Duyên Dáng Việt Nam

Ông Nguyễn Công Khế: Bóng đá Việt Nam muốn thành công phải tập hợp được nguồn lực

Hà Thành • 22-03-2018 • Lượt xem: 1266
Ông Nguyễn Công Khế: Bóng đá Việt Nam muốn thành công phải tập hợp được nguồn lực

Trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ 8, VTC News có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, một trong những ứng viên Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 8.

- Ông có bất ngờ không khi được đề cử vào vị trí chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới?

Ông Nguyễn Công Khế: Cách đây nhiều năm, hồi anh Nguyễn Danh Thái còn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao có lần đề nghị tôi ra làm Chủ tịch. Tôi cũng đã nói, tôi có cách đóng góp bóng đá theo cách của tôi là làm cho bóng đá trẻ.

Ông Nguyễn Công Khế - Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên – Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên – Trưởng Ban tổ chức các Giải bóng đá trẻ U19 và U21.

Từ trước đến nay tôi chỉ nghĩ tôi làm bóng đá trẻ thôi. Từ khi ông Võ Văn Kiệt còn làm Thủ tướng, ông Hồ Đức Việt còn là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn giao tôi việc chăm lo, đào tạo lớp cầu thủ trẻ, đến nay tôi và anh chị em ở Báo Thanh Niên và Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đã luôn gắn bó với việc này và đã làm được 21 năm Giải U21 Quốc gia, Quốc tế Báo Thanh Niên, và 2 năm Giải U19 Quốc gia, Quốc tế. Tôi định xin luôn việc tổ chức các Giải từ U11 đến U21.

Tôi cũng có tham vọng làm luôn bóng đá học đường. Các anh cứ nghĩ mà xem, hàng chục ngàn trường Tiểu học, Trung học, Đại học khắp đất nước Việt Nam mà nếu chúng ta đều có sân bãi, đều có chương trình gửi trái bóng xuống, có chương trình đào tạo từ cơ sở học đường như vậy tôi tin chỉ 5 năm, 10 năm bóng đá Việt Nam thay đổi ngay.

Các lò đào tạo lớn, chuyên nghiệp sẽ lấy nguồn từ đây và bóng đá nhất định sẽ thay đổi. Lâu nay chúng ta không tính. Đáng nhẽ Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải kết hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo để làm từ lâu, vừa rồi gặp các anh Trung ương Đoàn tôi có nói việc này. Tôi vẫn mê bóng đá trẻ.

- Ông có kế hoạch gì nếu được tín nhiệm bầu vào vị trí chủ tịch VFF hay không?

Thực ra có ít nhất có 5 doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, nói nếu anh tham gia Liên đoàn, họ sẽ bỏ ra một số tiền khá lớn hằng năm để cùng nhau xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp và công tác đào tạo trẻ.

Tôi có nghe thông tin ngày trước anh Lê Hùng Dũng cũng từng nói phải kiếm về cho Liên đoàn mấy trăm tỷ thì mới hoạt động tốt được. Nhưng từ trước đến nay, chưa ai làm được.

Nếu phải góp ý cho những người tham gia vào Liên đoàn bóng đá khóa tới, tôi cũng đề nghị họ nên tập trung hỗ trợ bóng đá học đường, hỗ trợ và mở rộng các lò đào tạo tuyến trẻ như kiểu HAGL của Bầu Đức, PVF của ông Phạm Nhật Vượng, Hà Nội của Bầu Hiển, của Viettel, Nghệ An…

Từ trước đến nay bóng đá chúng ta xây nhà trên cát, nên chưa tạo ra những lớp tuyển thủ kế tục vững chắc. Thời Hồng Sơn, Huỳnh Đức người ta gọi đó là thế hệ vàng của Bóng đá Việt. Tuy nhiên đội tuyển Việt Nam gặp các tuyển thủ Thái Lan, Malaysia, Myamar là thấy có phần ngán ngại. Đến khi có mặt của ông HLV Weigang chúng ta mới có được 1 huy chương bạc SEA Games 1995 và 1 huy chương đồng Tiger Cup 1996.

Video: Truyền hình Nhật Bản làm phóng sự về thành công của U23 Việt Nam tại Trung Quốc

Nhưng giờ này các tuyển thủ đội U23 xuất phát từ các lò đào tạo của các doanh nhân, cộng thêm sự có mặt của HLV người Hàn Quốc là ông Park Hang Seo diện mạo của đội tuyển thay đổi, lập tức chất lượng tuyển thủ và ý chí thi đấu khác hẳn, ta thắng các đối thủ đáng gờm của châu lục để giành ngôi á quân U23 châu Á.

