Duyên Dáng Việt Nam

NSNA Trần Hồng - người 'vẽ' chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ảnh

DDVN • 25-08-2021 • Lượt xem: 473
NSNA Trần Hồng - người 'vẽ' chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ảnh

Đại tá, nhà báo - NSNA Trần Hồng là người có vinh dự được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều năm, lưu giữ lại cho thế hệ mai sau những bức ảnh độc đáo, rất đời thường, dung dị.

Duyên gặp gỡ để thực hiện những bức ảnh đầy "chất văn" 

Sinh năm 1947 tại Hà Tĩnh, NSNA - Đại tá Trần Hồng tốt nghiệp khóa 1 (1969-1973) Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ông cũng là chiến sỹ Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Sự nghiệp của Đại tá Trần Hồng chính là hàng nghìn bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của những người lính ở tuyến đầu, khai thác hình ảnh những người mẹ hy sinh thầm lặng ở hậu phương và đặc biệt hơn chính là "thước phim" đời thường quá đỗi chân thực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Trần Hồng từng là phóng viên chiến trường biên giới, lăn lộn vượt qua bom đạn để có hàng nghìn tấm ảnh miêu tả cuộc chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, vô cùng ác liệt của bộ đội ta. Ông cũng đặc biệt thành công trong việc dày công đi tìm, gặp và chụp ảnh chân dung hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng hơn cả, Trần Hồng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, vượt trội nhất khi chụp được nhiều nhất, đẹp nhất, thần thái nhất những hình ảnh đời thường chân chất, dung dị về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Trần Hồng kể, ông từng mở những cuộc triển lãm ảnh tại Hà Nội và Quảng Bình vào những ngày cuối năm của năm 1992 và may mắn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự. Đến xem, vị Đại tướng huyền thoại lưu bút rằng: “Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ, như nhạc. Qua hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi, chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ chiến sĩ có những tác phẩm lớn”.


Đại tá, Nhà báo, NSNA Trần Hồng

Thế nhưng, ít ai biết rằng, Đại tá Trần Hồng thực sự có cơ duyên gặp gỡ và thực hiện những bức ảnh độc đáo, rất đời thường, đầy “chất văn” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào tháng 10/1994. Khi ấy, ông đến nhà riêng của Đại tướng xin được chụp ảnh, song không thuyết phục được người thư ký. Trần Hồng buồn bã, định ra về thì Đại tướng xuất hiện và bảo “cứ để cậu ấy vào".

Người thư ký không hề biết phía sau cánh cửa, Trần Hồng và Đại tướng đã trò chuyện những gì, chỉ biết rằng, 5 giờ sáng hôm sau, người phóng viên ảnh ấy lại đến nhà Đại tướng và ở cho đến 9 giờ tối mới về. Kết quả, Trần Hồng đã có được thiên phóng sự “Một ngày với Đại tướng” mà ông vô cùng tâm đắc.

Để rồi từ đó, sau rất nhiều năm miệt mài, NSNA Trần Hồng có kho "gia tài" lên đến gần 2.000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như một số cuộc triển lãm về vị tướng huyền thoại của dân tộc. Và đến nay, sau khi Đại tướng qua đời, NSNA Trần Hồng lại dày công chọn lọc, đầu tư xuất bản cuốn “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, một tác phẩm báo chí - ảnh nghệ thuật độc đáo, tuyệt vời. Với 103 bức ảnh chọn lọc, theo chủ đề (tượng trưng cho 103 tuổi hạc của Đại tướng), Trần Hồng để lại dấu ấn còn mãi với thời gian.

Hay như những hình ảnh nổi bật về Đại tướng tại thời điểm ông đã gần 85 tuổi (1994) vẫn có chuyến về thăm lại Cao Bằng, nơi Đại tướng từng hoạt động cách mạng năm 1940-1941, đặc biệt là được đón Bác Hồ về nước. Mặc dù trời mưa xối xả, đi len lỏi vào sâu trong rừng nhưng Đại tướng vẫn thong dong vững bước, vừa đi vừa động viên mọi người. Đại tướng từng chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên được các mế, các chị và đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Quên sao được mảnh đất góp phần lớn lao làm nên cốt cách của tôi”. Rồi cả loạt ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm làng quê tháng 11/2004 bằng chuyến tàu hỏa bình thường, xuống ga Đồng Hới rồi về làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bên dòng Kiến Giang xanh mát. Tất cả đều được Trần Hồng ghi lại một cách chân thực, dung dị nhất.

Bùi ngùi, xúc động nhớ lại, Đại tá Trần Hồng thừa nhận: "Với tôi, mỗi lần giơ máy lên chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đấy là những thời khắc rất thiêng liêng, tôi giữ gìn nó như một thứ gì đó quý báu nhất".

