Duyên Dáng Việt Nam

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: "Thực hiện 5K lúc này không được bắt buộc..."

DDVN • 07-04-2022 • Lượt xem: 254
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: "Thực hiện 5K lúc này không được bắt buộc..."

Trong điều kiện như hiện nay, người dân chỉ thực hiện 5K tự giác, chứ không thể nào bắt buộc được và thực hiện linh hoạt trong từng hoàn cảnh, điều kiện công việc.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM đã nhấn mạnh như thế khi trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về việc thực hiện quy định 5K trong điều kiện các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường.

Quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, và không tụ tập) đã được Bộ Y tế đưa ra từ khi bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam. Đã 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 diễn ra liên tục ở nước ta, đặc biệt là trong năm 2021 vừa qua, việc thực hiện 5K gần như bắt buộc, có lúc người dân không thực hiện 5K còn bị xử phạt.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội đã dần trở lại bình thường và đến nay các hoạt động này đã gần như bình thường trở lại. Việc thực hiện 5K trong điều kiện xã hội hoạt động bình thường, khi mọi người đều được đi làm, đi học, đi du lịch… là điều rất khó thực hiện nếu không muốn nói là bất khả thi.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, trong điều kiện như hiện nay, người dân chỉ thực hiện 5K tự giác chứ không thể nào bắt buộc được, và thực hiện linh hoạt, uyển chuyển trong từng hoàn cảnh, điều kiện công việc.

Ông có thể nói cụ thể hơn việc thực hiện 5K trong điều kiện mở cửa hoạt động bình thường này?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Thực hiện 5K lúc này không được bắt buộc, nhưng người dân nên tự giác. Nếu người dân tự giác được thì tốt. Thật ra đối với người thân, quen mới đứng gần, chứ người xa lạ cũng có mấy ai đứng gần làm gì. Trong 5K quy định không tụ tập, chứ không phải là không tập trung, mà tụ tập thì chỉ có những người thân quen mới tụ tập, chứ có ai người xa lạ mà tụ tập đâu.

Trong thời gian qua, Việt Nam và nhiều quốc gia khác thực hiện 5K cho thấy, không chỉ giảm được bệnh nhân mắc COVID-19 mà còn giảm được bệnh nhân hen suyễn, viêm phổi cấp COPD, cúm… Vì vậy, biện pháp này không chỉ tốt cho bệnh COVID-19 mà còn nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, chúng ta không nên bắt buộc thực hiện 5K mà đây là quyền tự do của mỗi người dân, ý thức trong việc phòng bệnh của mình mà thôi.

Có một thực tế, nếu chúng ta thực hiện đúng 5K trong điều kiện hoạt động bình thường thì có sự mâu thuẫn, rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là không có tính khả thi. Vì vậy có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên kêu gọi người dân thực hiện 5K?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Thực hiện 5K là những biện pháp bảo vệ người dân, Nhà nước có thể khuyên người dân thực hiện, chứ không có vấn đề gì lớn. Khi đi học, đi làm hay mua bán chúng ta cố gắng đừng có sát người khác, còn bất đắc dĩ phải sát người khác thì cũng chấp nhận như là điều bình thường.

Chúng ta thực hiện 5K trong điều kiện các hoạt động xã hội trở lại bình thường không phải là tuyệt đối, đây chỉ là biện pháp khuyên người dân thôi. Điều này nó giống như khuyên người dân khi có hắt xì thì nên lấy khăn che miệng, chứ không ai bắt buộc cả, nếu không che miệng khi hắt xì thì người khác nhìn vào cảm thấy kỳ cục thôi.

Thật ra hiện nay, cũng không có quá nhiều người dân hiểu hết 5K đâu, nhiều người hiểu 5K chỉ là giữ cẩn thận đừng để cho lây bệnh, chứ không phải ai cũng hiểu và cắt nghĩa từng “K” như thế.

Nói tóm lại, trong điều kiện nào chúng ta có thể giữ được 5K thì giữ, còn trong điều kiện nào không thể giữ được 5K thì cũng không sao.