Khi tôi gặp ông Bộ trưởng Argentina phụ trách về Thể thao, ông nói bóng đá đỉnh cao của Argentina rất mạnh nhưng công chúng thì không yêu bóng đá như Việt Nam. Công chúng và môi trường bóng đá Việt Nam mà ta làm tốt thì người ta dám bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ cho bóng đá không có gì lớn cả. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ chính sách, tinh thần, định hướng cho bóng đá.

Ai sẽ ngồi ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII?

Tôi gặp các em U23, tôi hỏi tại sao các em lại có được chuyển biến đột biến vậy. Các em nói, ông Park nói với họ, các cầu thủ của ta đâu có thua kém về kỹ thuật so với Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ có thể lực hơi yếu một chút, nhưng chúng ta khắc phục được, và do sự phân tích như vậy khiến họ vững tin và làm nên kỳ tích.

- Ông có cho rằng, trước đại hội chúng ta đang hơi căng thẳng không?

Tôi không chấp nhận cuộc chơi kiểu như thế này. Thực sự tôi không muốn tích cực tham gia vào là vì ở đây cuộc chơi không sòng phẳng.

Đáng lẽ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao phải nhìn ra trên mặt bằng rộng chứ không chỉ những người quanh mình để chọn người cho Liên đoàn Bóng đá.

90 triệu dân này biết bao nhiêu nhân tài, biết bao nhiêu người có khát vọng, không chỉ cỡ như tôi đâu, mà tôi nghĩ nhiều người giỏi, tâm huyết hơn nhiều. Họ muốn đóng góp nhưng không được hỏi đến, không được tạo điều kiện.

Anh phải mở các cuộc hội thảo, hội nghị bàn tròn, hội nghị Diên Hồng tìm ra đường đi cho bóng đá. Còn đối với những người họ không có ham danh vọng, không ham tiền bạc, họ mê bóng đá, một lòng một dạ với bóng đá, anh phải mời họ vào Liên đoàn chứ họ đâu có chen lấn mà xin vô, hoặc tranh thủ để lấy phiếu.

Tôi dứt khoát không chen lấn cái ghế trong Liên đoàn. Tôi không làm chuyện đó. Đáng ra anh phải mời tới trao đổi với những ai được đánh giá là họ tâm huyết và tập hợp được nguồn lực trong xã hội cho bóng đá. Nhưng đằng này không có một cuộc làm việc nào như vậy.

Đến giờ này họ không có sự trao đổi với bất cứ ai, không có đi tìm hiểu ai những người nhiệt huyết với bóng đá qua nhiều thế hệ khác nhau. Họ không làm chuyện đó thì làm gì chọn được người tâm đức cho bóng đá.

Làm bóng đá phải tuyệt đối trong sạch. Bóng đá và môi trường của nó phải lành mạnh, phải sạch, phải vô vụ lợi.

Thế nên có chuyện anh Đức bực. Anh được các thành viên giới thiệu vào, họ cũng lờ đi. Rồi chuyện có CLB đề cử hai ba người, họ vẫn để nguyên. Anh phải hợp thương trao đổi với các tổ chức thành viên, với người được các CLB để tìm đề cử thật xứng đáng, tiêu biểu. Nhưng anh cứ để rối rắm như vậy thì những người tâm huyết họ sẽ ngãng ra.

Ban chấp hành Liên đoàn là xương sống của nền bóng đá, nếu mà Chủ tịch, các Phó chủ tịch Liên đoàn không yêu bóng đá, không một lòng một dạ với bóng đá thì không thể tạo ra một nền bóng đá phát triển, để bóng đá đất nước có 1 vị trí lớn trong khu vực, để vươn lên trong châu lục và Quốc tế.

Tôi nói vừa rồi, mình ghi nhận thành tích của các em trong đội tuyển U23 ở giải châu Á, nhưng khi trả tiền cho HLV Park Hang Seo mà phải để cho ông Đoàn Nguyên Đức bỏ ra trả tôi thấy nó không công bằng và Liên đoàn không cáng đáng được cả việc trả lương cho 1 HLV đội tuyển thì “ê” quá.

- Ông nghĩ thế nào khi ông Đoàn Nguyên Đức là người lên tiếng ủng hộ ông vào ghế Chủ tịch VFF?

 

 Bầu Đức lên tiếng ủng hộ ông Nguyễn Công Khế ứng cử chức Chủ tịch VFF.

