Duyên Dáng Việt Nam

Phân biệt kỷ luật và trừng phạt trong nuôi dạy con cái

Hoa Hà • 25-11-2020 • Lượt xem: 863
Phân biệt kỷ luật và trừng phạt trong nuôi dạy con cái

Kỷ luật con cái - có lẽ là phần ít thú vị nhất trong quá trình nuôi dạy trẻ. Điều này có thể khiến bất kì ông bố, bà mẹ nào cảm thấy nản lòng, chán nản và mệt mỏi. Vậy, đã bao giờ bạn tự hỏi:
- Làm thế nào chúng ta có thể kỷ luật trẻ em mà không dùng hình phạt?
- Sự khác nhau giữa kỷ luật và trừng phạt là gì?
Mặc dù, trên thực tế, nhiều người sử dụng kỷ luật và trừng phạt thay thế cho nhau. Tuy nhiên chúng không phải là từ đồng nghĩa, nên không giống nhau.

Thế nào là trừng phạt?

Trừng phạt đưa ra những hình phạt cho hành vi mắc lỗi của trẻ. Đó là việc bắt một đứa trẻ phải "trả giá" cho những sai lầm của mình. Mong muốn trừng phạt bắt nguồn từ cảm giác thất vọng, thậm chí là sự tuyệt vọng của cha mẹ.

Những hành vi có thể được coi là trừng phạt: gây ra đau đớn về thể xác và tinh thần bằng những cách như đánh đòn, nói những điều nhằm hạ bệ, xúc phạm; thậm chí bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của trẻ (buộc trẻ cầm một tấm biển có nội dung: “Tôi là kẻ ăn trộm”, “Tôi là đứa trẻ hư”...)

Thế nào là kỷ luật?

Kỷ luật dạy cho trẻ những kỹ năng mới, chẳng hạn như cách quản lý hành vi, giải quyết vấn đề và đối phó với những cảm xúc không thoải mái. Kỷ luật giúp trẻ học hỏi từ những sai lầm của chúng và dạy trẻ cách để đối phó với những cảm xúc, như tức giận và thất vọng.

Các kỹ thuật kỷ luật bao gồm các chiến lược như đặt thời gian chờ hoặc loại bỏ các đặc quyền (không được đi chơi công viên, không được xem TV...). Mục đích là để trẻ nhận ra hậu quả của các hành vi mà chúng đã làm, giúp trẻ đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Những hành vi kỷ luật tích cực của cha mẹ bao gồm: Cho trẻ úp mặt vào tường để trẻ có thời gian suy nghĩ về việc làm của mình, cho trẻ lựa chọn phương án, tước bỏ TV trong 24 giờ khi một đứa trẻ không chịu tắt nó, yêu cầu trẻ tự lau dọn chỗ mực trẻ làm đổ ra sàn nhà, yêu cầu trẻ dọn đồ chơi khi chúng bày bừa...

Sự khác biệt giữa kỷ luật và trừng phạt là gì?

Kỷ luật là một phương pháp tích cực để dạy một đứa trẻ tự chủ, tự tin và có trách nhiệm. Chìa khóa của kỷ luật tích cực là dạy một đứa trẻ hành vi nào là ổn và hành vi nào là không ổn. Trọng tâm là những gì trẻ em được mong đợi và được phép làm. Nó bao gồm việc bắt trẻ ngoan và khuyến khích hành vi phù hợp.

Trừng phạt hoàn toàn khác với kỷ luật. Trừng phạt có thể mang tính vật chất như đánh đòn, đánh hoặc gây đau đớn. Nó có thể là tâm lý như không tán thành, cô lập hoặc làm cho xấu hổ. Trừng phạt tập trung vào hành vi sai trái trong quá khứ và ít hoặc không đưa ra bất cứ điều gì để giúp trẻ cư xử tốt hơn trong tương lai. Khi trừng phạt được sử dụng, người trừng phạt trẻ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của trẻ.

