Duyên Dáng Việt Nam

NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm

DDVN • 26-10-2021 • Lượt xem: 464
NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm

Sự nghiệp ca hát mang đến cho bà niềm vui, hạnh phúc, nhưng cũng ôm trọn những nỗi niềm khắc khoải suốt cuộc đời bà.

Những ngày không quên

Khán giả hay nói, dường như thời gian đã bỏ quên giọng hát của NSND Thanh Hoa. Hơn nửa thế kỷ, những thanh âm ấy đã gắn liền với  một thời đất nước hào hùng, máu lửa. Chiến tranh đã qua, nhưng ký ức vẫn còn ở lại.

Ca được, ngâm thơ hay, giọng nói lại lảnh lót, nên NSND Thanh Hoa được tuyển ngay vào Đài phát thanh Giải Phóng, sau khi vừa hoàn thành bậc trung cấp tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Bà và cả đoàn nghệ sĩ sơ tán lên Hà Tây. Mỗi ngày, họ lại di chuyển 40km về lại trung tâm để thu thanh. Hễ có trận thắng nào đêm hôm trước, thì hôm sau những ca khúc ca ngợi, cổ vũ tinh thần bộ đội cũng xuất hiện ngay trên đài.

Nghe báo động: “Đồng bào chú ý...”, bà và đoàn nghệ sĩ liền chui xuống hầm tránh nạn, đến khi im ắng trở lại thì tiếng hát lập tức vang lên. Dần dà, họ không còn sợ nữa. Có khi, nghe tiếng loa thông báo, họ vẫn cố hát xong mới tìm chỗ trú ẩn. Bà nghĩ có lẽ mong ước hòa bình đã lấn át những nỗi sợ hãi, để những tiếng hát cứ cất cao, bay xa trên khắp mọi miền.

Với chiếc ba lô nặng trĩu trên vai, người phụ nữ chỉ nặng vỏn vẹn 42kg tiến vào chiến trường miền Trung. Băng bao nhiêu con suối, trèo qua bao nhiêu núi đồi, bà không thể nhớ nổi. Những sân khấu đặc biệt nhất đời bà, cũng từ đây mà ra. Nổi lửa lên em, Đường tôi đi dài theo đất nước... cùng hàng loạt ca khúc tươi vui, hào hùng, được những người nghệ sĩ không ngừng cất cao tiếng hát. Có hôm, xe băng qua dãy Trường Sơn, một bên là vực thẳm, một bên là vách núi hiểm trở. Đã có những đoàn xe ra đi không trở lại. Bà ngồi trên xe vẫn hát liên hồi, dẫu trái tim có lúc như ngừng đập. Tiếng hát át cả nỗi sợ của người ngồi sau lẫn người cầm lái. Những lúc đó, hay dở không còn quan trọng nữa. 

Đứng bên này cầu Hiền Lương hát vọng qua bên kia bờ, trái tim bà như bị ai bóp nghẹt. Máu, mồ hôi, nước mắt của những con người đã nằm xuống nơi đây không sao kể xiết. Bà cố ngăn dòng nước mắt lăn dài trên má. Tiếng hát cứ thế nghẹn ngào giữa bom lạc, đạn bay. “Đó cũng là lúc tôi hiểu nếu mình phải nằm lại, cũng chỉ là một chuyện rất nhỏ trong cuộc chiến khốc liệt này. Tôi hát bằng cả trái tim mình, hát cho người ở lại, và người đã ra đi”, bà nhớ lại.

Cũng chính tiếng hát ấy đã khiến bao chàng thanh niên ngày ấy mê mẩn. Bà không nhớ đã nhận bao nhiêu lời hứa hẹn, rằng khi hòa bình sẽ về tìm nhau. “Để động viên tinh thần, gặp ai tôi cũng nhận là đồng hương. Có anh nói quê Thái Bình, có người bảo ở Hải Phòng... tôi đều nhận: “Ơ, em cũng vậy”. Có đêm, tôi là cô gái có đến năm, sáu quê hương. Nhưng họ còn hay mất, vẫn là điều khiến tôi day dứt đến hiện tại. Chiến tranh gây ra bao mất mát, chia cắt mà chúng tôi không thể nào lường được”, bà bùi ngùi nhớ lại.

