VĂN HÓA

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 3)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 25-10-2019 • Lượt xem: 3563
Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 3)

Lại nhớ lần qua Pháp cùng nhà văn dịch giả trẻ Cao Việt Dũng, chúng tôi được nhà văn, dịch giả Phan Huy Đường đón tiếp nồng hậu ở cà phê Les Deux Magots. Sau đó ông giới thiệu Café de Flore, một thời là địa điểm lui tới của các nhà văn hiện sinh nổi tiếng như Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir… cùng nhiều nhóm trí thức văn nghệ sĩ tiên phong lừng lẫy một thời, trong đó có cả nhà triết học Trần Đức Thảo.

Tin, bài liên quan:

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 2)

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 1)

Joseph Brodsky - Hoàng Ngọc Biên: Thơ, âm vực và im lặng

Buổi sáng cuối tuần ở Paris, chúng tôi hẹn nhau đến đây uống cà phê. Thong thả nhìn ngắm những bức hình ngày xưa. Nghe ông kể lại chuyện Trần Đức Thảo từng gặp Jean Paul Sartre ở đây như thế nào? Trong cái lạnh tuyết giá bắt đầu rơi ở Pháp giữa tháng mười một, chúng tôi đã có những tranh luận thú vị về văn học, văn chương Việt Nam. Tôi nhớ Cao Việt Dũng đã “cãi” nhau với Phan Huy Đường rất hăng! Còn học giả uyên thâm tên tuổi chỉ cười. Nụ cười có sức mạnh hiền triết “giải chấp” tất cả.

Chân dung Nhà văn, Nhà nghiên cứu Triết học, Dịch giả Phan Huy Đường - Oil painting 8 x 10 - Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

Sau đó, Phan Huy Đường còn lấy xe hơi chở tôi đi khám phá nhiều quán cà phê khác ở Paris. Tôi nhớ quán cà phê ở khu La-Tinh hay còn gọi là khu đại học Paris, không gian của quán đặc biệt và có sức quyến rũ đến nỗi câu chuyện chúng tôi kéo dài đến tận… 3 giờ khuya!

Café de Flore lịch sử ở Paris Pháp, nơi gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir… Trong đó có cả nhà triết học Trần Đức Thảo. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho nhiều cuộc tranh luận quan điềm, nghệ thuật...

Nhà nghiên cứu Triết học Trần Đức Thảo (1917 - 1993) thời gian ở Pháp

Lần khác, ông lấy xe chở tôi đi ăn trong khu phố China Town quận 13. Rồi tiếp tục lang thang đến một quán ăn Ả Rập, mà ông nhỏ nhẻ giới thiệu rằng nhà riêng của tổng thống Pháp Francois Mitterrand ở gần đây thôi! “Tổng thống Pháp cũng thích ăn cơm với thịt trừu và uống vang đấy”. Ông hóm hỉnh giễu nhại. Mà thật! Cái mùi thịt trừu (cừu non) nướng bốc khói trong sương lạnh với những câu chuyện văn chương nhớ đâu kể đó, lan man không đầu không cuối thật là quyến rũ. Tôi nhận thấy tâm hồn ông thật trẻ trung. Hoàn toàn không có những biên giới hay khoảng cách tuổi tác. Dấu vết thời gian có chăng ở đuôi mắt nhiều vết chân chim. Thi thoảng giữa câu chuyện có chút gợn buồn vì những mong ước từ thời trẻ đến hôm nay, như nhạc sĩ Phạm Duy viết là vẫn “tôi đang mơ giấc mộng dài/ Đừng lay tôi nhé cuộc đời xung quanh”. Nhiều chuyện giữa trí thức trong - ngoài nước vẫn cộm lên, dày thêm những bức tường thành, chuyện hòa hợp hòa giải dường như vẫn còn quá xa mới như ngày nào từ Pháp ông cũng góp lên một ánh lửa tranh đấu cho Việt Nam hòa bình. Giờ tuổi đã cao và bao nhiệt huyết, giấc mơ đã trở thành hoài niệm. Cuộc đời quá ngắn cho mọi việc, mọi chuyện. “Vẫy gọi nhau làm người” cuối cùng hóa ra là là cú vẫy của hư ảo. Như thi sĩ Phạm Hầu đã từng viết trong “Vọng Hải đài”: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Không biết xa lòng có những ai?…”.

Vẫn có những tri âm vẫy lại ông đó chứ! Ví như nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã viết về “Tư duy Tự do” cuốn sách quan trọng tối thượng của nhà nghiên cứu Triết học Phan Huy Đường như sau:

Bìa cuốn sách "Tư duy Tự do" của Phan Huy Đường do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành

“Tự do của con người được tác giả xem xét trong quan hệ của nó với vật chất, trong quan hệ của nó với sự sống và trong quan hệ của nó với “tha nhân và với chính mình”. Từ ba quan hệ này có ba hình thái của tự do. Hình thái thứ nhất đòi hỏi sự hiểu biết vật chất một cách chính xác, tức là kiến thức khoa học, hoặc nói một cách bao quát, đó là “tính tất yếu được nhận thức”. Hình thái thứ hai đòi hỏi “tình yêu sự sống”. Hình thái thứ ba đòi hỏi “tình đoàn kết giữa người với người”. Đoàn kết là “nhận thấy mình ở tha nhân và tha nhân ở mình trong quan hệ với người khác, với chính mình”. Hiểu như vậy, “đoàn kết là hình thái tối cao, là chân trời của tự do”…

Dù ít ỏi nhưng đó không phải là những tín hiệu của hư vô.

***

Tạm biệt nước Pháp và Paris, ông gửi tặng tôi mấy tập thơ của Paul Éluard và Pablo Neruda bản tiếng Pháp. Cũng bởi xung quanh những câu chuyện chúng tôi nói ở Paris chỉ như mở ra chưa bao giờ khép lại. Và Phan Huy Đường cho thấy ông là một người rất sành về thơ. Sau này tôi mới đọc được các bài viết của ông về Thơ trên “Ăn mày văn chương”. Đặc biệt ông còn dịch nhiều thơ của các nhà thơ trẻ Việt Nam mà ông thích qua tiếng Pháp và tiếng Anh.

Nhà thơ Pablo Neruda (1904 - 1973)

Trong mấy lần gặp gỡ ngắn ngủi của chúng tôi ở Paris, ông có nói về bài thơ “Tự do” của Paul Éluard cũng như “Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng” của Pablo Neruda. Ông nói, thơ thực thụ không chỉ mới mẻ về hình thức mà còn phải hàm chứa những suy luận triết lý. Dấu ấn siêu thực thể hiện đậm nét ở cách quan niệm bí ẩn, siêu hình về mối tương quan hữu cơ giữa các mặt đối lập trong thực tế như sống - chết, thực - ảo, cái có thực - cái tưởng tượng, cái cao cả - cái thấp hèn, cái quá khứ - cái tương lai… Ông cho đó là những bài thơ chiến đấu và có tính dân tộc rất lớn. Đã là một thi sĩ thì không thể không biết đến những bài thơ trác tuyệt như thế. Sau này, tìm hiểu thêm, tôi mới biết cả hai thi sĩ Paul Éluard (Pháp) Pablo Neruda (Chi Lê) đều là những nhà thơ từng yêu lý tưởng người Cộng sản.

Bìa cuốn sách có hai mặt "Yêu" và "Chết" - Một tác phẩm của Phan Huy Đường do họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi trình bày

Tôi muốn giới thiệu lại bài thơ “Liberté” của Paul Éluard mà anh Phan Huy Đường rất thích. Cũng có thể qua đó, thấy một phần nào ánh sáng tâm hồn anh, người “Tư duy tự do” đã từng nghĩ về tự do!

Bài thơ sau là bản dịch của Tế Hanh. Trong các bài thơ chuyển ngữ từ tiếng Pháp, tôi thích các bản dịch của Tế Hanh hơn cả.

Thi sĩ Paul Éluard (1895-1952), tác giả bài thơ Liberté - Tự do nổi tiếng

Bài thơ Tự Do - Liberté - Paul Éluard

Trên những trang vở học sinh
Trên bàn học trên cây xanh
Trên đất cát và trên tuyết
Tôi viết tên em

Trên những trang sách đã đọc. 
Trên những trang trắng chưa dung
Đá máu giấy hoặc tro tàn
Tôi viết tên em

Trên hình ảnh rực vàng son
Trên gươm đao người lính chiến 
Trên mũ áo các vua quan
Tôi viết tên em

Trên sa mạc trên rừng hoang
Trên tổ chim trên hoa trái
Trên thời thơ ấu âm vang
Tôi viết tên em

Trên điều huyền diệu đêm đêm
Trên khoanh bánh trắng hằng ngày
Trên các mùa cùng gắn bó
Tôi viết tên em

Trên những mảnh trời trong xanh
Trên ao mật trời ẩm mốc
Trên hồ vầng trăng lung linh
Tôi viết tên em

Trên mỗi khoảnh khắc hừng đông
Trên đại dương trên tàu thuyền
Trên vùng núi non điên dại
Tôi viết tên em

Trên áng mây trôi bềnh bồng
Trên nhễ nhại cơn bão dông
Trên hạt mưa rào nhạt thếch
Tôi viết tên em

Trên cây đến vừa thắp sang
Trên cây đèn đang lụi dần
Trên cả họ hàng quây quần
Tôi viết tên em

Trên nơi trú ẩn tan hoang
Trên ngọn hải đăng đổ nát
Trên mấy bức tường ngao ngán
Tôi viết tên em

Trên sức khoẻ được phục hồi
Trên hiểm nguy đã tan biến
Trên hi vọng chẳng vấn vương
Tôi viết tên em

Và bằng phép màu một tiếng
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em

(Tế Hanh dịch)

Trong một mail trao đổi giữa ông và tôi khá lâu (2007) ông viết như sau về ý thức quan trọng như thế nào trước cám dỗ sa lầy hay sa đọa văn chương. Một cảnh báo trước cái Ác nhân danh mỹ miều sa-lon nghệ thuật:

"Khi nhà văn mô tả con người bị ép sống như thú vật, văn phong càng trong sáng bao nhiêu càng khiến độc giả thương cảm thân phận làm người bấy nhiêu!

Khi nhà văn đội lốt người cho thú vật để thăng hoa nếp sống cầm thú với nhau trong nhân giới, văn phong càng mỹ miều bao nhiêu càng trơ trẽn bấy nhiêu!…".

Tiễn biệt ông, Nhà văn, Nhà nghiên cứu Triết học, Dịch giả Phan Huy Đường.

Hay ngắn gọn, đầy đủ nhất, tiễn biệt một Người tư duy Tự do!

Để biết thế giới luôn rộng mở và những chân trời chưa bao giờ đóng lại…

Sài Gòn, chiều 24/10/2019.