Anh Đức và anh Võ Quốc Thắng là những người yêu bóng đá, gần gũi tôi. Trước Tết, anh Đỗ Quang Hiển Chủ tịch SHB cũng nói anh Nguyễn Quốc Hội Chủ tịch CLB Hà Nội tiếp xúc với tôi để động viên tôi tham gia vào lãnh đạo Liên đoàn bóng đá. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các anh.

Thực sự tôi chưa bao giờ, tôi nghĩ mình tham gia Ban chấp hành. Hồi trước Báo Thanh Niên làm Giải U21 và được đề nghị tham gia BCH tôi cũng cử anh Quốc Phong, Phó Tổng Biên Tập tham gia, tôi nghĩ để tôi làm chuyện khác nó có lợi hơn cho bóng đá.

Anh Đoàn Nguyên Đức cũng dành cảm tình cho tôi vì cho rằng, tôi có chừng mực nào đó đóng góp cho bóng đá trẻ mấy chục năm qua.

- Những phát ngôn gần đây của bầu Đức nhắm vào ông Trần Anh Tú có khiến đại hội VFF mất tính đoàn kết không?

Đấu tranh thì đâu phải mất đoàn kết. Đấu tranh để xây dựng chứ không phải cứ để trong lòng không nói ra, không góp ý là giữ đoàn kết.

- Có những thông tin cho rằng có phong trào chấn hưng bóng đá Việt Nam trên mạng xã hội đang khiến thông tin về cuộc đua ghế Chủ tịch VFF dễ gây mất đoàn kết. Điều này có ảnh hưởng đến 1 ứng viên Chủ tịch VFF như ông không?

Tôi ghét chữ “cuộc đua” lắm. Đua tranh làm việc tốt cho bóng đá thì tôi mừng, nhưng đua tranh vào giữ ghế này, ghế khác thì ở ngoài người ta dễ nghĩ rằng, mình kiếm gì ở đây mà “đua với tranh” chứ?

Còn anh nào giỏi thì cứ trình ra cương lĩnh chương trình hành động của mình, lộ trình cho 2 năm bóng đá sẽ thế nào, 3 năm bóng đá sẽ thế nào, 5 năm bóng đá cho ra kết quả thế nào.

Anh trình luôn cả chuyện nếu anh vào, anh tập hợp nguồn lực như thế nào về mặt tài chính, đào tạo, lộ trình đi tới để vượt qua các đối thủ trong khu vực và quốc tế trong thời gian bao lâu, mỗi năm anh tìm được bao nhiêu tiền cho bóng đá?

Anh không làm chuyện đó, mà dùng các thủ thuật để đua tranh chức này, chức kia tôi cho là không lành mạnh. Nhưng tôi nghĩ các đại biểu đi dự đại hội họ đủ sức hiểu các ngóc ngách của vấn đề.

- Tôi có cảm giác ông đang rất bình thản trước đại hội và để mọi thứ thuận theo tự nhiên?

Tôi không có bất cứ suy nghĩ gì về việc vào để giữ cái chức vụ trong Liên đoàn. Cá nhân tôi chỉ suy nghĩ duy nhất là Liên đoàn sắp tới phải tập hợp được người tài, không cần có tôi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người rất yêu bóng đá. Ông chăm sóc rất kỹ các bộ môn thể thao và nhất là bóng đá. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và một số lãnh đạo khác cũng yêu bóng đá không kém. Đó cũng là thế mạnh của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá là chính trị, là giáo dục thế hệ trẻ, là tinh thần dân tộc chứ không chỉ là trái bóng đá qua đá lại trên sân. Bóng đá thể hiện sức mạnh dân tộc. Người ta nói bóng đá không liên hệ gì đến dân tộc, chính trị là nói không đúng.

- Bây giờ ông ứng cử và nếu như ông trúng cử thì ông sẽ sẵn sàng làm Chủ tịch VFF? 

Bây giờ mà nói thì quá sớm, hồ sơ tôi vẫn để đó thôi. Nhưng tôi nói rằng, tôi để đó vì tôn trọng những người giới thiệu tôi. Và nói thật, hàng ngày có rất nhiều người gọi điện đến động viên tôi, và đến nay việc tôi giữ hồ sơ ứng cử không có nghĩa là tôi sẽ tham gia vào Ban lãnh đạo Liên đoàn.

Vấn đề là tôi muốn theo dõi cách vận hành của các anh như thế nào? Tôi không quan tâm đến chức vụ trong đó. Tôi có rất nhiều việc khác phải làm cho bóng đá, có khi còn hữu ích hơn.

- Xin cảm ơn ông!