Những đêm diễn nặng trĩu tâm tư ấy khiến bà không thể nào quên. Để rồi ngày đất nước thống nhất, NSND Thanh Hoa và anh em nghệ sĩ trong đoàn hân hoan khó tả. Cả đoàn tập trung ở Đà Nẵng, đổ xuống cung đường dọc bờ biển, rồi đi đến nhiều ngõ ngách trong thành phố để cất cao tiếng hát. Buổi diễn kéo dài suốt mười tiếng đồng hồ, đến khi người nghệ sĩ hát hết bài mới chịu dừng.


NSND Thanh Hoa và chồng là nghệ sĩ Tôn Thất Lợi

Bà bảo không có cảm giác đói, cũng chẳng buồn ngủ. Gặp ai, bà cũng ôm, cũng bắt tay. Họ chỉ kịp thì thầm vào tai nhau: “Sống rồi”. “Tôi tự tin cất lên những thanh âm cao vút, chất chứa cả niềm hạnh phúc lớn lao của sự tự do. Cảm giác thăng hoa ngày ấy, tôi vẫn chưa bao giờ quên được. Có lẽ, đó là sân khấu lớn nhất đời mình, khiến tôi hạnh phúc đến tột đỉnh”, bà nói.

Người vợ, người mẹ sau sân khấu

Con đường ca hát giúp bà chạm đến đỉnh vinh quang trong cuộc sống, với nhiều niềm vui và hạnh phúc. Nhưng cuộc đời cũng như một bài nhạc, đã có nốt cao làm sao có thể thiếu nốt trầm? NSND Thanh Hoa kết hôn, có con sớm. Thuở chưa vào chiến trường, ban ngày bà đi thu âm, đến tối lại may áo, muối dưa để trang trải cuộc sống. Cánh đàn ông đi câu tôm, bắt ốc, mò cua... để bữa ăn được đầy đủ hơn. Có món gì ngon, bà cũng được ưu tiên vì có con nhỏ. “Những năm tháng đó tuy khổ cực, thiếu thốn trăm bề, nhưng tình cảm đong đầy. Đôi lúc nghĩ lại tôi vẫn rơm rớm nước mắt”, bà tâm sự.

Ngày vào chiến trường, con gái lớn của bà hai tuổi, còn con thứ hai chỉ mới sáu tháng. Lẽ ra, bà có thể không đi, nhưng làm thế lại thấy có lỗi với đồng đội. “Trong chiến tranh, đâu ai chắc có ngày trở về. Hai con tôi lại còn quá nhỏ. Lòng tôi lo lắng, bất an, nhưng luôn có một sự thôi thúc từ bên trong buộc tôi phải lên đường. Tôi không mong làm anh hùng đâu, tôi chỉ mong hòa bình”, bà nói.

Những ngày hành quân, hay những lúc đứng hát giữa bộ đội, bà cứ có cảm giác đôi mắt con gái đang dõi theo mình. Đó cũng là lúc bà không còn sợ nữa. Bởi nếu có hy sinh thì cũng chỉ góp thêm hy vọng để dân tộc - trong đó có con bà, cha mẹ bà - có những ngày bình yên hơn. Nữ nghệ sĩ may mắn trở về lành lặn. Con gái lớn phải mất một lúc mới nhận ra mẹ rồi trách: “Sao mẹ đi lâu thế?”. Còn đứa nhỏ chẳng biết người đứng trước mặt mình là mẹ, cứ liên tục đẩy ra. Chị gái phải dỗ dành, giải thích mãi, em mới chịu nhận mẹ. “Khoảnh khắc đó tôi chỉ biết ôm hai con vào lòng mà khóc”, bà nhớ lại.

