VĂN HÓA

Chuẩn bị món ăn Tết cho ngày xuân thêm trọn vẹn

Tam Nguyên • 17-01-2024 • Lượt xem: 2244
Chuẩn bị món ăn Tết cho ngày xuân thêm trọn vẹn

Ẩm thực là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, chính vì thế mà mỗi dịp Tết đến xuân về những món ăn cổ truyền ngày Tết được mọi gia đình chú trọng. 

Tùy theo điều kiện của mỗi nhà và ở mỗi vùng miền các món ăn ngày Tết lại mang nét đặc trưng riêng.

Bánh chưng

Bánh chưng là một món ăn truyền thống đã có từ thời xa xưa và đến nay nó vẫn được coi là biểu trưng cho ngày Tết. Món ăn tượng trưng cho sự hòa quyện của trời đất, là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta.

Để nấu được bánh ngon, vuông vắn thì bạn cần phải có chút kinh nghiệm và bàn tay khéo léo. Bánh được làm từ các nguyên liệu chính như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và dùng lá dong để gói chặt theo hình vuông. Bánh chưng được nấu trong nồi trong thời gian khá lâu.

Bánh tét

Nếu bánh chưng là loại bánh tết đặc trưng của Miền Bắc, thì bánh tét chính là loại bánh truyền thống ở Miền Nam. Bánh tét có hình trụ dài, được gói trong lá chuối, vỏ bánh được làm từ gạo nếp ngon. Bánh có hai loại nhân mặn và ngọt, thường là nhân đậu xanh thịt mỡ và nhân chuối.

Cái tên bánh tét xuất phát từ cách ăn của loại bánh này. Bánh Tét được gói thành hình trụ bằng lá chuối, sau đó dùng dây lạc tre quấn chặt để cố định. Khi ăn, người ta thường khui bánh ra và dùng chính dây lạc đó để cắt bánh, người ta gọi là tét bánh. 

Tai heo ngâm chua ngọt

Tết năm nào cũng vậy, bên cạnh nồi thịt kho trứng, canh kiểm béo béo, củ kiệu và dưa hành giòn giòn, thì chúng ta thường chuẩn bị thêm vài hũ lỗ tai heo ngâm chua ngọt dành cho các bữa nhậu, ăn vặt hoặc chống ngán cho mâm cơm ngày Tết.

Tai heo ngâm mắm chua ngọt hấp dẫn người ăn bởi miếng tai nhai giòn sần sật kết hợp với vị chua, mặn, ngọt hấp dẫn, rất phù hợp dùng trong ngày Tết khi gần như các bữa cơm đều tràn ngập thịt mỡ hay bánh chưng, bánh tét.

Thịt kho tàu

Thịt kho tàu hay còn gọi là thịt kho trứng, thịt kho hột vịt là một món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình trong dịp Tết. Vị thơm của thịt, vị ngọt của nước thịt ăn kèm với một ít củ kiệu thì sẽ không có món ăn nào ngon bằng trong những ngày cả gia đình quây quần bên nhau.

Thịt kho tàu cũng như bao món kho khác, được nấu như món ăn để lưu trữ dài ngày vào dịp Tết. Đó là món ăn thân quen, gắn bó với các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy – dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công. Hột vịt trong món ăn này không xắt ra mà để nguyên cả quả, ngụ ý một năm mới trọn vẹn và đầy đủ cho chúng ta.

Chè trôi nước

Chè trôi nước ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt, gắn liền cùng lịch sử hào hùng dân tộc Việt Nam. Đây là món chè truyền thống, thường sử dụng vào các dịp như cúng kiếng, lễ lạt bao gồm cả Tết cổ truyền.

Chè trôi nước tượng trưng sự gắn kết gia đình sum vầy, sự “tròn trịa” tình nghĩa. Viên trôi nước truyền thống có phần vỏ làm từ bột trắng mịn. Nhân chè được bọc với những viên đậu xanh ngọt ngọt, mịn mịn, béo béo. Bên cạnh đó là nước đường ngọt thanh, thêm chút mè rang vàng thơm dịu và gừng cay nồng. Toàn bộ các mùi vị này như tượng trưng cho tình cảm nồng ấm keo sơn và ngọt ngào của gia đình. 

Canh kiểm

Ở miền Nam, vào ngày mùng 1 Tết mọi người thường chuẩn bị món canh kiểm song sánh, thơm nức mũi để chiêu đãi khách đến thăm nhà như một lời chúc cho năm mới bình an. 

Canh kiểm là một trong những món chay truyền thống Việt Nam và đặc biệt được yêu thích tại Nam Bộ. Món kiểm nổi tiếng với hương vị bùi bùi, béo béo, ngọt thanh từ rau củ quả, song sánh nước dừa ngà thơm phức, kiểm được nhiều người yêu thích, đặc biệt là người ăn chay.

Canh khổ qua đồn thịt

Canh khổ qua nhồi thịt cũng là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Theo quan niệm của người miền nam, khi ăn món canh này thì mọi cái “khổ” của năm cũ sẽ đều “qua” đi, cũng vì thế món này hay được xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết cổ truyền.

Theo truyền thông, canh khổ qua thường được dọn lên mâm cơm vào 3 ngày đầu năm mới nhầm giúp xua tan đen đủi của năm cũ, mong cho mọi điều khổ đều đi qua, đón một năm mới may mắn, tươi sáng hơn, cầu cho gia đạo được bình an và như ý.

Mứt Tết

Mỗi dịp Tết đến, gần như tất cả các gia đình Việt Nam đều chuẩn bị khay mứt đặt ở phòng khách như một truyền thống. Trong đó, người ta thường bày đầy đủ các loại mứt, bánh, kẹo để tiếp đãi khách đến chơi nhà.

Mứt Tết không đơn giản chỉ là một món nhâm nhi, mà chính hương vị ngọt ngào của nó là cầu nối cho những giây phút gia đình sum họp bên nhau để hàn huyên câu chuyện của năm cũ và chia sẻ những dự định, mong ước trong năm mới. Đồng thời góp phần lưu giữ truyền thống và giá trị văn hoá cổ truyền.