Người tư duy tự do chỉ là một ý tôi rút ra từ cái tựa sách của nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Phan Huy Đường “Penser librement”. Dịch thoát qua là “Nghĩ thoải mái”. Chữ này tưởng cũ thế mà hóa ra đắt ghê gớm!
Các bài xem thêm:
Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 1)
‘Triết gia nhà quê’ thành công với ‘Cám dỗ Việt Nam’
‘Gai sắc’ trong truyện Trần Vũ (kỳ 1)
Tôi nhớ cái ấn tượng lạ lẫm châm biếm mà trong những lần liên lạc với tôi, khi gửi những thông tin từ website “Ăn mày văn chương” bao giờ ông cũng thòng thêm một câu “cứ thoải mái xem”. Với tư duy của người Việt hình như vẫn quen và thích “cứ thoải mái ăn” chứ chưa quen lắm với “thoải mái xem”! Ngay với đám nhà văn chữ nghĩa cũng thế! Lười đọc. Chậm đọc. Và không đọc! Vì những cái mới lạ là thử thách và khó tiêu. Ăn khó tiêu, nhưng ngon miệng vẫn cứ cố ăn. Đọc khó tiêu một chút là ngại, là bỏ! Vì thế cứ thoải mái xem tưởng sung sướng lắm hóa ra cực hình! Và đó là một chất giễu nhại đầu tiên về cốt cách và thế giới Phan Huy Đường.
Chân dung nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Triết học Phan Huy Đường (1945 - 2019)
*
Phan Huy Đường là một tên tuổi lớn trong những trí thức sống ở nước ngoài và vẫn làm việc chí cốt với tiếng Việt. Tôi nói “làm việc với tiếng Việt” theo nghĩa đen là có nguyên nhân. Ông là một dịch giả gạo cội và đã chuyển ngữ rất nhiều tác phẩm tương đối có tầm, có tiếng vang của các nhà văn Việt Nam ra tiếng Pháp và sau này là tiếng Anh. Một công việc mà phải nói rõ rằng chỉ có thể làm bằng tình yêu khi xa quê hương bởi ông kể cho tôi hay ông sang Pháp từ những năm 1963, khi vừa 18 tuổi. Có lẽ ông thuộc thế hệ các nhà văn, dịch giả đi học và ở lại để có môi trường được làm việc, cống hiến nhiều hơn chứ không vì biến cố chính trị. Ông có viết một cái biographie khá ấn tượng để trên trạm đọc Ăn mày văn chương do ông tổng chủ như sau:
"Sinh 1945 tại Hà Nội, Việt Nam. Năm có hơn triệu người Việt chết đói.
Còn sống: 2007, Antony, Pháp. Năm có hàng chục triệu trẻ em trên thế giới đang đói. (Thời điểm ông lập trang web và viết những dòng này - Nguyễn Hữu Hồng Minh chú thích).
1963: du học tại Paris, ngành dược. 1965: Bỏ dược vì không thích, không muốn sống chỉ để kiếm tiền và cũng không có khả năng đi xa hơn thế trong ngành này.
Quay sang học kinh tế. Học xong cử nhân, bỏ kinh tế vì không tin. Lỗi tại Karl Marx.
Quay sang học tin học, có vẻ chắc ăn hơn. Quả vậy; vừa thích thú vừa cơm cháo đề huề, chưa bao giờ bị đói. Than ôi!...
Bắt đầu hành hạ tiếng Pháp đầu thập niên 80.
Bắt đầu hành hạ tiếng Việt cuối thập niên 80.
Bắt đầu dịch văn chương Việt Nam qua tiếng Pháp đầu thập niên 90.
Bắt đầu phụ Nina McPherson hành hạ tiếng Mỹ đầu thập niên 90.
Bắt đầu hành hạ chính mình từ lúc nào thì không biết vì chưa bao giờ có nhu cầu.
Dù sao, cho tới chết, trong bất cứ lĩnh vực nào, chỉ biết viết chính mình thôi. Dở quá... Đành vậy!"
Dấu vân tay, thủ bút của nhà văn Phan Huy Đường trên website họa sĩ Phan Nguyên.
Như vậy có thể thấy ông quay lại bắt đầu hành hạ tiếng Việt cuối thập niên 1980 mà trước đó đầu thập niên là hành hạ tiếng Pháp. Ông nghiên cứu triết học, là chuyên gia về Jean - Paul Sartre, về các tác giả thơ Pháp, về các trào lưu Hiện đại, Hậu hiện đại... Đặc biệt ông viết nhiều cuốn sách bằng tiếng Pháp trong đó có cuốn Penser librement sau này chuyển ngữ tiếng Việt thành “Tư duy tự do” in ở nhà xuất bản Đà Nẵng. Nếu tôi nhớ không lầm trong lần hai anh em gặp nhau và đi chơi ở Paris, anh có kể cuốn sách là một công trình nghiên cứu làm luận án tiến sĩ của anh. Văn bằng này sau đó anh bỏ ngang hay đã bảo vệ xong tôi không còn nhớ nhưng cuốn sách là một “hậu chứng”. Phan Huy Đường là một người rất yêu tự do. Tự do theo nghĩa của thi sĩ Sandor Petofi (Hungary) khắc đá trong một bài thơ nổi tiếng do nhà thơ Xuân Diệu dịch:
Tự do và ái tình
Vì các ngươi ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi hiến cả đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái.
Tuy nhiên, bản dịch này văn vẻ quá, nhiều chất mơ mộng - duy tình hơn là khẳng định tính chất tự do - duy lý mà theo tôi, Sandor Petofi muốn gửi gắm đề đạt. Có vẻ như “Người tư duy tự do” Phan Huy Đường gần hơn với bản chuyển ngữ sau:
Tôi chỉ cần hai điều
Tự do và tình yêu.
