VĂN HÓA

Phan Tam Khê và bí mật những dòng suối nhỏ

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 09-01-2020 • Lượt xem: 6340
Phan Tam Khê và bí mật những dòng suối nhỏ

Thật thú vị khi hình dung trong một cái tên có ba dòng suối ẩn, ba khuôn mặt phụ nữ nổi tiếng. Phan Tam Khê là một nhà nghiên cứu khiêm tốn hiện sống ở Paris - Pháp với những bài viết mang tính chất khảo cứu riêng biệt về đất và người Đà Nẵng xưa. Khi viết về các văn nghệ sĩ cũng vậy, đi từ những kỷ niệm, trải nghiệm có thực của bà với họ để từ đây bắt một cây cầu qua tác phẩm. Và hai cô con gái Liêm Khê - nhà nghiên cứu Sử học, Trần Nữ Yên Khê, một diễn viên điện ảnh nổi tiếng từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

Tin bài liên quan

Nguyễn Tri Phương Đông: Họa sĩ thiết kế đoạt giải ‘American Graphic Design Awards’

Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 1)

Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 1)  

Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có (Kỳ 1)

 

Tôi tình cờ biết đến nhà nghiên cứu Phan Tam Khê - tên thật là Phan Thị Hồng Hạnh - qua giới thiệu của họa sĩ Phan Ngọc Minh. Ông gửi cho tôi hai tác phẩm khá dày đặn là tập khảo cứu ghi chép “Đà Nẵng - Paris một chút tình” tác giả Phan Tam Khê và cuốn sách dịch “Vangogh” của Par David Hazior, người chuyển ngữ Phan Hồng Hạnh.

Ông bà Joet (bìa phải) – Phan Tam Khê (bìa trái), nhà nghiên cứu Văn Ngọc và họa sĩ Phan Ngọc Minh trong một triển lãm Paris.

Họa sĩ nhắn tôi để thời giờ đọc xong sẽ thấy nhiều điều thú vị. Quả đúng vậy!

Với cuốn VanGogh, rất nhiều thông tin mới về cuộc đời của một thiên tài hội họa nhưng đầy tai ương và bất hạnh. Trong cơn điên, ông đã cắt đứt tai của mình để bảo chứng tình yêu với một cô gái điếm. Nhà văn David Hazior đã có nhiều tư liệu mới hơn tất cả các cuốn sách từ trước đến nay nghiên cứu về cuộc đời Vangogh. Ví dụ như ông đã trưng ra được bằng chứng Vangogh đã mang một cái tên “chết yểu” của một người anh xấu số vừa sinh ra đời đã mất. Điều đó có nghĩa ông chưa lúc nào thoát khỏi ám ảnh hiện diện của mình hay phản bóng của ông anh?  Và cả cuộc đời làm nghệ thuật của Vangogh ngỡ ảo hóa nhưng cũng là chứng thực cho một bi kịch thiên tài hội họa.

Bìa một tác phẩm viết và một tác phẩm dịch của nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Tam Khê

Ở tập Đà Nẵng Paris một chút tình có rất nhiều bài hay. Đặc biệt là những bút ký, ghi chép, hồi tưởng về những sự việc, câu chuyện từ tư liệu cá nhân, gia đình… như Ngày mai gió cuốn, bác Thảo, Phan Huỳnh Điểu chú tôi, Trịnh Công Sơn anh là ai?, Bonjour mon cousin, Cái chết của thi nhân, Gracme Allwright… Rất nhiều độc giả bất ngờ khi tiếp xúc văn bản đã có thêm những thông tin độc đáo, bổ ích như biết thêm những ngày cuối cùng của giáo sư triết học Trần Đức Thảo trên đất Pháp như thế nào? Tại sao nhạc Trịnh là những ám ảnh thân phận? Phan Tam Khê quả là một cây bút có duyên ngầm hóa giải những vấn đề của thế hệ mà dường như tác giả cũng là người chung cuộc… Những bài viết có chất men khởi tạo từ những kỷ niệm có thực của bà với các văn nghệ sĩ cũng như lịch sử một vùng đất là thành phố Tourane - Đà Nẵng cũ nơi bà sinh ra và lớn lên. Gọi là “Đà Nẵng Paris một chút tình” nhưng thực ra là cả một tấm lòng, một cuộc đời chất nặng trong đó. Những người như nhà nghiên cứu Phan Tam Khê, nhà phê bình văn học Đặng Tiến, ông Huỳnh Khanh giám đốc nhà xuất bản Da vàng trước 1975… thuộc “thế hệ vàng” cho văn hóa một thời đã mất hay mai một dần mà chưa có phương pháp cải hồi, cứu vãn.  

