng có một sự thật rằng, không phải lúc nào mọi ước vọng về một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc đều thành sự thật. Nếu được như vậy, thì nhiều người trong chúng ta đã hạnh phúc hơn rồi! Đôi lúc chúng ta buồn vì một lý do nào đó, và đôi lúc chúng ta buồn vì, một cách vô thức hoặc có ý thức, ta muốn vậy! Có lẽ sự đa dạng trong cảm xúc vẫn tốt hơn là sự đơn điệu, kể cả khi sự đơn điệu ấy chính là niềm hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ còn có nhiều lý do hơn thế nữa. Ta coi trọng nỗi buồn theo những cách khiến cho hạnh phúc trông có vẻ giản đơn hơn.

Nỗi buồn cao quý hơn niềm vui

Vincent Van Gogh - Portrait of Dr. Gachet (1896) (Ảnh: Culturacolectiva)

Nỗi buồn tạo cảm hứng cho nghệ thuật một cách sâu sắc. Trong bài luận Những suy ngẫm u sầu về nỗi buồn 1823 (Atrabilious Reflections upon Melancholy), Hartley Coleridge đã ca ngợi nỗi buồn như một tâm trạng tinh tế hơn so với niềm vui: “Nỗi buồn khó thể nào tồn tại trong một linh hồn thô sơ - nó không thể tồn tại trong một động vật thuần túy”.

Tất cả những thiên tài đều là người u sầu - những cây bút chuyên viết tác phẩm hài cũng không phải là ngoại lệ. Con người có thể được phân ra làm ba cấp dựa trên nỗi buồn của họ. Những người đi tìm kiếm cái vô hạn đối lập với cái hữu hạn - những người đi tìm cái vô hạn trong cái hữu hạn - và những người tìm cách hạ thấp cái hữu hạn bằng cách đặt nó trong sự đối sánh với sự vô hạn.

Nhóm thứ nhất bao gồm các triết gia và những kẻ cuồng tín. Nhóm thứ hai, những nhà thơ, tình nhân, người chinh phạt, kẻ keo kiệt, người môi giới chứng khoán, vân vân. Và nhóm thứ ba, là những cây bút trào lộng, diễn viên hài, những kẻ thích đùa đủ thể loại, kẻ ghét đàn ông, kẻ ghét đàn bà, người hưởng lạc và kẻ sành ăn nói chung.

Coleridge cho rằng, nỗi buồn cao quý hơn niềm vui. Tôi cho rằng đây là cảm giác mà phần lớn mọi người đều có - rằng niềm vui, từ trong gốc rễ của nó, chỉ là một dạng khoái cảm ngu ngốc, là một kiểu phẫu thuật thùy não, là một quả bóng bay chỉ chờ bị chọc nổ. Sự muộn phiền, vì một lý do gì đó, có vẻ người lớn hơn, vì nó bị ít bị tô vẽ. Nó chân thành hơn, và thật hơn.

Khi George Eliot chuẩn bị viết Adam Bede (1859), bà đã chép những dòng sau từ cuốn Cuộc đời của Oliver Cromwell (Life of Oliver Cromwell) của Thomas Carlyle vào sổ tay của bà: “Chẳng phải mức độ đau buồn của một người, đi cùng với khả năng cảm thông của anh ta, cũng như năng lực và những thành công mà anh ta sẽ đạt được sau này hay sao? Nỗi muộn phiền là hình ảnh đảo ngược của đức tính hào hiệp bên trong mỗi chúng ta”.

Nhưng tại sao nỗi buồn lại thanh tao và hấp dẫn?

(Nguồn: Rostyslav Savchyn)

Xét mà nói, đáng ra nỗi buồn phải là thứ mà tiến hóa phải loại bỏ khỏi giống loài chúng ta, vì nó sẽ là đặc điểm bị loại đầu tiên trong quá trình chọn lọc giới tính. Có người phụ nữ nào lại muốn hẹn hò với một bạn tình lúc nào trông cũng khốn khổ trong khi cô ấy có thể chọn một người vui vẻ tươi cười hơn?

Charles Darwin, trong cuốn Cách biểu lộ cảm xúc ở con người và động vật (The Expression of the Emotions in Man and Animals - 1872), đã viết rằng nỗi buồn được biểu hiện theo cùng một cách ở mọi nền văn hóa. Với một cách thức phổ phát như vậy, chúng ta có xu hướng tìm kiếm lời giải thích trong khía cạnh tiến hóa. Nhưng than ôi, những nghiên cứu trong ngành nhân chủng học và tiến hóa về vấn đề này gần như chỉ tập trung vào trầm cảm, và đó không phải những gì chúng ta đang thảo luận ở đây.

Tôi có thể khẳng định với bạn, một cách hơi phũ phàng, rằng điểm khác biệt giữa nỗi muộn phiền thanh tao và sự trầm cảm cũng giống như điểm khác biệt giữa “cơn đê mê trong men rượu” và “một trận sốt phát ban”. Có nhiều thuyết tiến hóa được đưa ra để khẳng định khả năng thích ứng của trầm cảm, nhưng chưa có ai, theo như tôi được biết, từng khẳng định trầm cảm là một điều đáng mừng.

Nếu trầm cảm là một thứ khí độc khó chịu quấn chặt não chúng ta, thì nỗi buồn thanh tao giống như đuôi của một con công, tô điểm bởi màu xanh của cánh hoa long đởm và màu xanh lá trên bộ quân phục của lính thủy đánh bộ.

Liệu nó có phải một đặc tính phổ quát không? Với câu hỏi này, ngành nhân chủng học cũng không thể đưa ra một câu trả lời dứt khoát. Nhưng trạng thái tâm lý này có thể nhận thấy trong một loạt các nền văn hóa. Đó là nỗi niềm mà cụm từ mono no aware (物の哀れ, nghĩa là “nỗi u hoài đẹp đẽ của sự vật”) trong tiếng Nhật diễn tả. Đó là sự giản đơn nhưng ám ảnh trong âm nhạc truyền thống châu Phi, tiếp nối đến tận Tân Thế giới dưới hình dáng của nhạc Blues. Đó là sự pha trộn giữa sức mạnh, năng lượng, lòng trắc ẩn, và sự u sầu mà Claude Lévi-Strauss đã tìm thấy ở Brazil, gói gọn trong tiêu đề cuốn sách kể về những hành trình của ông tại đó -Triste Tropiques (Nhiệt đới Buồn; 1955). Đó là những quan niệm được lồng ghép trong sử thi Aeneas của Virgil, khi ông nhìn lại cuộc đời đầy trắc trở của mình, và nhìn về tương lai gian nan phía trước: sunt lacrimae rerum. “Trong mọi thứ đều có nước mắt” không phải một cách nói não nề hay tuyệt vọng, mà là một lời tuyên bố đầy nghịch lý về vẻ đẹp của thế giới này. (Aeneid 1:462).

Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể tạo một bản “phân tích lợi ích - chi phí” của những loại nỗi buồn mà tôi đang nhắc đến ở đây. Chúng ta có thể nói rằng đó là tín hiệu cho thấy một người có đủ sức mạnh, sự nhàn rỗi, cũng như sự nhạy cảm để có thể đắm mình vào nỗi buồn.  Cách diễn đạt này làm chúng ta nhớ đến “nguyên lý đánh đổi” (the handicap principle) một giả thuyết do nhà sinh vật học tiến hóa người Israel Amotz Zahavi đưa ra vào năm 1975. Thuyết này cho rằng những đặc điểm phô trương của động vật như những chiếc gạc khổng lồ của loài hươu cao nguyên hay chiếc đuôi lộng lẫy của một con công đều hữu ích, bởi vì chúng xa xỉ một cách lộ liễu, và hiển nhiên gây bất tiện cho con vật.

Chúng là một cách để nói rằng: Tôi thật khỏe, bộ gene của tôi thật đáng mong ước, nên tôi mới có thể “tha” theo cái thứ bất tiện (à, nhưng… rất đẹp) này trên người.

Nỗi buồn, theo như mô hình này, là một cách tiêu thụ năng lượng mà chúng ta có thể nhận ra dễ dàng. Chúng ta cần sử dụng nhiều cơ để cau mày hơn là để cười, và có lẽ đó chính là vấn đề. Cau mày là một tín hiệu cho thấy khả năng của chúng ta trong việc lãng phí năng lượng, chính xác, bằng cách lãng phí nó. Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể sống và cảm thấy vui. Chúng ta cần nhiều năng lượng hơn để sống và để buồn.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, khía cạnh quan trọng nhất của nỗi buồn nằm ở nó không phải sự trả giá, nó là một thứ đẹp đẽ. Hạnh phúc cũng có thể là một thứ đẹp đẽ, nhưng một số khía cạnh của nỗi buồn có thể vươn tới những vẻ đẹp mà hạnh phúc sẽ không bao giờ biết tới.

(Theo Aeon)