Trẻ em được nuôi dạy theo cách đề cao kỷ luật tích cực sẽ hiểu hành vi của chính mình hơn, thể hiện sự độc lập và tôn trọng bản thân và người khác. Kỷ luật tích cực là một quá trình chứ không phải một hành động đơn lẻ. Nó dạy trẻ cách hòa đồng với những người khác. Trẻ em phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái, trẻ hiểu những hậu quả mà chúng đã gây ra với những hành vi của mình và cao hơn hết, chúng rút ra được bài học nhận thức cho bản thân mình.

Kỷ luật đưa bé vào khuôn khổ, giúp chúng trở thành những đứa trẻ có kỷ cương, nền nếp; trong khi đó trừng phạt chỉ khiến trẻ trở nên “xấu tính”, hung hăng, và bị nhiễm những thói xấu.

Hậu quả của trừng phạt

▪ Trừng phạt khiến một đứa trẻ thay đổi cách chúng nghĩ về bản thân mình. Nó khiến trẻ trở nên tiêu cực, chúng sẽ nghĩ rằng “mình thật tệ”, “mình thật xấu”, “mình là một đứa trẻ tồi”, “vô dụng”...

▪ Trừng phạt dạy cho trẻ biết rằng chúng không thể kiểm soát được bản thân. Chúng học được rằng cha mẹ phải quản lý hành vi của chúng vì bản thân trẻ không thể tự mình làm điều đó.

▪ Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, trừng phạt thể chất như đánh đòn không thực sự cải thiện hành vi của trẻ, những đứa trẻ bị trừng phạt thường cảm thấy tức giận đối với người gây ra nỗi đau cho chúng hơn là suy nghĩ về những hành vi sai trái bản thân đã làm.

▪ Theo Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ AAP, hình phạt cũng không giúp trẻ biết tại sao chúng nên làm điều đúng đắn trong tương lai, tức là trừng phạt không dạy cho trẻ cách cư xử. Chúng chỉ cư xử tốt khi có người lớn ở đó, nhưng sẽ làm bất cứ điều gì chúng muốn vào những lúc không có người lớn kèm bên. Hơn nữa, khi trẻ em thấy mình liên tục bị trừng phạt, chúng có nhiều khả năng sử dụng sự hung hăng về thể chất để giải quyết xung đột với bạn bè hoặc thậm chí người lớn.

Lợi ích của kỷ luật

▪ Ngược lại với trừng phạt, kỷ luật là chủ động. Nó ngăn ngừa nhiều vấn đề về hành vi và đảm bảo trẻ em tích cực học hỏi từ những sai lầm của chúng. Kỷ luật tích cực khuyến khích hành vi tốt tiếp tục và cung cấp cho trẻ những động lực rõ ràng để tuân theo các quy tắc.

▪ Kỷ luật cũng thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái, làm giảm hành các vi thúc đẩy trẻ hành xử một cách điên rồ để tìm kiếm sự quan tâm, chú ý của người lớn.

▪ Điều quan trọng là kỷ luật không phải làm trẻ em xấu hổ. Một đứa trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân sẽ ít có những lựa chọn sai lầm hơn. Thay vào đó, trẻ sẽ tự tin vào khả năng quản lý hành vi của mình.

▪ Trong khi trừng phạt thường mang tính cảm tính và phản ứng, kỷ luật là một cách tiếp cận chủ động và hợp lý hơn. Khi trẻ nhìn thấy một bộ quy tắc rõ ràng và luôn có kỷ luật đối với những hành vi vi phạm các quy tắc đó, trẻ sẽ tích cực học hỏi từ những sai lầm của mình. 

 Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là dạy trẻ nhận biết và kiểm soát hành vi của mình một cách độc lập. Những kỹ năng này là những bước quan trọng để trẻ em phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh, ổn định về mặt cảm xúc, trở thành những người có ích cho xã hội. Bằng cách sử dụng các kế hoạch kỷ luật rõ ràng và dạy trẻ cách kiểm soát hành vi của mình một cách độc lập, chúng ta cuối cùng sẽ giúp trẻ đảm bảo thành công trong tương lai khi trưởng thành.

(Hình ảnh trong bài mang tính chất minh họa)