Và đúng là thú vị khi trao đổi với họa sĩ Phan Ngọc Minh tôi được biết tác giả của hai cuốn sách trên chỉ là một người “đàn bà Quảng Nam”: bà Phan Hồng Hạnh. Từ giới thiệu của ông, tôi đã được làm quen qua email với Phan Tam Khê, một bút danh của bà Hồng Hạnh. Mà hình như trong tiếng Việt, chữ “Khê” hàm ẩn mang nhiều nghĩa. Là dòng suối, là vọng cố hương. Với riêng người gốc sinh ra lớn lên ở Đà Nẵng, “Khê” có thể chỉ là nét nhớ gợi nhớ quận Thanh Khê, một làng cá ngày xưa bạt ngàn bóng câu thùy dương và cát trắng. Ca dao miền biển Quảng Nam có câu “Lấy chồng nghề ruộng em theo / Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”.   Đặc biệt hơn là ấy chồng người Pháp, bà Hạnh theo chồng qua Paris khi còn trẻ.  Để tôi càng bất ngờ hơn khi biết thêm hai người phụ nữ khác trong gia đình bà Hồng Hạnh có tên liên quan đến chữ Khê là Liêm Khê, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội và Trần Nữ Yên Khê, một diễn viên điện ảnh xuất sác..

Nhà nghiên cứu Phan Tam Khê (giữa) họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh (Đà Nẵng, 6.2016)

***

2. Liêm Khê Luguern là con gái của nhà nghiên cứu Phan Tam Khê. Chị có một công trình bảo vệ luận án cao học và đã xuất bản trong nước được giới sử học đánh giá cao là Những người lính thợ Đông Dương - Les Travailleurs Indochinois requis, (Nxb.Đà Nẵng). Đó là số phận của những người lính phần lớn ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam  bị “trưng dụng” đưa qua Pháp trong những năm 1930 -  1940 để làm nhân công hỗ trợ cho nền kinh tế Pháp trong thời chiến. Một chuyến đi đầy “áp lực” và “ép buộc” đối với tâm lý tất cả mọi người, bởi họ bất ngờ bị “thu gom”, “động viên” cho “đủ chỉ số” từ nhiều ấp, xã theo kiểu nô dịch. Nó cho thấy số phận bất hạnh của người dân mất nước trong chiến tranh: hôm nay họ đang sống êm ấm bên gia đình nhưng ngày mai đã bị đẩy ra chênh vênh giữa biển khơi, và một sáng thấy mình đang lao động cật lực ở một xứ xa lạ.

Từ phải qua: Nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Tam Khê và hai con gái Liêm Khê và Trần Nữ Yên Khê.

Bằng phương pháp nghiên cứu sử liệu kết hợp phỏng vấn, các chân dung “lính thợ Đông Dương” được khắc hiện sinh động như Lê Hữu Định (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Tê (Hà Nam), Nguyễn Liên (Bình Định) và nhiều người khác như Mười Oanh, Cân, Ngạn Vi, Tề, Quý, Duyệt, Thiêm… Quá khứ được tái hiện sinh động còn nhờ các chứng từ, số hiệu, phiên hiệu, nhà máy lao động, thẻ thuế… Sau những gian khổ và bất công họ đã phải chịu đựng, chính phủ Pháp vẫn chưa có một khoản trợ cấp, hưu bổng cho họ với những ngày tháng lao động bị “vắt kiệt” trên đất Pháp. Họ vẫn mãi là những số phận bị bạc đãi, lãng quên.