Sau đó, bà sinh thêm con trai út. Chồng thường đi diễn xa vài tháng mới về. Hầu như lúc nào bà cũng đi diễn trong tình cảnh tay xách nách mang với ba đứa trẻ bên cạnh, như một gánh hát nhỏ. Có lần, bà diễn ở rạp Tháng Tám (Hải Phòng), đến đoạn cao trào của bài Tàu anh qua núi, sữa chảy ướt đẫm một bên áo dài. Bên dưới khán giả xì xầm, có người còn chỉ trỏ và nói to: “Sữa chảy, sữa chảy”. Bên trong cánh gà, đứa con nhỏ khóc ré lên khiến bà càng sốt ruột. Nhưng nữ nghệ sĩ vẫn phải hát, làm cho trọn trách nhiệm rồi mới xin phép lui vào hậu trường cho con bú, dẫu những tràng pháo tay, sự reo hò chỉ chực níu chân bà ở lại. 

Số lần hát xong vào phải dọn vệ sinh cho con, đưa con đi bệnh viện bà không thể đếm hết. Chỉ nhớ lúc nào xong show diễn, bà cũng xất bất xang bang, đến khi nhìn lại một bên mắt còn mi giả, bên kia thì không. Ngày nào bà cũng thức đến tận hai giờ sáng, để đi hứng nước giặt giũ, sau khi trở về từ các đêm diễn.

Dẫu vậy, nữ nghệ sĩ vẫn nhiều lần thấy day dứt vì không làm tròn trách nhiệm với con. Một lần nọ, con trai út của bà bị bệnh, mà đêm đó, bà lại có buổi biểu diễn quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội không thể hủy. Bà đành để hai con lớn ôm em út đến bệnh viện. Không có điện thoại liên lạc, cũng không có tin tức gì, lòng bà như lửa đốt khi bước lên sân khấu. Hát xong bài đầu tiên, bà chực trào nước mắt vì nỗi lo trong lòng đã không còn kềm nén được. “Tiếp sau đó, tôi hát Tàu anh qua núi. Tôi không còn sức qua núi được nữa. Hát lần đầu không được, lại phải hát lại lần nữa. Giữa Nhà hát Lớn trang trọng như thế, tôi đâu thể nào nói tôi không hát được. Nước mắt tôi cứ tràn ra vì lo lắng”, bà nhớ lại. 

Ngày lễ, tết, người người nhà nhà quây quần bên nhau đầm ấm. Còn bà phải lên đường hát phục vụ khắp nơi, không có thời gian dành cho chồng con. Con gái lớn vừa làm chị, vừa thay mẹ chăm sóc gia đình. Nhiều lần bước lên sân khấu, nghĩ về các con, bà tự cảm thấy có lỗi. NSND Thanh Hoa tâm sự: “Phụ nữ làm nghệ sĩ sẽ khó hạnh phúc nếu không có sự chia sẻ, cảm thông từ gia đình. Điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là chưa bao giờ trọn vẹn trách nhiệm với gia đình”.

Những năm trước đây, Thanh Hoa ít khi nào dám nói bà hạnh phúc, nhưng giờ đây thì bà tự tin vì điều đó. Bởi bà nhận ra, con đường làm nghệ sĩ cũng là hành trình bà nhận được sự đồng cảm, yêu thương vô bờ bến của chồng, con. Họ ở phía sau, nâng đỡ mỗi bước đi của bà thêm vững vàng, bình thản.

NSND Thanh Hoa nói bà sẽ còn hát cho đến khi nào không thể hát được nữa thì thôi. Có gia đình làm bệ đỡ, khán giả vẫn thương, với bà, như thế là đầy đủ lắm. 

Theo Thành Lâm/Phunuonline.com.vn