VĂN HÓA

Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 12-12-2019 • Lượt xem: 5698
Hoàng Ngọc Hiến, người truyền thống giàu có (Kỳ 1)

Xin nói ngay đây là một nhận xét của giáo sư Francois Jullien, Viện trưởng Viện Tư tưởng đương đại, nguyên Chủ tịch Liên đoàn các Nhà triết học thế giới về giáo sư Hoàng Ngọc Hiến khi biết ông mất ở Hà Nội, 24/11/2011. Nói về “truyền thống” lâu nay chúng ta chỉ thường nghe nhắc đến “lạc hậu, cũ kỹ” ít khi nói là “giàu có”. Như vậy mới là bất ngờ, bật sáng.

Tin, bài liên quan:

Nguyễn Trọng Hiệp, người say hồn xưa

Ghi chú mới về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Nhà thơ, dịch giả, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên qua đời

Mà không chỉ giáo sư Francois Jullien viết về bậc thức giả, tôi còn có một bản dịch khá đặc biệt của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến tặng. Đó là cuốn sách "Xác lập cơ sở cho đạo đức" - Đối thoại của Mạnh Tử với một triết gia khai sáng (nguyên tác là "Fonder la morale" - Dialogue de Mencius avec philosophe des Lumières).  Cuốn sách “hiệu quả” mà như ông kể với tôi là thức tỉnh ông như một phát hiện. 

Tượng giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (1930 -2011)

Nhớ lại, lần đó tôi ra Hà Nội giữa năm 2001, tìm đến thăm ông ở ngay trong khu vực gần trường viết văn Nguyễn Du, một trường được xem như hệ đại học dạy viết văn đầu tiên ở Việt Nam. Nói không quá, ông là một trong những người rất tâm huyết, đặt nền móng sáng lập, xây dựng. Ông cũng từng đứng lớp, dạy ở đây nhiều năm và sau đó cũng là hiệu trưởng của trường này. Tôi biết rõ như vậy là do chính ông kể lại. Khoảng năm 1992 gì đấy, hai giáo sư Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Đăng Mạnh được Hội văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng mời về thỉnh giảng một khóa nâng cấp cho các hội viên viết văn. Khóa học diễn ra trong một tuần tại nhà triển lãm 84 Hùng Vương Đà Nẵng bấy giờ.

Đó là mùa hè của đời sinh viên khi tôi từ Sài Gòn trở về thành phố biển và được nhà văn Hoàng Minh Nhân mời tham dự khóa học đó. Tôi trở thành học trò cần mẫn của hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Đăng Mạnh trong suốt tuần học. Phải nói như vậy vì đây là thời điểm tôi còn ngồi trên giảng đường và rất thích nghe các thầy có phong cách giảng. Các thầy đưa mình vào một mê trận từ lúc nào không biết! Văn chương lúc ấy đối với tôi còn rất linh thiêng. Đặc biệt là những câu chuyện mà hai ông kể về trường văn trận bút rất độc chiêu và hấp dẫn. Qua thời gian càng nhớ rõ là rất khó quên. Bởi Hoàng Ngọc Hiến có biệt tài sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ. Ví dụ như ông đưa ra một hình ảnh khôi hài, thông minh mà rất trúng thời điểm đó: “Dắt một con bò sang Liên Xô nó cũng đỗ phó tiến sĩ”. Ông cho tôi cảm giác đây là một người nói hay hơn viết. Thậm chí khi nói ông bật ra những ý lạ, bất ngờ, khi càng cao hứng mất kiểm soát lại càng tuôn chảy. Hoàng Ngọc Hiến rất thích một quan niệm của nhà toán học Pháp thế kỷ 19, Évariste Galois: “Chúng ta không đi đến chân lý. Chúng ta chỉ có thể va chạm vào chân lý”.

 

Các cây bút trẻ Quảng Nam Đà Nẵng một thời, từ trái qua: Hồ Minh Tâm, Nguyễn Thị Tâm Đăng, nguyễn Hữu Hồng Minh, Võ Kim Ngân, Đoàn Bích Hồng, Đỗ Phước Tiến và Hữu Kim