Vì yêu hiến cả đời mình
Vì tự do nguyện quên tình yêu thương.
Lại nói về trạm đọc hay website “Ăn mày văn chương”. Có thể nói, ông gửi mail mời tôi là một trong những người đầu tiên khi vừa xây dựng xong, công bố rộng rãi trên không gian ảo. Lý do cũng rất đơn giản, ông đọc những bài tôi viết lúc đó trên talawas, một diễn đàn văn học nghệ thuật trí thức nổi tiếng thời điểm ấy. Ông muốn những trao đổi trên bình diện văn hóa ấy cô đặc, tập trung lại dưới một file của một tác giả. Và từ tác giả này sẽ giới thiệu một tác giả khác lồng vào trong file riêng của mình nếu nhận thức bản thân thấy đó là một cá nhân có triển vọng đầy năng lực, năng lượng. Tôi nhìn vào những nhà văn tên tuổi lúc ấy như Mai Ninh, Miêng, Phạm Trọng Luật, Nam Dao, Trần Vũ và ông Phan Huy Đường.
Nhà văn, dịch giả Phan Huy Đường và Nguyễn Hữu Hồng Minh trong một quán nhỏ ở khu Đại học La Tinh - Paris. (Ảnh: Cao Việt Dũng)
Ông cắt nghĩa “chữ ăn mày văn chương” với cái nhìn của một triết gia, hóm hỉnh và trí tuệ. Đó là sự liên đới và bổ túc cho nhau. Người đọc và Nhà văn là một sự gắn bó mật thiết, biện chứng không thể tách rời. Tác phẩm văn chương chỉ hình thành trong quá trình đọc của độc giả. Vì thế nó có khả năng tồn tại trong một không gian và thời gian rộng lớn hơn không gian và thời gian của tác giả. Tôi muốn trích lại trung thực ý ông vì không thể cắt nghĩa hay hơn được nữa:
“Trong văn học, tôi kêu gọi người khác đọc những gì tôi viết vì không có ai đọc thì những gì tôi viết chỉ tồn tại như một mớ giấy lem nhem mực, không thành tác phẩm, không thành văn.
Điều trên cần thiết nhưng không đầy đủ. Nếu người đọc tiếp cận bài vở của Tôi với một tấm lòng bẩn thỉu đầy hận thù, ganh ghen, với đầu óc đầy thành kiến, nghi kỵ, không gợn chút tự do tin người, có đọc nghìn lần đi nữa thì trước tác của Tôi cũng không thành văn được. Chỉ khi nào người ấy đọc trước tác của Tôi với lòng nhân và lý trí tự do của con người, trước tác đó mới có khả năng thành văn, mới có khả năng tồn tại vượt thời gian và thời đại của Tôi. Và đây là điều kiện cuối cùng, cơ bản nhất: trước tác của Tôi phải có khả năng khơi lòng nhân và lý trí tự do nơi người đọc, như thế nó mới có khả năng tìm được người đọc xứng đáng và trở thành văn chương.
Vì vậy, khi Tôi đọc văn của người khác, điều đầu tiên Tôi cố gắng làm là quét sạch kiến thức của Tôi để có thể đón nhận một con người khác Tôi, trong tư thế của một con người tự do, bình đẳng và trìu mến.
Đó, với Tôi, là thái độ ăn mày văn chương.
Và cũng chỉ là thái độ văn chương thôi. Còn phải viết sao cho hình thức với nội dung quyện lại thành một, biến thành văn phong trung thực của một con người, biến thành nghệ thuật”.
Rất tiếc là tôi đã không tham gia với ông vào cái Trạm đọc “Ăn mày văn chương” đó. Chỉ vì một lý do, bất ngờ tôi không thấy nhà văn Trần Vũ xuất hiện trong sáu nhân vật điều hành chung cái “Trạm đọc” ấy như ông đã giới thiệu dẫn ra! Sau này tôi mới biết Phan Huy Đường cũng chưa phải “tư duy tự do” cho lắm (!?). Ông cũng khá “thủ cựu”. Có thể vì tuổi tác! Bởi vì không thích Trần Vũ quá lăng xê truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu mà ông “không muốn cho Vũ chơi chung nữa” như một cách ông “đáo để” bảo tôi trong những đêm gặp gỡ hai anh em lang thang Paris. Tất nhiên tôi thừa hiều là còn nhiều chuyện khác. Mà thôi, quan trọng gì đâu! Vì kể chuyện về Vũ thì giọng ông vẫn đầy thương mến như giọng một ông anh Cả đối với một thằng em trai.
Tôi nhận ra tâm hồn ông thật trẻ trung và cách yêu ghét quá mãnh liệt. Tuy vậy, nghe kỹ thì ẩn sâu trong những câu chuyện của ông bàng bạc nỗi tiếc nuối của một người sống lang bạt, xa quê hương quá lâu. Lần gặp gỡ ngắn ngủi ở trời Âu đó ông kể nhiều chuyện về giới văn chương, trí thức, chữ nghĩa, triết học, chuyện vỉa hè Paris…bằng một giọng Bắc 54 đều đều, duyên dáng nhưng sắc cạnh đến từng âm tiết… Càng có tuổi hình như lại càng nhiều thương nhớ!
Sau này, tôi đọc trong tiểu thuyết “Một mối tình ngụ cư” của Phan Huy Đường thật nhiều giằng xé, tâm trạng. Ông viết: “Có nỗi đau cứ vô lý lang thang dưới hình hài tôi, chẳng để làm gì!...”.
Chân dung nhà văn Phan Huy Đường (Tư liệu của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi)
(Còn tiếp)