Vợ chồng đao diễn Trần Anh Hùng và diễn viên Yên Khê.

Tác giả Liêm Khê Luguern còn cho biết nhiều người trong cuốn sách đã mất. Và như thế lịch sử cũng sẽ khép lại nếu không kịp thời đưa ra những chứng nhân. Thật may mắn, với sự hợp tác của họa sĩ, nhà nhiếp ảnh Từ Duy, rất nhiều chân dung sống động đã kịp thực hiện trước khi một số người lính thợ qua đời vì bệnh tật và già yếu. Tuy vậy, nhiều người trong lính thợ vẫn sống với ký ức đẹp. Như ông Chu Văn Ngạn (sinh năm 1915 tại Diễn Châu, Nghệ An) rưng rưng kể: “Kỷ niệm đẹp nhất mà tôi còn giữ lại trong những ngày sống trên đất Pháp là lúc chúng tôi đón tiếp Cụ Hồ Chí Minh đến Pháp để dự hội nghị Fontainebleau…”. Và thông điệp của cuốn sách là: “Lịch sử cần công bằng với tất cả, ngay với số phận những người lính thợ. Hãy trả lại điều đó nếu tương lai vẫn còn có thể”.

***

3. Và cô con gái thứ hai của Phan Tam Khê chính là Trần Nữ Yên Khê, một nữ diễn viên xuất sắc vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng trong rất nhiều phim nổi tiếng như Mùa hè chiều thẳng đứng, Người thiếu phụ Nam xương, Xích lô (Cyclo - tại Pháp và Canada - 1995), Mùi đu đủ xanh… Bộ phim Mùi đu đủ xanh  đã đạt giải Camera Vàng LHP Cannes 1993, giải Cesar Phim đầu tay 1993 và đề cử Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Cuộc trao đổi qua lại giữa hai cô cháu tôi ngỡ chỉ tìm kiếm thông tin nhưng quả thật còn biết thêm nhiều điều ý nghĩa. Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc một vài đoạn. “Rất vui được làm quen với cháu... Gia đình cô cũng như những gia đình Việt Nam khác, cư ngụ ở Pháp lo làm ăn và nuôi con cái. Ở đâu cũng vậy, thường có ba khuynh hướng phát triển khác nhau vì ở ba hoàn cảnh và ba môi trường khác nhau. Các thương gia thì rất giàu, thứ đến con cái các nhà khoa học cũng rất giàu vì con cái của họ đều là bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư... Và nhóm thứ ba là nghiêng về khoa học xã hội đi từ văn hóa. Nhưng nhóm này thì đời sống vật chất bình thường thôi. Gia đình cô ở vào nhóm thứ ba. Đời sống thanh thản không bon chen...”

“Cô rất tự mãn vì mình là một người đàn bà Quảng Nam. Vì quanh cô những người đàn bà Quảng Nam đều thật thà, chịu thương chịu khó biết hy sinh... Có lần cô đã phát biểu như thế khi phỏng vấn. Nhiều người chỉ trích cô cho là cô cục bộ. Chắc có lẽ những lời chỉ trích kia cũng đúng thôi vì thật ra cô không rõ về những người đàn bả ở các vùng khác. “Ếch ngồi đày giếng” mà. Cô có một điều rất may là cả ba người rể đều làm những công trình tốt và được nhiều người biết đến…” (Trích email trao đổi của nhà nghiên cứu Phan Tam Khê tức Phan Thị Hồng Hạnh với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh).  

