Duyên Dáng Việt Nam

Ổ dịch chợ Bình Điền lây lan COVID-19 sang 10 tỉnh, hàng hóa được điều tiết thế nào khi đóng cửa?

P.V • 06-07-2021 • Lượt xem: 406
Ổ dịch chợ Bình Điền lây lan COVID-19 sang 10 tỉnh, hàng hóa được điều tiết thế nào khi đóng cửa?

Sau khi tạm ngưng hoạt động chợ Bình Điền để chống dịch, Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các tỉnh, thành trao đổi với tiểu thương để dừng tập kết hàng hóa tại đây.

Ngày 6.7, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương ký văn bản gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tạm dừng hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tới chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền ở quận 8.

Theo đó, từ 8 giờ ngày 6.7, chợ Bình Điền đã đóng cửa để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19. Để hoạt động lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành phố đến chợ Bình Điền được thông suốt, không ùn ứ, Sở Công Thương TP.HCM đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành thông tin đến tiểu thương trên địa bàn.

Thương nhân các tỉnh chủ động trao đổi, thống nhất với đối tác tại chợ Bình Điền về hình thức vận chuyển, phương thức giao, nhận hàng hóa phù hợ, ưu tiên hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho các khách hàng không tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền.

Sáng cùng ngày, UBND quận 8 cho biết tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn quận ngày càng phức tạp. Tại chợ đầu mối Bình Điền đã xuất hiện nhiều ca dương tính với COVID-19 và lan rộng đến một số quận, huyện ở TP.HCM cùng các tỉnh lân cận.

Trên cơ sở báo cáo của phòng y tế quận, đề xuất của UBND phường 7 và để tạo điều kiện cho Công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền hoàn chỉnh các phương án phòng chống dịch bệnh, chợ này sẽ tạm ngưng hoạt động.

Các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ sẽ tạm dừng để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 kể từ 8 giờ ngày 6.7 đến khi đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh. Chậm nhất 20 giờ ngày 6.7, tiểu thương vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ.

*Đóng cửa chợ Bình Điền, điều tiết hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh thành thế nào?

Chợ đầu mối Bình Điền là đầu mối thứ 2 của TP.HCM (sau chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn) phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến nhiều ca COVID-19 sau khi tổ chức xét nghiệm nhanh vào ngày 5.7.

Để chủ động trong hoạt động kinh doanh, thương nhân có thể thay đổi hình thức vận chuyển, giao nhận hàng theo phương thức điều phối trực tuyến giao tận nơi cho những khách hàng nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng cho biết nhằm kịp thời ứng phó, chợ cũng đang phối hợp Sở Công thương TP.HCM và các quận/huyện, TP.Thủ Đức kết nối các thương nhân, nhà cung cấp đang hoạt động tại chợ cung ứng trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới những khu vực có nhu cầu như các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly…

"Các hoạt động luân chuyển, điều tiết hàng hóa đang được khẩn trương thực hiện để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng thiết yếu không bị đứt gãy, tăng giá", đại diện chợ cho biết. 

Trong ngày 4.7, tổng lượng hàng về chợ khoảng 1.729 tấn, chủ yếu hàng rau củ với hơn 1.000 tấn và thủy hải sản hơn 540 tấn, còn lại là thịt gia súc, gia cầm.

Riêng hệ thống bán lẻ Satra bao gồm 3 siêu thị Satramart, siêu thị Sài Gòn, siêu thị Phạm Hùng, siêu thị Củ Chi và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, đại diện Satra khẳng định các nhà cung cấp hiện hữu vẫn đảm bảo cung ứng đủ lượng rau củ quả và cá nước ngọt cho toàn hệ thống trong những ngày tới. 

Trước khi phải tạm dừng hoạt động kinh doanh, Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền đã phối hợp cơ quan y tế quận 8 tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ người đến chợ bao gồm thương nhân, người lao động, khách hàng ra vào chợ và cung cấp giấy xác nhận nếu có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Tuy nhiên, qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện nhiều ca dương tính với COVID-19.

*Lây lan COVID-19 sang 10 tỉnh

Ngày 19.6, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (quận 8, TP.HCM) thông tin chợ đầu mối này đã ghi nhận một ca nghi nhiễm COVID-19 là nhân viên của một hợp tác xã bốc xếp thủy hải sản.

Một tuần sau, chuỗi lây liên quan chợ Bình Điền ghi nhận 21 ca. Ổ dịch được đánh giá phức tạp, vì nơi này là đầu mối tiêu thụ và cung cấp hàng hóa cho thành phố và các tỉnh phía nam. Nhiều ca nhiễm là tiểu thương, tiếp xúc với nhiều người, mầm bệnh có nguy cơ theo người mua hàng lan ra các tỉnh.

Ngày 28.6, Trà Vinh ghi nhận một ca dương tính với COVID-19, ngay lập tức Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ký quyết định thiết lập vùng cách ly ở ấp Hòa Thành, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, với 21 hộ dân. Theo điều tra dịch tễ, ca nhiễm này làm việc tại chợ đầu mối Bình Điền.

Ngày sau đó, ngày 29.6, Trà Vinh và Long An ghi nhận 4 ca nhiễm, tất cả liên quan đến chuỗi lây nhiễm chợ Bình Điền.

Ngày 2.7, Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện 2 ca mắc COVID-19 liên quan đến chợ Bình Điền. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẩn trương truy vết, phong tỏa tạm thời một tổ dân cư và chợ xã Sơn Bình (huyện Châu Đức).

Ngày 3.7, Bình Phước cũng ghi nhận ca dương tính với COVID-19 đầu tiên liên quan đến ổ dịch Bình Điền.

Ngày 4.6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết trên địa bàn tỉnh phát hiện ca dương tính với COVID-19: Tài xế lái ô tô tải chở hàng từ chợ Bình Điền đến khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú). Cùng ngày, một tiểu thương chợ Bình Điền ngụ tại Biên Hòa (Đồng Nai) cũng có kết quả dương tính với COVID-19.

5.7 là ngày ghi nhận sự lây lan đỉnh điểm của ổ dịch nguy hiểm này. Theo đó, Vĩnh Long ghi nhận 1 ca, Tây Ninh 1 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 1 ca, Thanh Hóa 4 ca.

Đáng chú ý, tỉnh Sóc Trăng phát hiện ca dương tính với COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng. Bệnh nhân đi nhờ xe chở cá của người quen đến chợ Bình Điền, sau đó lấy cá tại cầu Chà Và rồi giao ở chợ Bình Điền.

Tính đến ngày 6.7, liên quan ổ dịch chợ đầu mối Bình Điền, ngành y tế đã ghi nhận 56 ca COVID-19 ở 10 tỉnh, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Thanh Hóa, Trà Vinh, Long An, An Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long.

Đánh giá mức độ nguy hiểm của ổ dịch chợ Bình Điền, ngay khi ghi nhận các ca nhiễm liên quan đến chuỗi lây nhiễm, lãnh đạo các tỉnh, thành miền Tây đã nhanh chóng truy vết cũng như áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để khống chế dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo người từ các địa phương khác đến Tiền Giang phải có giấy xét nghiệm rRT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có kết quả âm tính với COVID-19, thời hạn không quá 3 ngày.

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cách ly tập trung 21 ngày với tất cả công dân của tỉnh về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, An Giang, Tiền Giang, đồng thời siết chặt cửa ngõ ra vào tỉnh, đặc biệt lưu ý người di chuyển bằng xe gắn máy.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ký thông báo về việc thực hiện nghiêm khai báo y tế để bảo an toàn phòng chống dịch. Theo đó, trường hợp không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo không trung thực làm dịch COVID-19 lây lan cho người khác và cộng đồng có thể bị phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo 1thegioi.vn