Duyên Dáng Việt Nam

Nóng: Nhiều tàu cá vào vùng biển Thái Lan, Malaysia xin tránh bão

T.Trình - T.Long - H.Nguyễn • 25-12-2017 • Lượt xem: 7081
Nóng: Nhiều tàu cá vào vùng biển Thái Lan, Malaysia xin tránh bão

Thị trấn cửa biển Sông Đốc (Cà Mau), người dân đang tất tả di dời đến nơi an toàn, trong khi nhiều tàu cá của ngư dân ở đây phải chạy sang vùng biển Thái Lan, Malaysia xin tránh bão.

Tất tả di dời

Tại thị trấn cửa biển Sông Đốc (H Trần Văn Thời, Cà Mau), các lực lượng chức năng đang dồn sức giúp dân di dời đến nơi an toàn.

Ông Lê Phong, chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết hầu hết các hộ dân đều cam kết di dời. Hiện cơ quan chức năng đang tổ chức lực lượng tiếp cận các nhà ngoài bờ biển yêu cầu người dân vào bờ. Tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ cũng được gọi khẩn cấp vào nơi trú ẩn.

Trước mắt, người già, phụ nữ và trẻ em được sơ tán đến các cơ quan, trường học…một số nhà dân kiên cố cũng được huy động để sơ tán dân. Hiện Sông Đốc có 7.403 hộ, 33.012 dân thuộc diện buộc di dời đến nơi an toàn. 

Theo chính quyền địa phương, việc di dời dân gặp chút khó khăn do một số nơi người dân có tâm lý chủ quan "bão còn lâu mới tới" nên chưa chấp hành lệnh di dời khẩn cấp.

Thị trấn cửa biển Sông Đốc có 1.449 tàu cá. Đã có 1.018 tàu vào bờ theo lệnh gọi. Ngoài ra, có 261 tàu của các tỉnh khác vào cửa biển Sông Đốc tránh trú bão, nâng số tàu neo đậu ở khu vực cửa biển Sông Đốc 1.279 tàu, với 8.799 thuyền viên.

Theo chính quyền địa phương, hiện còn 558 tàu, với 4.053 thuyền viên của ngư dân Sông Đốc chưa vào bờ. Trong số này, có 31 tàu (211 thuyền viên) đánh bắt xa bờ xin vào vùng biển Thái Lan, 94 phương tiện (705 thuyền viên) xin vào vùng biển Malaysia tránh trú. Số còn lại vào các đảo Thổ Châu, Hòn Chuối… tránh bão.

Trong ngày, Bộ đội Biên phòng, đồn Biên phòng Hòn Chuối cũng hỗ trợ 39 hộ dân (120 khẩu) và đến nơi an toàn.

Vẫn ám ảnh bão Linda

Tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Thủy (46 tuổi, ngụ khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời) lo lắng cho người chồng đang đi ghe ngoài biển. Bà Thủy cho biết bà được chính quyền địa phương thông báo bão đang sắp vào đất liền nên tức tốc gọi báo cho chồng biết. Sau khi nghe người chồng thông báo đang chạy vào bờ nhưng hiện giờ mất liên lạc nên hiện đang rất lo.

Khi phóng viên Tuổi Trẻ có mặt, ông Nguyễn Tấn Long (59 tuổi, thị trấn Sông Đốc) đang tất bật cùng cả nhà xúc đá cho vào bao mang neo nóc nhà.

Ông Long cho biết nơi đây từng trải qua cơn bão lịch sử Linda gây thiệt hại nặng nề. Gia đình ông từng mất mát cả tài sản lẫn nhân mạng. Vì vậy khi nghe bão lớn đang sắp đổ bộ nên chuẩn bị mọi thứ ứng phó.

Ông Nguyễn Thanh Mừng (67 tuổi) thì đang dùng dây thừng giằng néo lại mái nhà. Vợ ông cũng thu xếp đồ đạc để hai vợ chồng lên bờ.

Ông Mừng cho biết ông sinh sống ở khóm đảo đã 23 năm. Từ đó đến nay ông mới chỉ phải di dời vào bờ một lần lúc cơn bão Linda. Chính cơn bão khủng khiếp cũng phá nát con tàu cá, cướp đi sinh kế gia đình ông.

Nghe tin bão mạnh ngang bão Linda ông Mừng rùng mình. "Nhà cửa làm tạm bợ kiểu này chằng chống vậy chứ gió mạnh như bão Linda năm 1997 thì khó mà chống đỡ. Trước mắt lo người đã", ông Mừng chia sẻ.

Cạnh bên, anh Huỳnh Văn Me (32 tuổi) cũng đã thu dọn đồ đạc đưa vợ con vào bờ trú ẩn. Anh Me dựng nhà ở khóm đảo Tân Hồng Ngọc để thu mua thủy hải sản 12 năm nay. Đây là lần đầu anh phải di dời người và tài sản để tránh bão.

Nhà anh Me còn có 3 chiếc tàu lớn đang khai thác cách bờ 40 hải lý, hiện đang chạy về bờ trú ẩn. "Lâu lâu ở đây cũng có bão nhưng thường nhẹ, cơn bão này nghe mạnh hơn bão năm 1997 nên phải di chuyển sớm lỡ có chuyện gì", anh Me nói.

Chặt cây, giằng néo nhà cửa dân chống bão

Tại huyện Trần Văn Thời, hai ngày nay, lực lượng công an, dân quân tự vệ, điện lực đã tổ chức phát quang, chặt cây nằm dưới đường lưới điện và cạnh hành lang lộ giới các tuyến đường lớn. Những cây lớn có khả năng gãy đổ, uy hiếm lưới điện được chặt bỏ.

Ngoài ra, lực lượng này cũng tổ chức giằng chống những nhà dân lụp xụp và vận động người dân chuẩn bị di tản khi có thông báo.

Ông Trần Văn Vũ, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống cứu nạn thị trấn Trần Văn Thời, cho biết toàn thị trấn có 9 khóm, mỗi khóm có 200-500 hộ dân.

Hiện nay, thị trấn đã cho các trưởng khóm thống kê số hộ dân có nhà kiên cố để chủ động bố trí cho người dân trú ngụ khi cần di tản tập trung.

Đồng thời mỗi khóm cũng đã chuẩn bị lực lượng 20-30 người sẵn sàng hỗ trợ người dân di tản khi khẩn cấp. 

 

Bà con xóm đảo Tân Hồng Phát chuyển đồ lên tàu vào đất liền trú bão - Ảnh: HỮU KHOA


Bộ đội biên phòng đồn biên phòng 692 Sông Đốc kêu gọi người dân vào đất liền trú bão - Ảnh: HỮU KHOA


Hàng trăm tàu thuyền đã về cửa biển Sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời trú bão số 16 - Ảnh: HỮU KHOA