Duyên Dáng Việt Nam

Nước mắt đàn ông

Thoại Vy • 09-07-2018 • Lượt xem: 913
Nước mắt đàn ông

Sẽ là bé cái lầm nếu tưởng đàn ông không biết khóc. Những bậc trượng phu nức tiếng, học giả uyên thâm, hay thi nhân đau đời âm thầm ứa lệ (khấp) khiến người đọc không khỏi mủi lòng

Có phải đàn ông không biết khóc ?

Ngay từ bé, để tỏ ra là bậc nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất”, đàn ông được dạy rằng không nên nhỏ lệ yếu đuối. Khóc chỉ dành cho hạng tiểu nhân hoặc nhi nữ thường tình (Đến đây thì băn khoăn: Nguyên cớ nào Nho giáo xếp phụ nữ và tiểu nhân vào cùng một gói ?).

Cổ ngôn từng minh triết lên gân “Anh hùng khấp huyết bất khấp lệ” (Nghĩa nôm na: Đàn ông / anh hùng khóc ra máu chứ không bật ra nước mắt). Trượng phu ứa lệ đau buồn, nhẹ sẽ bị “chụp mũ” là yếu hèn, nặng thì bị mắng là vô tích sự.. Hãy xem chàng Rama lòng đau như dao cắt trước những giọt nước mắt của vợ nhưng ngoài mặt vẫn lạnh nhạt, dửng dưng. Thậm chí còn tỏ vẻ khách khí (cả trong xưng hô “Hỡi phu nhân cao quý !...”) cho trọn vai người hùng của công chúng. Thà sa trường da ngựa bọc thây bi tráng hoặc kiêu hùng chết đứng như Từ Hải, quyết không quẩn quanh nhỏ lệ nơi xó nhà. Khóc là đặc quyền của phụ nữ? Đó là một phẩm hạnh của nữ giới khi bị hàm oan chăng?!.

Ảnh minh họa

Trước thói ghen tuông, nghi ngờ thiêu đốt sự sáng suốt của hoàng tử Ra-ma, nàng Xi-ta dùng lời lẽ minh oan không xong nên hơn một lần đau đớn khóc vùi “Nước mắt nàng đổ ra như suối” (Sử thi Ramayana). Rama chẳng mảy may động lòng khi nàng Gia-na-ki (Xi-ta) có hành động quyết liệt nhảy vào lửa. Sau thái độ “quả cảm” phi thường đó, dân gian học xếp Ra-ma vào kiểu người hùng lí tưởng, tương tự những nhân vật đàn ông điển hình xếp hàng  lần lượt đi vào thế giới hiện sinh mênh mông của văn học hiện đại và hậu hiện đại.

Tuy vậy, sẽ là bé cái lầm nếu tưởng đàn ông không biết khóc. Những bậc trượng phu nức tiếng, học giả uyên thâm, hay thi nhân đau đời âm thầm ứa lệ (khấp) khiến người đọc không khỏi mủi lòng. Là khi Nguyễn Du nức nở đồng cảm “độc điếu” (viếng một mình) với nàng Tiểu Thanh qua tập sách mỏng (di cảo). Có bận, là câu hỏi vời vợi cô độc của đại thi hào gửi vào hậu thế làm kinh động nhân tình kéo dài hơn ba trăm năm:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

( Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Thiên hạ ai người khóc Tố Như ? *)

Cũng viếng một mình, cũng thở than nức nở nhưng danh sĩ Bắc Hà Phạm Thái ** lại khóc người yêu mà ông trân trọng gọi là “Nương tử”. Phạm Thái tiếc thương nàng Quỳnh Như bạc phận nên không chỉ nhỏ lệ (khấp) mà còn khóc thành tiếng (khốc). “Sùi sụt hai hàng tình lệ” bày tỏ nỗi lòng thành kính phân ưu qua tác phẩm ai điếu vô cùng cảm động: “Văn tế Trương Quỳnh Như”!. Sở dĩ bức khốc văn ấy đọc lên không thoát ra khí nhu nhược mà toát lên chất nghĩa tình tri kỉ vì ngôn ngữ trang trọng mà chân thành, đau xót ngậm ngùi mà không u uất, chất ngất bi ai màkhông ủy mị, sướt mướt … qua hàng loạt từ ngữ cảm thán và câu hỏi tu từ nhức nhối.

Thế nên đàn ông biết khóc và khóc một cách nghĩa khí không hề hiếm trong văn học. Chỉ một câu mở đầu bài thơ “Khóc Dương Khuê” mà độc giả có thể cảm được thi hào Nguyễn Khuyến rụng rời tay chân, đau lòng thế nào khi đột ngột nghe tin bạn thân qua đời : “Bác Dương thôi đã thôi rồi ….”. Và khép lại tâm tình bằng hai câu kết cũng lay động lòng người chẳng kém:

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu chuốc (ép) lấy hai hàng chứa chan.

Bạch Cư Dị nhỏ lệ tri âm với người ca nữ trên bến Tầm Dương thuở nọ không chỉ vì đồng cảnh nảy sinh đồng cảm “cùng một lứa bên trời lận đận”, mà còn bởi tấm lòng nhân ái và nỗi xót thân tủi phận trong một xã hội bất công vùi dập tài hoa. Nên khi thấm thanh âm “buồn bực, tấm tức” mà tỉ tê não nuột của giai nhân một thời, cả tiệc rượu đã bưng mặt khóc vì tiếng đàn tì bà rưng rưng. “Trong đó có ai khóc nhiều nhất ?” (Tọa trung khấp hạ thùy tối đa ?). Tư mã Giang Châu Bạch Cư Di ai oán tự hỏi và tự trả lời “Quan tư mã vạt áo xanh ướt đầm” (Giang Châu tư mã thanh sam thấp). Tác giả “Tì bà hành” không chỉ đa cảm, nhân hậu mà còn rất nhạy cảm với âm nhạc nói chung và thanh điệu nói riêng. Ngay cả tiếng côn trùng rả rích trong đêm đông cũng khiến thi nhân đa sầu:

Ta già nghe chẳng sao đâu

Tuổi xanh nghe dễ bạc đầu như chơi.

Cũng thương tiếc tri âm bạc mệnh, có Bá Nha khóc Chung Tử Kì. Sau khi nâng Dao cầm (Thất huyền cầm) trên tay gảy lần cuối thay cho điếu văn, Bá Nha đập vỡ đàn trước mộ phần người em kết nghĩa, người bạn tri kỉ vong niên. Tương truyền, ông có ngâm mấy câu thơ cảm khái trước khi giũ áo biền biệt:

Dao cầm đập nát đau lòng phượng

Đàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?

Gió xuân khắp mặt bao bè bạn

Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!

Chắc vì tri kỉ khó gặp nên Trần Tử Ngang mới bật khóc vì cám cảnh cô độc trong “Đăng U Châu đài ca” (Bài ca lên đài U Châu) :

Niệm thiên địa chi du du

Ðộc sảng (thương ) nhiên nhi thế hạ (há).

(Bản dịch của Trần Trọng San:

Ngẫm hay trời đất dài lâu /Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan)