Duyên Dáng Việt Nam

Phận người mưu sinh nơi chợ đầu mối

N.Minh • 27-03-2018 • Lượt xem: 2674
Phận người mưu sinh nơi chợ đầu mối

Bạn đã bao giờ đi chợ đầu mối chưa? Nếu một lần ghé chân vào những khu chợ khổng lồ ấy với vô số các mặt hàng nông sản, thực phẩm bày bán, ngoài việc bạn nhận ra độ chênh lệch chóng mặt giữa bán sỉ và bán lẻ, bạn còn thấm thía hơn công việc cực nhọc của những phận người mưu sinh nơi ấy.

Vào lúc 4 giờ sáng, chợ sáng rực đèn. Đây là lúc chợ rất đông, người người chen lấn, xe to xe nhỏ, xe máy xe ba gác như trộn vào nhau dưới ánh đèn khuya về sáng. Lúc này là giờ cao điểm các tiểu thương đổ dồn về chợ để lấy hàng. Người mua nói liên tục, người bán cũng nói liên tục. Người ra giá người mặc cả. Nhưng vì ai cũng cần mua nên người bán được dịp đắt hàng, gặp tiểu thương nào cò kè mặc cả quá, mất thời gian của người chạy xe sát nút phía sau, tốt hơn hết là chia tay nhau gọn lẹ đi để người khác còn tiến lên và mua.

Cả khu chợ 20 héc-ta, nhưng dường như rất ít khi có những khoảng đất trống, chỗ nào cũng người, xe, rau, củ, quả. Một thứ không hề ít là rác, những bãi trái cây hoặc rau bị hư chất đống nằm bất kể chỗ nào giữa chợ. 

Nếu bạn muốn đi chợ đầu mối, đường gần vào chợ chừng vài cây số, sẽ thấy các đồng minh đi xe máy, tàng tàng chen ra, xe của bà nào ông nào cũng chất ngập đồ, rau trái cây buộc chi chít khắp xe. Nhìn chiếc xe mà thấy tội nghiệp, bất kể khoảng nào hở ra cũng sẽ bị chất nào rau nào quả lên. Nhìn là sẽ nhận ra ngay người đang điều khiển chiếc xe kia là một cô bán rau nào đó, đang chở hàng đi về chợ để bắt đầu cho một ngày bán buôn đắt rẻ. Những chiếc xe chở rau, nếu một sáng nào đó, dậy sớm ra phố tập thể dục, từ 5 giờ sáng đã thấy nườm nượp người xe chở hàng nặng đi qua các ngả đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân hay băng qua cầu Bình Triệu để đổ rau quả về các quận Nhất quận Nhì…

Nếu đến chợ đầu mối, hẳn sẽ thấy một chút ngạc nhiên trước các gian hàng khủng. Người ta đương nhiên không bán linh tinh thập cẩm các loại rau củ quả như một sạp hàng giá lẻ ở chợ nhỏ, mà mỗi người sẽ chỉ bán vài ba món tập trung, ví như chuyên bí đỏ, chuyên rau cải, cà chua… Mỗi gian hàng khoảng chục sọt, mỗi sọt thường chục hoặc hai chục kí là chuyện bình thường. Đừng có dại mà hỏi mua một kí, muốn mua rẻ tốt nhất hãy mua từ năm kí hoặc chục kí. Hãy nghĩ xem, bạn có thể bỏ ra 25 ngàn đồng để sở hữu nguyên bịch dưa leo 10kg đã đóng sẵn. Không ai muốn bán tách ra vài ba kí hàng để lãi lời chẳng bao nhiêu. Thế nhưng dù nhiều đấy, nhưng dường như chợ luôn bán hết veo hàng. Bởi cả Sài Gòn rộng lớn, bao nhiêu rau mà chả hết. Nên dân bán buôn ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chảnh lắm, chỉ ép giá họ một chút thôi là họ mời mình đi liền, để còn tới phiên người khác. Hôm ấy sau khi đã mua đủ loại và chất ngập xe, tôi đi vòng lối ra để về thì một anh bán rau xà lách, dáng dấp rất bảnh bao, tay đeo 3 chiếc nhẫn đính hạt to đùng, nhìn tôi: Mua đi em, 5.000 đồng một ký. Cách đó vài tuần tôi từng mua 4 kg với giá 10 ngàn đồng, nên tiện mồm mặc cả: 10 ngàn 3 ký được thì bán. Thế mà ổng quạu lên: Trông ăn diện thế kia mà trả giá thấy ghê. Thôi chia tay luôn đi.

Thế là tôi đi, ừ thì chia tay. Lại tới hàng cam, lúc trưa nắng, một cô khoảng 50 còn ế 3 sọt cam, trái xanh, sần sùi, to, loại cam vắt nước mời chào tôi mua. Cổ nói 15 ngàn/kg. Tôi trả 14 ngàn. Mười ký là 140 ngàn, nhưng bớt thêm 10 ngàn, thế là ông bán hàng bên cạnh lại cáu lên: Không có lời, thôi đi luôn giùm đi.

Thế đấy, nếu mỗi ngày bạn đi chợ, chi li tính toán thiệt hơn và nhớ giá các thứ mình từng mua và so sánh với giá lấy từ chợ đầu mối, sẽ thấy sự chênh lệch có thể gấp đôi gấp ba. Mười ký xoài keo 100 ngàn, 10 ký đu đủ 50 ngàn, 10 ký quýt đường hay sapoche 90 ngàn… 

Nhưng khi ra đến chợ lẻ, giá chắc chắn sẽ tăng gấp đôi. Thậm chí chợ lẻ xa hơn lấy từ chợ gần đó, không qua đầu mối, giá sẽ đội lên gấp 3. Người mua vẫn cứ mua, tiền vẫn cứ trả. Bà hàng xóm của tôi quá rành chuyện bán buôn từ chợ này qua chợ kia, lâu lâu lại véo von: Đi buôn không lỗ thì lời, đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng. 

Còn nếu muốn mua được giá rẻ và ép được giá hời, đừng nên đi vào lúc 4 giờ sáng, bởi lúc ấy là giờ cao điểm, rất nhiều người có nhu cầu mua, mà hầu hết là các tiểu thương mua về đem ra chợ nhỏ bán lẻ. Bạn hãy đi vào lúc 12 giờ hoặc 1 giờ trưa. Bởi chợ đã vãn, nắng lên, bán suốt từ đêm tới trưa, nhiều người đã thấm mệt, chỉ muốn xả hàng cho nhanh để về nghỉ ngơi. Lúc này có thể họ chỉ bán giá gốc, thậm chí bán giá bị lỗ nhưng vẫn cứ vui vẻ bán, nếu như có mặc cả đôi lời cũng chỉ là hình thức của việc bán mua. Nhưng hãy tỉnh táo một chút, để biết rõ nếu như bạn mua 20 ký cam, về cân lại cân ở nhà chỉ có 19 hoặc 18 ký mà thôi. Tốt hơn hết là hãy mang theo cân riêng để cân, cho dù nếu dùng cân của nhà mang theo, thì giá lại sẽ đắt hơn lên 1 tới 2 ngàn đồng.

Lại nhớ anh trai con bác ruột của tôi, năm 1993 anh vào Biên Hòa chữa bệnh đau cột sống. Cả vợ chồng lẫn con cái vừa vào Nam chữa bệnh vừa phải mưu sinh bằng nghề bán rau. Thế mà giờ hai con anh đã lớn, đi lấy chồng và bệnh anh cũng khỏi, anh còn mua cái nhà khang trang ở nơi này và vợ anh vẫn đi bán rau.

Vòng vo vậy thôi, vì mỗi thứ đều có giá trị riêng của nó. Không có gì lãi nhiều lãi lớn mà tự nhiên rớt xuống đầu mình. Mỗi lần đến chợ đầu mối, nhất là vào buổi trưa, tôi hầu như không mấy vui vẻ vì mua được giá mà chỉ băn khoăn mãi hình ảnh những người đàn ông da đen nhẻm, mồ hôi đầm đìa làm nghề bốc vác, đêm lẫn ngày loanh quanh với chợ với trời, nắng nôi vất vả. Họ hầu như không mấy khi cười, cứ lầm lũi với những bao hàng kê lên vai rồi lại đặt xuống, lặp đi lặp lại mỗi ngày.