Nước chấm, không chỉ là một loại gia vị thêm vào món ăn, mà còn mang trong mình một tinh thần đặc biệt của người Việt Nam.
Với hơn 4.000 năm lịch sử văn hóa ẩm thực, người Việt đã sáng tạo ra những loại nước chấm độc đáo, tạo nên hương vị đặc trưng cho các món ăn truyền thống.
Chẩm chéo là một thức chấm mang đặc trưng riêng của núi rừng Tây Bắc, những người đặt chân đến nơi này, thưởng thức chẩm chéo đều “bị nghiện” bởi hương vị độc lạ, vô cùng cuốn hút này.
“Chẩm” là nước chấm, “chéo” là sự kết hợp tinh tế của những loại rau lại với nhau. Có nhiều công thức khác nhau để làm ra gia vị chấm hảo hạng này. Nhìn chung, thành phần chính làm nên chẩm chéo là: Muối, ớt, hạt mắc khén, tỏi, bột ngọt, sả và cùng các loại rau thơm.
Chẩm chéo ăn kèm với các món như rau luộc, xôi, rau sống, đồ nướng hoặc các món đơn giản như hoa quả. Chẩm chéo mang đậm hương thơm của các loại lá, vị cay cay của ớt và thơm ngọt của mắc khén.
Muối ớt xanh là món chấm kèm theo của các món ăn như luộc, hải sản, nướng rất được người miền biển yêu thích. Không hề khô rang như muối bình thường, loại muối này còn nằm ở dạng đặc sệt vô cùng đặc biệt và màu xanh đặc trưng đúng như tên gọi của mình.
Được biết, muối ớt xanh là một đặc sản vô cùng nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa). Nguyên liệu chính làm lên loại đồ chấm này là muối và ớt xiêm xanh kết hợp cùng nước cốt chanh, đường và lá chanh. Cách làm đơn giản là cho những nguyên liệu kể trên theo mỗi lượng định sẵn vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn cho đến khi tất cả hòa quyện vào nhau.
Muối ớt xanh thành phẩm phải có độ sệt nhất định, màu xanh lá bắt mắt của ớt cùng một mùi hương đặc trưng. Khi ăn, vị chua – cay – mặn – ngọt gần như tổng hoà, thêm chút the thé của lá chanh càng tuyệt vời hơn! Loại muối này thường dùng để chấm với các loại hải sản như tôm, ốc, mực, bạch tuộc,… Nó vừa giúp khử mùi của các loại hải sản khi ăn, vừa kích thích vị giác nhiều hơn.
Mắm nêm là loại gia vị quen thuộc của người miền Trung với hương vị đậm đà, thơm ngon. Người dân nơi đây thường tận dụng số lượng cá dư ra, được đánh bắt vào những ngày trời yên biển lặng, mang đi làm mắm để dành ăn vào những ngày thời tiết xấu mưa gió, bão bùng.
Mắm nêm không chỉ là một món ăn dự trữ phải có trong nhà của bà con vùng ven biển mà mắm nêm còn được biết tới với sự kết hợp độc đáo cùng những nguyên liệu gần gũi tạo ra các món ăn khó có thể cưỡng lại được đặc biệt như bún mắm nêm thịt luộc, bánh tráng cuốn thịt heo luộc, cá tai tượng chiên xù hay là món gỏi cuốn tôm thịt,…Khiến cho những thực khách, du khách khi đến với miền Trung phải lưu luyến mãi không quên được cái hương vị dân dả, mộc mạc.
Nghệ thuật làm một chén nước mắm ngon cho bữa cơm gia đình cũng đòi hỏi người làm bếp phải biết phân biệt từng loại mắm cho từng loại món ăn, món nào thì phải đi với nước mắm đấy. Nước mắm cho món này sẽ cần pha với nguyên liệu chanh, đường, sả, tắc thêm, món khác thì chỉ có thể dùng với nước mắm chấm nguyên chất mới đậm đà.
Thường thì người miền Bắc sẽ làm hài hòa đi vị nước chấm bằng cách cho thêm chanh vào nước mắm. Chỉ cần một đến hai thìa đường, thêm vài thìa nước lọc để cân bằng và tan đủ đường, sau cùng là thêm một thìa nước mắm nhĩ nguyên chất đậm đà, kèm sau đó là miếng chanh tươi mọng nước, trộn chung với tỏi, ớt đã băm nhỏ.
Với thời tiết khắc nghiệt của nắng và gió, người miền Trung thường sử dụng nước mắm nguyên chất nguyên vị hơn là pha chế đủ kiểu và thêm nhiều gia vị. Nếu cầu kỳ hơn thì họ sẽ pha chế theo công thức hai thìa nước mắm nguyên chất với nửa thìa đường, thêm chút lát ớt cắt. Cách pha này giúp giữ lại trọn vị nước mắm và làm dậy mùi những món hấp, luộc,… quen thuộc của người dân xứ biển.
Mặc dù cách pha chế nước mắm của người miền Nam nhìn tương tự với cách pha chế nước mắm của người miền Bắc, tuy nhiên điểm khác biệt dễ nhận ra nhất đấy chính là tỷ lệ pha đường, nước, nước mắm,… và các nguyên liệu khác. Công thức để pha chế một chén nước mắm của người miền Nam sẽ là dùng ba thìa đường, thêm ba thìa nước lọc và chỉ một đến hai thìa nước mắm nguyên chất. Tùy theo món ăn được dùng, thì nước mắm pha sẽ được thêm các nguyên liệu khác như chanh, me, gừng, tỏi, ớt đã được băm nhuyễn, rồi trộn đều lên với nhau là đã có được nước chấm chuẩn chỉnh ăn cùng rồi.
Những loại nước chấm thần thánh của người Việt Nam không chỉ đơn giản là gia vị, mà còn mang trong mình một tinh thần sáng tạo và độc đáo. Chúng là bí quyết tạo nên hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam và góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú của nền ẩm thực độc đáo này.