Trở lại cái đêm biếc Hà Nội ấy. Tôi đã đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện với ông. Nghe tôi nhắc lại câu chuyện tôi từng là học viên của ông trong một kỳ tình cờ với một khóa giảng ngắn ngày ở thành phố miền Trung xa xôi mắt ông sáng lên đầy thích thú. Ông cứ thảng thốt kêu lên “thật à, thật à, cậu từng nghe tôi giảng à? Vui nhỉ! Vui nhỉ” một cách đầy thú vị. Giọng nói của ông nghe hơi chua và rất rè. Lúc ấy trời Hà Nội lạnh và ông hơi bị cảm. Căn phòng nhỏ, ánh đèn nê-ông cũ, vàng đục khiến tôi thấy khuôn mặt giáo sư khuất nửa trong bóng tối. Mái tóc lòa xòa che một con mắt, trông ông nghệ sĩ như một nhạc trưởng. Mà đúng thật! Ở Hoàng Ngọc Hiến đã “đan bện” bao bè trầm cho nhiều tác phẩm từ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà… phát hiện thêm nhiều cái hay của Văn Cao, Trần Dần, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Minh Châu… Nhạc trưởng cô đơn của dàn giao hưởng thời tiết xao xác nhiệt đới. Để kỷ niệm với cậu học trò nhỏ từng ngồi nghe ông giảng suốt một khóa học, ông quay vào nhà trong và lấy ra một cuốn sách nhỏ tặng tôi. Đó chính là cuốn sách ông dịch "Xác lập cơ sở cho đạo đức" - Đối thoại của Mạnh Tử với một triết gia khai sáng” của giáo sư Francois Jullien.

 

Bìa cuốn sách "Xác lập cơ sở cho đạo đức" của Francois Jullien và thủ bút chữ ký của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến tặng Nguyễn Hữu Hồng Minh

Trong buổi tối đó, ông nói với tôi cái mới mẻ về triết học từ khi bắt gặp các tác phẩm của giáo sư Francois Jullien. Sau này tôi tìm thấy trong một bài viết ông có thuật lại khá đầy đủ. Xin được lược trích một cái nhìn mới rất hiếm có về triết học hiện nay.

“Trong công trình của Francois Jullien thì phương Đông (Trung Hoa) và Tây (Âu châu) về cơ bản khác nhau trong quan niệm về tính hiệu quả. Cái “nếp” cố hữu của phương Tây là nếp lý thuyết/ thực hành. Khởi đầu của họ là mô hình lý thuyết, mô hình này được phóng chiếu vào thực tại trong tương lai, đó là dự án, dự án trở thành mục tiêu (cứu cánh), có mục tiêu rồi thì ra sức tìm những phương tiện để thực hiện nó trong cuộc sống; có thực hiện thành công dự án không, đó là hiệu quả.

 

Chân dung GS Hoàng Ngọc Hiến. Ngoài giảng dạy, hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du, ông còn là Nhà lý luận phê bình, Dịch giả văn học

Phương Đông trước hết quan tâm đến xu thế của tình thế, cái vẫn được gọi là “thế” (thảo nào, trong tiếng Việt, từ thế tham gia vào sự hình thành nhiều cụm từ hoặc thành ngữ thông dụng: được thế, thất thế, thừa thế, thắng thế, vị thế, thế thượng phong, đảo ngược tình thế, thế tàn, thế suy…), người phương Đông đặc biệt quan tâm đến sự vận hành của thế, tìm cách xoay chuyển tình thế sao cho có lợi cho mình, và một khi nắm được thế thì phát huy được hiệu năng của “cái tự nó đến”…, với cách hành động này, đỡ mất công vô ích, sức bỏ ra ít mà kết quả nhiều… Tôi chợt nhận ra xung quanh tôi, những người lãnh đạo giỏi, những nhà quản lý vững vàng, những giám đốc, doanh nghiệp có uy tín…, đương nhiên trong việc làm dự án, thực hiện dự án theo phong cách phương Tây (đã trở thành phong cách quốc tế) họ giỏi giang không kém ai, nhưng ở họ bao giờ cũng có ít nhiều minh triết phương Đông; đó là khả năng dò tìm tiềm lực của tình thế (tức là cái thế) và từng bước đưa nó phát triển, không phải là mô hình hóa rồi hùng hục hành động; mà là nương theo những nhân tố thuận lợi, những nhân tố có sức chuyển đưa, để khai thác chúng; đó là, theo cách nói của Lão Tử, khả năng góp sức phụ vào “cái tự nó đến”… Một nhận định của Francois Jullien có thể làm thay đổi cách nhìn con người, phân biệt chiều sâu hai nền văn minh, làm hiện lên những “nếp” nghĩ và làm của minh triết phương Đông bị những làn sóng Âu hóa lấn lướt nhưng đâu có vĩnh viễn chìm nghỉm…”.  

Đọc triết hiện đại gặp những tác phẩm như thế này rất sướng! Chiết trung không lạc thời! Cổ xưa vẫn ứng dụng tương tác kết nối được với hiện tại. Sau khi đọc cuốn "Xác lập cơ sở cho đạo đức" của giáo sư Francois Jullien do Hoàng Ngọc Hiến dịch, tôi thay đổi luôn cách nhìn về triết học. Đặc biệt Francois Jullien giải mã và cắt nghĩa được cái mới mẻ của Lão Tử, điều mà tôi thấy triết học thực nghiệm của phương Tây giải quyết được mà nguyên lý phương Đông vẫn chưa rốt ráo hay thỏa mãn tôi được. Lão Tử với quan niệm thâm nho, uyên bác hay rất thủ cựu “Nếu muốn tránh thất bại thì đừng nên bắt đầu”…

(Còn tiếp)