Mới đây Sở Y tế TP.HCM khẳng định, TP vẫn thực hiện nghiệm việc đeo khẩu trang và khử khuẩn; còn giữ khoảng cách, khai báo y tế và không tụ tập thì sẽ áp dụng uyển chuyển, linh hoạt tùy theo tình hình dịch của từng địa phương. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Theo tôi tất cả các “K” đều phải uyển chuyển, linh hoạt từng lúc, từng nơi, chứ không chỉ có uyển chuyển, linh hoạt trong việc giữ khoảng cách, khai báo y tế và không tụ tập. Trong trường hợp đeo khẩu trang gặp phải những bất tiện, không thực hiện tốt công việc cũng có thể không cần phải đeo. Một học viên ở lớp tôi khi đeo khẩu trang thực hiện việc báo cáo không rõ, tôi vẫn đề nghị học viện ấy tháo khẩu trang để báo cáo rõ ràng hơn. Đây là vấn đề linh hoạt, uyển chuyển. Như vậy, trong quá trình học tập, công tác hay sinh hoạt, nếu việc thực hiện 5K gặp phải sự cản trở thì chúng ta có thể bỏ, còn nếu không cản trở thì mình thực hiện.

Nói gì nói, việc thực hiện 5K hiện nay vẫn có hiệu quả, không phải 100%, nhưng cũng được 30-40%. Chẳng hạn giữ khoảng cách, không tụ tập cũng có hiệu quả 10-20%. Tuy nhiên, nếu việc thực hiện 5K gây cản trở thì mình có thể bỏ qua. Từ trước đến nay, chưa ai bị bắt vì không giữ khoảng cách hay không khử khuẩn cả, chỉ có duy nhất không đeo khẩu trang là bị phạt thôi.

Liên quan đến dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đến thời điểm này, các biến chủng vi rút SARS- CoV-2 liên tục xuất hiện. Sau khi xuất hiện biến chủng Omicron thì một số quốc gia trên thế giới lại ghi nhận thêm biến chủng mới là XE có tốc độ lây lan nhanh hơn cả Omicron. Ông nhận định như thế nào về biến chủng mới này?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Khi xuất hiện biến chủng mới có thể có nguy cơ cao. Tuy nhiên, lúc này có một biến chủng lây lan nhanh hơn so với các biến chủng trước là khá hiếm. Những biến chủng và biến chủng phụ đang có hiện nay chưa nguy hiểm nhiều. Đối với XE chỉ là một biến chủng phụ của biển chủng Omicron thôi, chứ không phải là một biến chủng mới nên nó vẫn nhạy với vắc xin, nếu chúng ta tiêm đủ vắc xin thì không ngại gì biến chủng này cả.

So với chủng Omicron cũ thì biến chủng phụ XE có tăng độ lây lan nhanh hơn khoảng 10%. Với việc tăng hơn 10% so với chủng Omicron cũ thì chưa đủ để có thể đảo ngược khiến dịch bệnh tăng trở lại.

Các nghiên cứu cho thấy, nếu xuất hiện một chủng mới có tốc độ lây lan cao gấp 3-4 lần so với chủng trước thì sẽ đảo ngược, dịch tăng lên; còn với tốc độ tăng khoảng 10% như biến chủng phụ XE so với chủng Omicron trước đó thì chưa đủ để có thể đảo ngược.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện làn sóng dịch mới chỉ xảy ra khi khối cảm nhiễm ( những người có khả năng bị nhiễm) còn cao, nhưng hiện nay việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cơ bản đã bao phủ nên khối cảm nhiễm này rất thấp.

Nhưng không ít người dân lo lắng, mỗi khi dịch bệnh lắng xuống lại xuất hiện biến chủng mới. Nếu cứ liên tục xuất hiện các biến chủng mới như thế này thì biết bao giờ chúng ta mới hết dịch COVID-19, thưa ông?

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Trong dịch bệnh có một nguyên tắc “dịch nuôi dịch”, có nghĩa là biến chủng mới xảy ra khi có ca lây nhiễm. Nếu không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, ai cũng để cho mình lây nhiễm, vì nghĩ không sao cả. Nếu để lây nhiễm như vậy sẽ tạo ra biến chủng mới, càng để lây nhiễm càng nhiều thì dễ tạo ra biến chủng mới.

Vì vậy chúng ta tránh để lây nhiễm, tránh lây nhiễm càng lâu càng tốt. Điều này sẽ giúp hạn chế phát sinh những biến chủng mới, hay biến chủng phụ. Khi đã giảm biến chủng hoặc không phát sinh biến chủng mới, và lúc đó ai cũng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì sẽ trở về bình thường.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!