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp giản dị, đời thường qua ống kính NSNA Trần Hồng

Là người có vinh dự được chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong rất nhiều năm, Đại tá Trần Hồng đã lưu giữ lại cho thế hệ mai sau những hình ảnh độc đáo, rất đời thường. Thế nhưng, NSNA này cũng thừa nhận, chụp hình Đại tướng "khó rất khó mà dễ cũng rất dễ". Cái khó khi chụp Đại tướng chính là ông “đồ sộ, khổng lồ quá, xét về góc độ nào cũng vậy, chính vì thế nếu không tự tin sẽ bị ngợp ngay, đứng trước mặt Đại tướng sẽ run".

Nhưng với Đại tá Trần Hồng, việc chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khó nhất là chụp những bức ảnh đời thường, những bức ảnh bình dị nhất, thanh liêm nhất cuộc đời của Đại tướng. Võ Nguyên Giáp là Đại tướng của nhân văn chứ không phải sinh ra để đi đánh giặc, vì thế phải chụp ông ở một tư thế, ở một phong thái, một phong độ và đặc biệt là một tâm thế bình dị.


Bữa cơm của hai vợ chồng Đại tướng. Ảnh: Trần Hồng

Đại tá Trần Hồng cho rằng, chính vì vậy mà ông rất thích chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở một góc độ gần gũi trong những trang phục đời thường. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại ít khi mặc thường phục, ông với bộ quân phục như hình với bóng, không bao giờ xa rời.

"Ăn cơm ở nhà, đi chơi với cháu, Tết trung thu dẫn cháu đi chơi, Đại tướng cũng mặc quân phục, trừ những khi hiếm hoi lắm ông mới mặc thường phục. Bộ quân phục với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiêng liêng lắm, ông giáo đi dạy sử mà đùng cái 37 tuổi trở thành Đại tướng, xây dựng chỉ huy cả 1 lực lượng quân đội chiến thắng bao nhiêu kẻ thù. Bộ quân phục có thể gây kích hoạt sức mạnh, cảm hứng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho nên đó là lý do mà Đại tướng ít khi rời bộ quân phục" - NSNA Trần Hồng kể.

Thế nhưng, ẩn đằng sau sở thích "chụp ảnh đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp" là một hàm ý đầy ý nghĩa của Đại tá Trần Hồng. "Tôi không thích chụp Đại tướng trong bộ quân phục mặc dù ông mặc rất đẹp, 4 sao lấp lánh, nhưng tôi muốn chụp đằng sau cái lấp lánh đó là một thứ gì đó rất nhân văn, giản dị, thu hút mọi thế hệ, mọi giai tầng".

Đại tá Trần Hồng cho biết, ông có rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quá trình "hợp tác" nhưng đó đều là những điều không mấy vui. "Đấy là những lúc Đại tướng thích thì tôi không thích, mà những cái tôi thích thì Đại tướng lại không thích. Đương nhiên cũng không phải xung khắc lắm để hòa nhập thực hiện được ý định của mình, nhưng tôi cũng đã tìm mọi cách để làm bằng được. Có những khi chụp xong rồi, Đại tướng biết Đại tướng mắng nhưng sau đó tôi đưa ảnh cho Đại tướng xem thì Đại tướng lại rất thích thú và nói: "À chân thật quá nhỉ". Lúc đấy, tôi trong lòng thấy sướng".

Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét về bức ảnh mà Trần Hồng chụp mình rất đơn giản. "Nhiều lần Đại tướng hỏi tôi, "sao em chụp anh nhiều thế" thì tôi nghĩ đó là lời khen cũng vừa là lời thắc mắc. Tôi trả lời: “Thưa Đại tướng, sao Đại tướng lại cho em chụp Đại tướng nhiều như thế và rồi Đại tướng cười".

Cảm xúc trào dâng, bồi hồi khi chụp hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều không tránh khỏi đối với Đại tá Trần Hồng. "Lần nào cũng như lần nào, kể cả lần đầu, kể cả bây giờ khi chụp hàng nghìn cuộn phim, tôi đều có một cảm xúc nhất định. Lạ lắm, con người Đại tướng có cái gì đó vừa xa lạ, vừa gần gũi, lại vừa uyên thâm, nhưng lại có tình cảm vô bờ như người cha, người ông của mình vậy. Vì thế, hễ trước ống kính của tôi xuất hiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì trong tôi đều có cảm xúc dâng trào, hạnh phúc tương tự như nhau".

Cuối cùng, sau bao nhiêu năm tháng thực hiện niềm đam mê với nhiếp ảnh, đặc biệt là những khoảnh khắc chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Hồng khẳng định: "Hình ảnh ông Giáp vui trong tôi đẹp lắm, chỉ cần nhìn vào ánh mắt Đại tướng là cũng nhận ra Đại tướng vui, biểu hiện ra ngoài rất đẹp. Cuộc đời này, mãi mãi không bao giờ tôi quên những tháng năm được chụp hình Đại tướng. Hình ảnh vị anh cả của quân đội vẫn luôn trong trái tim tôi, rạng rỡ, tươi cười và luôn là tượng đài tinh thần vững chắc".

Theo Vũ Toàn/VOV.VN