Họa sĩ Phan Ngọc Minh cho biết gia đình bà Phan Hồng Hạnh ở Pháp còn là một Mạnh Thường Quân giúp đỡ các anh em nghệ sĩ trong nước và đặc biệt là Đà Nẵng khi qua Paris triển lãm hay giao lưu. Chính ông và nhiều họa sĩ khác trong thời gian được mời đi tham quan, thực tế sáng tác tại Pháp đã tá túc tại nhà này. Hàng năm có dịp ông bà Phan Hồng Hạnh cùng gia đình về Việt Nam vẫn đi làm những chuyến từ thiện nho nhỏ giúp những số phận neo đơn bất hạnh, những phận người cơ nhỡ. Đặc biệt là trẻ em thiếu điều kiện, sách vở đến trường ông bà quan tâm tận tình. Vì đó là những mầm non, những hạt giống tương lai…    

Có lẽ rất nhiều nỗi nhớ quê hương nên bà Phan Tam Khê còn vẽ rất nhiều tranh. Những bức tranh sơn dầu, màu nước giản dị, ấm áp với những cái tên Một góc phố cổ, Tĩnh vật hoa dỏ II, Một góc kỷ niệm, Tĩnh vật hoa vàng…. ,Màu sắc như tình yêu, là tấm lòng. Như chính họa sĩ Phan Ngọc Minh nhận xét, từ tranh: “Chị Phan Hồng Hạnh và tôi đã gặp và thân nhau rất lâu rồi! Chúng tôi đã từng có những lần vẽ chung với nhau khi có dịp đi triển lãm ở Pháp; và, những lần chị về thăm quê nhà. Lúc nào chị cũng dành thời gian để vẽ, có lúc vẽ chung, hay vẽ riêng chị cũng đều cho tôi xem những bức vẽ của chị. Chị vẽ sơn dầu, aquarelle rất thuần thục, nét vẽ phóng khoáng với những hòa sắc rất gợi cảm… dù vẽ chân dung hay tĩnh vật.

Tôi không ngạc nhiên khi xem những họa phẩm của chị, bởi tôi biết chị yêu hội họa một cách đắm say. Chị cũng đã từng dự các khóa học vẽ tại Paris và đã dành nhiều công sức để vẽ, trao đổi học tập mỗi khi có cơ hội…”

Diễn viên Trần Lãng Khê, cháu ngoại của nhà nghiên cứu Phan Tam Khê

Mới nhất, thông tin tôi được biết thêm một “Khê” nhỏ là cháu của bà, diễn viên Trần Lãng Khê. Sinh năm 1997 tại Pháp. Là con gái rượu của đạo diễn Trần Anh Hùng và diễn viên Yên Khê. Lớn lên trong một gia đình đầy truyền thống nghệ thuật như vậy, không khó hiểu khi chỉ mới 21 tuổi, Lãng Khê cũng đã có kinh nghiệm diễn xuất dày dặn. Lãng Khê theo đuổi ngành Điện ảnh và Sân khấu tại một trường đại học ở Paris (Pháp). Em cũng có cơ hội góp mặt trong bộ phim Les confins du monde (Nơi tận cùng thế giới) cùng tài tử Pháp Gaspard Ulliel - Tác phẩm tham gia mục Director’s Fortnight tại LHP Cannes 2018. Đường sứ mệnh mở ra phơi phới dưới chân, nhiều hoa hồng và triển vọng.

Ông bà Joet- Phan Tam Khê (bìa phải) cùng bạn bè văn nghệ sĩ: Nhà phê bình Thụy Khuê, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, họa sĩ Phan Ngọc Minh.

Đúng là có những dòng suối nhỏ róc rách hay thân thương nhưng đầy tính cách người phụ nữ Quảng Nam ở Paris.

Nhà nghiên cứu Phan Tam Khê trước biệt thự của gia đình ở Đà Nẵng.

Bà Phan Tam Khê và cháu.

Một số bức tranh sơn dầu của Phan Tam Khê: